Giá lúa gạo hôm nay 16/3: Ấm trở lại, đơn hàng mua gạo lại bay về

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 16/03/2021 09:39 AM (GMT+7)
Sau 1 tuần giảm sâu, giá lúa gạo hôm nay 16/3 ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có dấu hiệu tăng trở lại.
Bình luận 0

Giá lúa gạo hôm nay 16/3: Tăng nhẹ

Theo khảo sát, giá lúa gạo hôm nay 16/3 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng trở lại sau một tuần giảm sâu. Nhưng tín hiệu lạc quan trên thị trường lúa gạo sau khi có những đơn hàng xuất khẩu gạo mới đã giúp giá lúa gạo hôm nay có phần khởi sắc.

Cụ thể, tại An Giang, giá lúa gạo hôm nay tăng 100 đồng/kg, giá lúa tươi dao động trong khoảng 6.300-6.400 đồng/kg.

Trong đó, giá lúa Đài thơm 8 giữ ở mức giá 6.500 - 6.700 đồng/kg, OM 5451 có giá 6.500 - 6.700 đồng/kg, Nàng Hoa 9 giá 6.600 đồng/kg; OM 6976 giá 6.600 - 6.700 đồng/kg; lúa OM 9577, OM 9582 ở mức 6.700 đồng/kg; OM 18 ở mức 7.000 đồng/kg.

Cùng với giá lúa, giá gạo cũng đang trong chiều hướng tăng. Theo đó, gạo Đài thơm 8 dao động từ 9.600 - 9.700 đồng/kg, OM 5451 ở mức 9.400 -9.600 đồng/kg; gạo NL IR 504 giá 9.200-9.250 đồng/kg; gạo TP IR 504 10.450-10.500 đồng/kg; cám vàng 7.000-7050 đồng/kg…

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đang tiến sát giá gạo của Thái Lan. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu ngày 12/3 loại 5% tấm của Việt Nam đạt 498 USD/tấn, giá gạo 5% tấm của Thái Lan 503 USD/tấn, sản phẩm gạo cùng loại của Ấn Độ đạt 408 USD/tấn.

Giá lúa gạo hôm nay 16/3: Ấm trở lại, đơn hàng mua gạo lại bay về - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay 16/3 tăng trở lại sau khi có thông tin Bangladesh dự kiến mua 50.000 tấn gạo của Việt Nam. Ảnh: I.T

Bangladesh dự kiến mua 50.000 tấn gạo của Việt Nam, giá lúa gạo tăng 

Một trong những nguyên nhân khiến giá lúa gạo "ấm" trở lại là do thông tin Chính phủ Bangladesh đã thông qua 3 đề xuất riêng rẽ mua tổng cộng 350.000 tấn gạo theo phương thức mua sắm trực tiếp (DPM) từ Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. 

Quốc gia này năm qua đã nổi lên thành nhà nhập khẩu lớn do lũ lụt tàn phá mùa màng, làm cho lượng gạo dự trữ bị cạn kiệt, đẩy giá trong nước tăng không ngừng nghỉ cho đến nay.

Theo đó, Bangladesh dự kiến sẽ mua 50.000 tấn gạo trắng của Việt Nam thông qua Tổng Công ty Lương thực miền Nam. 

 Ngoài Bangladesh, các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng hy vọng sẽ sớm ký được các hợp đồng nữa với Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog).

Dự báo của các cơ quan lương thực thế giới cho thấy, nguồn cung sản lượng của thế giới năm 2021 sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó Việt Nam sẽ tiếp tục xuất khẩu nhiều gạo với giá cao.

Cẩn trọng với sự cạnh tranh từ Ấn Độ, giá lúa gạo cần ở mức hợp lý

Theo các chuyên gia trong ngành lúa gạo, Ấn Độ đang nổi lên là một quốc gia xuất khẩu gạo lớn, khiến những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới từ trước đến nay như Thái Lan, Việt Nam phải dè chừng. Gạo giá rẻ đang là một lợi thế của Ấn Độ.

Điều đáng nói là, ngành chức năng Ấn Độ cũng đang tạo mọi điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu gạo. Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ, B.V. Krishna Rao, cho biết, ngành đường sắt nước này đã giảm gần 16% cước phí cho hoạt động vận chuyển gạo bằng cách thay đổi định mức tải trọng, giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu. 

Với cách làm này, các nhà xuất khẩu có thể tiết kiệm từ 3 - 4 USD/tấn gạo nhờ việc cước phí vận tải giảm và điều này sẽ giúp gạo Ấn Độ cạnh tranh tốt hơn với những đối thủ khác.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích, để cạnh tranh với gạo Ấn Độ, Việt Nam cần đưa giá gạo xuất khẩu về mức hợp lý.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem