Giá gạo xuất khẩu tăng gần 30%
Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty CP Trung An (Cần Thơ) cho biết, ngay từ đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu gạo đã rất sôi động với nhiều đơn hàng. Giá thu mua lúa trong nước do đó cũng tăng cao đáng kể trước kỳ thu hoạch vụ đông xuân.
Hiện tại, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đã tăng cao hơn cả Thái Lan. Ví dụ, nếu như sản phẩm gạo thơm trước đây chỉ bán được với giá khoảng 640USD/tấn thì hiện đã tăng lên vượt mức 700USD/tấn, tăng gần 30%.
Nông dân ĐBSCL đang hu hoạch lúa đông - xuân. Ảnh: Thuận Hải
Ông Bình phân tích, hiện nay, khách hàng của gạo Việt Nam đa số vẫn là các khách hàng truyền thống. Tuy vậy, doanh nghiệp Việt Nam đã biết chọn lọc đối tác để xuất khẩu, theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao. Còn những doanh nghiệp theo hướng chỉ mua gạo chất lượng thấp thì cũng được doanh nghiệp chọn lọc kỹ càng để có giá tốt.
Năm 2017, doanh nghiệp của ông Bình đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 53 triệu USD, tăng 105% so với năm 2016. Với những tín hiệu tích cực của thị trường ngay từ cuối năm 2017, ông Bình dự đoán mức tăng trưởng của doanh nghiệp cũng sẽ “không tệ” trong năm nay.
“Có thể, mức tăng trưởng sẽ không bằng 2017 nhưng doanh thu chắc vẫn sẽ không dưới 60 triệu USD”, ông Bình tự tin.
Còn theo ông Lâm Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), tới thời điểm hiện tại, giá thành xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện ở mức trên 415 USD/tấn giá FOB đối với gạo trắng 5% tấm. Giá thu mua lúa trong nước cũng đẩy lên mức 5.200 – 5.300 đồng/kg lúa tươi, thu mua tại ruộng.
Vì giá mua vào đang ở mức cao nên tại thời điểm hiện tại, doanh nghiệp của ông Tuấn chưa dám thực hiện giao dịch nào cả. Nguyên nhân là do nhận định thị trường năm nay tốt nên doanh nghiệp không dám bán gạo ra với giá thấp.
“Hơn nữa, từ cuối năm 2017, DN không còn gạo tồn kho nên phải tập trung mua vào, sau đó sẽ cân đối thị trường, nhu cầu mua vào của đối tác… để định mức giá bán ra. Dự báo thị trường năm nay sẽ tốt hơn trước nên doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng xuất khẩu được giá cao”, ông Tuấn nhận định.
Phải cân đối cung - cầu
Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn lo lắng nếu giá đầu vào liên tục tăng cao nhưng hợp đồng đầu ra hạn chế, vì các nhà nhập khẩu cũng đã thay đổi nhiều chính sách mua hàng để có được giá tốt.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang tích cực mua vào. Ảnh: Thuận Hải.
Việt Nam đang có lợi thế rất lớn là việc bốc dỡ hàng hóa ở các cảng đã được cải thiện rất nhiều, thậm chí cạnh tranh được với cả Thái Lan và các nước xuất khẩu lớn khác. Nhờ đó, những hợp đồng lớn, cần thời gian giao hàng ngắn, số lượng bốc dở lớn, thì doanh nghiệp vẫn đảm đương được.
Tuy vậy, đối với một số thị trường ở xa như châu Phi, chi phí vận chuyển cao khiến Việt Nam khó cạnh tranh với Ấn Độ và Pakistan nếu giá đầu vào cũng ở mức cao. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường Châu Phi đã giảm nhiều do khó cạnh tranh về giá.
“Còn đối với Thái Lan, dù công bố giá thấp nhưng số lượng gạo dự trữ của nước này không còn nhiều, dẫn đến những hợp đồng lớn Thái Lan khó có đủ số lượng để đáp ứng trong thời gian ngắn. Trong khi, Việt Nam có nguồn hàng lớn, chỉ sau 3 tháng đã có vụ lúa mới”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Ngọc Nam – Tân Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, giá xuất khẩu cùng với nhu cầu nhập khẩu tăng cao, dự báo năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo các loại.
Nguyên nhân là biến đổi khí hậu gay gắt đã khiến một số nước tuyên bố ngưng nhập khẩu gạo như Indonesia nay cũng đã tuyên bố phải nhập khẩu gạo trở lại để cân đối cung cầu. Trong khi đó, một số nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan… cũng đã cạn nguồn gạo tồn kho giá rẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.