Giá lúa gạo hôm nay 17/11: Thái Lan muốn bán gạo cho Philippines nhưng Philippines chỉ quan tâm gạo Việt

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 17/11/2021 06:28 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo cho biết, giá lúa gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới và cơ hội xuất khẩu đang rất rộng mở.
Bình luận 0

Giá lúa gạo hôm nay 17/11: Ổn định

Theo Sở NNPTNT tỉnh An Giang, giá lúa gạo hôm nay 17/11 vẫn ổn định, theo đó lúa nếp (vỏ tươi) giá 5.000 - 5.200 đồng/kg; giá lúa nếp vỏ khô 6.600 - 6.900 đồng/kg.

Giá lúa IR50404 tại An Giang dao động ở mức 5.400 - 5.600 đồng/kg; giá lúa Đài thơm 8 ở mức 6.200 - 6.400 đồng/kg.

Tại các địa phương khác ở ĐBSCL, theo khảo sát, giá lúa gạo hôm nay 17/11 với lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.500 đồng/kg, giá bình quân là 5.350 đồng/kg, giảm 30 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.050 đồng/kg, trung bình là 6.388 đồng/kg, giảm 113 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, giá lúa không có sự biến động so với tuần trước như: Đài thơm 8 là 7.500 đồng/kg, ST24 là 8.250 đồng/kg; OM4900 là 7.500 đồng/kg,  OM6976 là 6.500 đồng/kg…

Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa không có biến động. Cụ thể, Jasmine là 6.700 đồng/kg, IR50404 thì ổn định ở mức 5.700 đồng/kg.

Tại Hậu Giang, giá một số loại lúa tăng nhẹ 100 đồng/kg so với tuần trước, như, IR50404 là 5.800 đồng/kg, Đài thơm 8 là 7.100 đồng/kg; riêng OM5451 ổn định 6.400 đồng/kg

Tại Kiên Giang, lúa IR50404 6.350 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; còn OM 5451 ở mức 6.100 đồng/kg.

Đến nay, các tỉnh phía Nam đã gieo cấy được 300.000 ha trong tổng số trên 1,6 triệu ha vụ Đông Xuân 2021 - 2022.

Giá gạo Việt đang ở đỉnh thế giới - Ảnh 1.

Giá lúa đang tốt tạo điều kiện cho nông dân xuống giống lúa đông xuân, tuy nhiên, giá phân bón, vật tư nông nghiệp đang rất cao. (Trong ảnh: Sản xuất lúa hướng hữu cơ ở thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế). Ảnh: K.N

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, trong bối cảnh không có cách nào giảm giá phân bón thì việc áp dụng các mô hình canh tác thông minh, tiết kiệm phân bón cần được nghiên cứu, sớm triển khai vào thực tế sản xuất, giúp bà con nông dân giảm giá thành, tăng lợi nhuận.

Giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng năm 2021 đạt 4,23 triệu tấn, trị giá 2,26 tỉ USD, giảm 12,09% về lượng và giảm 4,53% về giá trị so với cùng kỳ. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất thế giới.

Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An khẳng định, giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới, vượt cả Thái Lan. 

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt 425 USD tấn, trong khi giá gạo cùng loại của Thái Lan là 375 USD/tấn, giá gạo của Ấn Độ là 358 USD/tấn. 

Ông Bình đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ngành hàng bị đứt gãy chuỗi cung ứng song ngành hàng lúa gạo không bị đứt gãy trầm trọng.

"Chắc chắn trong năm 2021 Việt Nam sẽ xuất khẩu không dưới 6 triệu tấn gạo nhờ Việt Nam có khách hàng trung thành, đánh giá của người tiêu dùng với chất lượng gạo Việt ngày càng cao" - ông Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Việt Anh - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp) bày tỏ quan điểm: Tại sao chúng ta phải tự ti về hạt gạo Việt khi gạo Việt Nam luôn không đủ bán.

"Trong khi có thời điểm Thái Lan lượng gạo tồn kho tương đối lớn thì các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo của Việt Nam ít khi có gạo tồn kho; trong khi Thái Lan tìm mọi cách đẩy mạnh bán gạo cho Philippines thì Philippines lại chỉ quan tâm đến gạo Việt dù giá gạo của Việt Nam cao hơn" - ông Việt Anh nêu một thực tế.

Cũng theo ông Việt Anh, dù có những thời điểm giá gạo lên hay xuống nhưng trong 5 năm trở lại đây, ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo không có khái niệm "giải cứu lúa gạo".

Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo năm 2022, ông Phạm Thái Bình nhận định, thị trường vẫn rất khả quan và sẽ xuất khẩu không dưới 6 triệu tấn. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, dù giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới nhưng giá thành sản xuất lúa cũng rất cao, do vậy các ngành chức năng cần có giải pháp giảm giá thành.

Theo ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang, tỉnh đang chuẩn bị cho vụ đông xuân và giá lúa đang tốt, từ 5.800 - 6.000 đồng/kg, khuyến khích nông dân xuống giống. Tuy nhiên, vấn đề là giá giống, giá phân bón đang tăng cao, đẩy giá thành sản xuất lúa lên cao.

"Các cơ quan như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt có thể đưa ra mô hình giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất để Sở NNPTNT An Giang triển khai xuống với bà con"- ông Thọ đề xuất.

Đại diện Sở NNPTNT An Giang kiến nghị có nguồn vốn cho hợp tác xã để có thể nhận được sản phẩm, vật tư nông nghiệp từ nhà máy, giảm chi phí trung gian cho nông dân.

Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, để chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân, tỉnh đang cần lượng lúa giống rất lớn (trên 33.600 tấn giống/vụ).

Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng giữa các đại lý tới tay người nông dân nên gây khó khăn cho công tác quản lý. "Giá bán giống lúa, nhất là những giống lúa bản quyền liên tục tăng, trước đây giá bán trung bình 13.500 đồng/kg, hiện nay đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg" - ông Toàn nêu một thực tế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem