Kích hoạt giá lúa gạo, thương lái thu mua lúa cũng phải có "luồng xanh"

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 09/08/2021 09:45 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh giá lúa gạo vẫn thấp, thị trường lúa gạo vụ hè thu ở ĐBSCL trầm lắng, nhiều doanh nghiệp cho rằng, các địa phương cần tạo điều kiện cho thương lái, phương tiện vận chuyển đi thu mua lúa, nói cách khác, thương lái cũng phải có "luồng xanh".
Bình luận 0

Giá lúa gạo hôm nay 9/8: Nhu cầu khách quốc tế lớn mà doanh nghiệp khó giao hàng, thị trường lúa gạo trầm lắng

Theo khảo sát của Sở NNPTNT tỉnh An Giang, giá lúa gạo hôm nay 9/8 vẫn ở mức thấp. Cụ thể, giá lúa nếp vỏ tươi ở mức 4.300 - 4.500 đồng/kg; giá lúa nếp Long An ở mức 4.400 - 4.700 đồng/kg.

Trong khi đó, giá lúa IR 50404 ở mức 4.400 - 4.800 đồng/kg; giá lúa OM 9582 ở mức 4.600 - 4.900 đồng/kg.

Giá lúa Đài thơm 8 dao động quanh mức 5.700 - 6.000 đồng/kg;  giá lúa OM 5451 ở mức 4.800 - 5.100 đồng/kg.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), mức giá này đã giảm 300 - 500 đồng/kg so với vụ hè thu năm 2020.

Nghịch lý là, hiện nay, nhu cầu mua gạo Việt Nam của khách quốc tế vẫn còn cao nhưng doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được đơn hàng, do thiếu lao động bốc xếp trong bối cảnh dịch Covid-19, trong khi nhu cầu nhân lực khâu bốc xếp của ngành gạo rất lớn.

Kích hoạt giá lúa gạo, thương lái thu mua lúa cũng phải có "luồng xanh" - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay 9/8 ở ĐBSCL vẫn trầm lắng, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần tạo điều kiện cho đội ngũ thương lái đi thu mua lúa nếu đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây.

Cần phải tạo "luồng xanh" cho thương lái

Theo các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những lý do khiến thị trường lúa gạo vụ hè thu 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long trầm lắng là do đội ngũ thương lái không thể xuống tận nơi thu mua.

Anh Sơn Minh Tú, chủ một nhà máy xay xát lúa gạo ở TP.Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, hiện nhiều thương lái không thể trực tiếp đi thu mua lúa vì yêu cầu phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày, việc qua các chốt kiểm soát cũng khó khăn, trạm này cho qua nhưng trạm khác lại bắt quay đầu. 

Một số ít thương lái ngại dịch bệnh nên cũng hạn chế đi thu mua, trong khi thương lái là một nhân tố rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành hàng lúa gạo ĐBSCL.

"Ngay cả các doanh nghiệp cũng phải thông qua đội ngũ thương lái để thu mua lúa của nông dân. Thương lái là người biết chính xác lúa nơi này thu được chưa, sản lượng khoảng bao nhiêu mà giờ không tạo điều kiện cho đội ngũ này đi thu mua thì rất khó kích hoạt thị trường lúa gạo" - anh Tú nói.

Theo anh Tú, thị trường lúa gạo vẫn sôi động do nhu cầu thế giới vẫn cao, nếu gỡ khó cho các nhà máy chế biến, xay xát trong vấn đề lưu thông, tạo điều kiện cho đội ngũ thương lái đi thu mua lúa với điều kiện phải đảm bảo an toàn chống dịch Covid-19 thì chắc chắn thị trường lúa gạo ở ĐBSCL sẽ khởi sắc.

"Đã có luồng xanh cho các phương tiện vận tải thì cũng nên có luồng xanh cho lực lượng đi thu mua nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng" - anh Tú khẳng định.

Trong khi đó, nhiều nhà máy chế biến lúa gạo lại gặp khó trong việc lưu thông, vận chuyển, một doanh nghiệp than thở, hiện, trấu, cám không đi được nên dù giá lúa có rẻ thì nhà máy cũng không thể thu mua vì hết chỗ trữ.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Thủ Thừa, Long An) cho rằng, việc Bộ NNPTNT đề xuất Chính phủ các doanh nghiệp thực hiện mua dự trữ lúa hè thu theo chương trình dự trữ quốc gia là rất tốt, tuy nhiên, cần tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ đi thu mua lúa, ghe vận chuyển.

"Hiện, các doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" đang phải gồng mình gánh chịu vì chi phí đội lên rất nhiều. Nếu những vướng mắc trong vấn đề thu mua, vận chuyển lúa gạo không được tháo gỡ thì rất khó duy trì" - ông Hòa nói. 

Thương lái đi thu mua trong địa bàn tỉnh về không phải cách ly

Được biết, nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng đã có những giải pháp để gỡ khó trong vấn đề thu mua, thu hoạch lúa. Như tại huyện Thoại Sơn (An Giang), việc vận chuyển, thu hoạch và lưu thông lúa áp dụng nguyên tắc sản xuất xã nào thì sử dụng máy gặt đập liên hợp và nhân công thu hoạch lúa tại xã đó. 

Trước khi máy gặt đập liên hợp và nhân công vào thu hoạch lúa phải thực hiện xét nghiệm nhanh – chi phí xét nghiệm từ nguồn của Sở NNPTNT tỉnh An Giang. 

Đối với nhóm phương tiện vận tải thủy để thu mua lúa trên địa bàn tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện kiểm tra xét nghiệm nhanh khi đi vào địa bàn huyện theo quy định.

 Kinh phí xét nghiệm dịch Covid -19 do thương lái (hoặc doanh nghiệp) tự chi trả. Khi thương lái (hoặc doanh nghiệp) trong tỉnh di chuyển để thu mua lúa trên địa bàn tỉnh thì không bị cách ly khi trở về địa phương. 

Về việc bốc xếp vận chuyển lúa, thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sử dụng lực lượng lao động tại địa phương. 

Trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương ĐBSCL và các doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng khẳng định, thương lái - nông dân- doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng trong ngành sản xuất lúa gạo, nếu không có thương lái, việc thu mua lúa gạo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, tạo điều kiện cho thương lái đi thu mua lúa, các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm hơn nữa, giúp nông dân tiêu thụ lúa hè thu thuận lợi. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem