Giá lúa gạo hôm nay 20/8: An Giang công bố giá mua thóc định hướng vụ hè thu 2021
Theo khảo sát của Sở NNPTNT tỉnh An Giang, giá lúa gạo hôm nay 20/8 vẫn tương đối thấp.
Theo đó, giá lúa nếp vỏ tươi ở mức 4.100 - 4.450 đồng/kg; giá lúa nếp Long An 4.500 - 4.600 đồng/kg.
Giá lúa IR50404 đạt 4.500 - 4.700 đồng/kg; trong khi đó, giá lúa OM 5451, OM 6976 đạt mức 5.100 - 5.300 đồng/kg.
Các giống lúa đặc sản như Nàng Hoa 9 đạt 6.000 - 6.100 đồng/kg; lúa Nhật 7.500 - 7.600 đồng/kg.
Căn cứ Công văn số 6519/BTC-QLG ngày 17/6/2021 của Bộ Tài chính về việc công bố giá mua thóc định hướng vụ hè thu 2021, Sở Tài chính An Giang cũng triển khai giá mua thóc định hướng vụ hè thu 2021.
Theo Sở Tài chính An Giang, giá thành sản xuất thóc kế hoạch vụ hè thu 2021 là 4.197 đồng/kg, trong khi giá thành thóc thực tế vụ hè thu 2020 là 4.036 đồng/kg.
Sở Tài chính An Giang đề nghị, căn cứ vào mức giá thành sản xuất thóc kế hoạch vụ hè thu 2021, các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, cá nhân mua thóc với giá định hướng đảm bảo mức lãi tối thiểu cho người sản xuất thóc vụ hè thu 2021.
Tại Hậu Giang, giá lúa tươi OM 5451 từ 5.300-5.500 đồng/kg, giống OM 18 có giá 5.600-5.900 đồng/kg, còn lúa IR 50404 có giá 5.300-5.400 đồng/kg, tùy theo chất lượng lúa và đường vận chuyển.
Tạo "luồng xanh" đường thủy cho lúa gạo
Theo báo cáo của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD 1), tính đến thời điểm 31/7/2021, tồn kho lúa gạo của toàn Tổng công ty đạt 118.000 tấn.
Từ đầu tháng 7 đến nay, hoạt động thu mua lúa gạo của Tổng Công ty rất hạn chế do các tỉnh Đồng bằng công Cửu Long thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động thu hoạch, vận chuyển, lưu thông, sản xuất chế biến của các nhà máy hầu hết đều rất khó khăn.
Hiện nay, Tổng công ty đang tổ chức giao hàng cho 2 tàu và đóng container tại cảng TPHCM (khoảng 50.000 tấn gạo) nhưng đang bị ách tắc tại cảng, đồng thời xuất hàng tại các cảng Thốt Nốt-Cần Thơ và Mỹ Thới-An Giang cũng đang bị ngưng trệ do thiếu lực lượng công nhân bốc xếp.
Trong tháng 8, theo kế hoạch VINAFOOD 1 sẽ giao khoảng 80.000 tấn gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, do diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu trong thương mại nên người mua chưa thuê được tàu/container vào cảng lấy hàng nên việc giải phóng hàng tồn, mở rộng tích lượng để tiếp tục thu mua tạm trữ với số lượng lớn rất khó.
Tương tự, với Tập đoàn Intimex, nếu tính cả số lượng đơn hàng bị hủy từ tháng 7/2021 dồn qua thì tháng 8/2021, Intimex phải xuất theo hợp đồng đã ký gần 120.000 tấn gạo. Tuy nhiên, bên giao hàng cho biết, khả năng vận chuyển hàng đi được tối đa chỉ 30.000-35.000 tấn.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đề xuất Bộ Công Thương tháo gỡ ách tắc trong khâu giao nhận hàng hóa, tránh ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị tạo “luồng xanh” trong lưu thông lúa gạo đường thuỷ nội địa theo hai cung đường: cánh đồng về nhà máy, nhà máy đến các cảng logistics.
Ngoài ra, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tham gia chuỗi sản xuất và vận chuyển hàng, logistics ngành lúa gạo.
Các địa phương có cơ chế cho lao động của nhà máy sản xuất lúa gạo được di chuyển sau thời điểm người dân không ra đường từ 18 giờ, bởi việc thu mua lúa gạo trong vùng dân cư không về kịp trước 18h còn công nhân nhập lúa đến 22h.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, với tinh thần gỡ vướng tối đa cho doanh nghiệp sẽ tiếp thu những đề xuất của VINAFOOD 1 và các doanh nghiệp, cùng tìm hướng tháo gỡ khó khăn trước mắt, tạo thuận lợi tối đa trong việc thu mua lúa gạo, đảm bảo giá trị sản xuất cho người nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.