Giá liên tiếp lập đỉnh
Trong những ngày đầu tháng 10/2019, giá lợn hơi trên cả nước liên tục tăng mạnh, giá tại nhiều tỉnh phía Bắc đã vượt 60.000 đồng/kg, còn các tỉnh miền Nam có nơi đã đạt 60.000 đồng/kg. So với cuối tháng 9/2019, giá lợn trên cả nước tăng từ 6.000 - 13.000 đồng/kg.
Các doanh nghiệp đang nỗ lực tái đàn để đảm bảo nguồn cung thịt lợn không bị thiếu hụt.
Sau 8 tháng dịch bệnh hoành hành, sản lượng thịt lợn đã giảm 8,2%. Bộ Công Thương dự báo, cuối năm có thể thiếu 200.000 tấn thịt lợn.
|
Giá lợn hơi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng tăng mạnh, so với cuối tháng 9/2019 cũng đã tăng tới hơn 10.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại các tỉnh khu vực miền Nam cũng theo đã tăng mạnh. Nguyên nhân giá lợn hơi tăng mạnh trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm mạnh. Trong khi, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, nguyên vật liệu cuối năm tăng nên thị trường khá sôi động.
Giá lợn hơi được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức cao, nhất là những tháng cuối năm do dịch tả lợn châu Phi vẫn không ngừng bùng phát ở nhiều nơi, tổng đàn lợn bị giảm mạnh, trong khi người chăn nuôi không dám tái đàn.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dịch tả lợn châu Phi làm cho sản lượng lợn thịt năm 2019 thấp hơn nhiều so với năm 2018. Thời điểm cuối năm 2019 sản lượng thịt lợn hơi sẽ giảm khoảng 200.000 tấn so với năm 2018. Hiện nay, các khu vực trang trại chăn nuôi lớn và những khu vực chăn nuôi đã an toàn dịch bệnh được khuyến khích tăng đàn. Bên cạnh đó, để bù đắp vào lượng thịt lợn thiếu hụt, sản lượng các loại thịt khác như bò, gà… tăng khá.
Điều đáng nói, nguồn lợn ngày càng khan hiếm. Thương lái hiện đang tỏa đi khắp các địa phương để lùng mua lợn, giá cao nhưng vẫn khó mua được hàng. Nguyên nhân do nhiều trại chăn nuôi không vội vàng xuất lợn vì kỳ vọng mức giá còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nguồn lợn ngày càng khan hiếm.
Không chỉ khan hiếm lợn thương phẩm, lợn giống cũng đang khan hiếm trầm trọng, đẩy giá tăng cao do người dân ở nhiều nơi đang rục rịch tái đàn.
Tại tỉnh Cà Mau, giá lợn giống tốt hiện ở mức 1,2 - 1,5 triệu đồng/con (10 - 12kg). Nguồn lợn giống hiện tại là ở các trang trại và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Dịch vẫn diễn biến phức tạp
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất đối với các tỉnh miền Trung hiện nay là dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu lắng xuống. Đơn cử như tại xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), thời gian qua, trên địa bàn xã có gần 1.000 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Còn nếu tính trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì đã có 111 xã của 13/14 huyện, thành phố (trừ huyện Lý Sơn) xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, có gần 27.000 con lợn bị mắc bệnh, phải tiêu hủy.
Trong khi đó, tại Nghệ An, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp thì tình hình buôn bán, vận chuyển lợn ra vào vùng dịch vẫn khó kiểm soát. Cụ thể, chiều tối 22/10, tại chốt trực dịch tả lợn châu Phi ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, lực lượng chức năng trong quá trình làm việc phát hiện 2 xe chở lợn từ miền xuôi lên miền núi để tiêu thụ. Tại thời điểm phát hiện, lợn trên xe đều trong tình trạng sức khỏe yếu, có con sắp chết. Điều này sẽ khiến dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
Tại Đồng Nai, theo Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, đến ngày 20/10, toàn tỉnh đã tiêu hủy trên 428.000 con lợn. Số lượng lợn tiêu hủy trong vài tuần trở lại đây đã giảm mạnh so với cao điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Các địa phương dẫn đầu về lượng lợn tiêu hủy gồm: Huyện Thống Nhất với trên 95.000 con, huyện Trảng Bom trên 80.500 con; huyện Long Thành gần 75.000 con; huyện Vĩnh Cửu 72.000 con.
Trước cảnh báo sẽ thiếu hụt thịt heo những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các doanh nghiệp phải bảo vệ thị trường cùng với người tiêu dùng, không được tăng giá vô lối, không găm hàng làm giá. “Các trang trại, doanh nghiệp tuyệt đối không được xuất khẩu lợn sang Trung Quốc. Bởi, Việt Nam và nước bạn chưa ký kết chính thức xuất khẩu chính ngạch, đồng thời chúng ta cũng phải có trách nhiệm bảo vệ kiểm dịch động vật ở biên giới” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, ngành nông nghiệp sẽ khuyến khích những hộ chăn nuôi trang trại lớn và vừa, doanh nghiệp đảm bảo an toàn sinh học đẩy mạnh tăng đàn. Những hộ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn thì kiên quyết không tái đàn, tránh dịch lại xảy ra gây thiệt hại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.