Nông dân Ninh Thuận âu lo vì nhổ cây mì lên toàn củ là củ, nhưng rớt giá

Đức Cường Thứ ba, ngày 01/03/2022 11:06 AM (GMT+7)
Giá củ mì (sắn) giảm sâu từ sau tết Nhâm Dần- 2022 đến nay khiến nông dân trồng cây mì ở Ninh Thuận đứng ngồi không yên. Nhiều rẫy mì đã tới lứa thu hoạch nhưng nông dân vẫn không mặn mà nhổ bán và nán chờ hy vọng giá bán củ mì sẽ tăng...
Bình luận 0

Củ mì rớt giá nông dân lao đao 

Chiều 28/2, PV Dân Việt ghi nhận tại cánh đồng trồng cây mì ở xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn( Ninh Thuận) bởi đây là địa phương trồng cây mì lớn nhất nhì của tỉnh với diện tích lên đến hàng ngàn hecta. Dù là mùa thu hoạch củ mì, nhưng không khí trên những cánh đồng này u buồn, trầm lắng...

Thời điểm này đang là cao điểm thu hoạch củ mì nhưng giá bán chỉ ở mức trung bình từ 1.700 – 1.800 đồng/kg. Giá này thấp hơn 50% so với những năm trước khiến nhiều nông dân lo lắng vì có nguy cơ thua lỗ.

Ninh Thuận: Nông dân lao đao vì giá mì rớt thảm - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Trương vừa thu hoạch củ mì vừa thở dài vì giá bán quá thấp. (Ảnh: Đức Cường)

Cầm những củ mì vừa thu hoạch trên tay, ông Lê Quang Trương ở thôn Thạch Hà 1, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) thở dài, dù giá thấp nhưng gia đình ông vẫn phải thu hoạch vì để lâu hơn nữa cây mì sẽ càng giảm chất lượng, giá bán sẽ càng thấp hơn.

Theo ông Trương, nếu như mọi năm thì gần 1ha trồng củ mì của gia đình sẽ cho sản lượng khoảng 10 tấn, với giá bán khoảng 2.500 - 2.600 đồng/kg, gia đình ông thu lãi khoảng 10 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, giá củ mì liên tục giảm từ sau tết Nhâm Dần 2022 đến nay, khiến gia đình ông như ngồi trên đống lửa. Hiện, gần 10 tấn củ mì tươi vừa thu hoạch của gia đình ông chỉ bán được với giá 1.700 đồng/kg.

"Năm nay cái gì cũng tăng, từ phân thuốc đến công lao động đều tăng trong khi giá bán mì lại giảm nên nông dân thua lỗ nặng. Bỏ vốn gần 15 triệu đồng để đầu tư trồng mì từ tháng 3/2021 đến nay nhưng chỉ thu lại đồng vốn, công lao gia đình bỏ ra suốt một năm coi như mất trắng...", ông Trương buồn giọng.

Ninh Thuận: Nông dân lao đao vì giá mì rớt thảm - Ảnh 3.

Nông dân xã Quảng Sơn thu hoạch thành quả lao động của cả năm nhưng chẳng ai thấy vui. (Ảnh: Đức Cường)

Cũng với tình cảnh đó, ông Trần Văn Mạnh, ở thôn Hạnh Trí 2, xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn) lắc đầu ngao ngán, hơn 4,5 ha của mì của gia đình ông vừa thu hoạch nhưng chỉ bán được với giá 1.650 đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí thì lỗ gần 20 triệu đồng.

Ninh Thuận: Nông dân lao đao vì giá mì rớt thảm - Ảnh 4.

Mì từ rẫy đang trên đường vận chuyển về nơi tiêu thụ. (Ảnh: Đức Cường)

"Mấy năm trước thấy nhiều người trồng củ mì có lời nên gia đình tôi mạnh dạn đầu tư để trồng, vậy mà ai ngờ lại bạc mặt vì nó. Năm nay củ mì nhà tôi đạt năng suất khá nhưng độ bột không cao nên tôi đành bán xô cho thương lái cắt lát phơi khô chứ bán về nhà máy tinh bột cũng không hơn là bao...", ông Mạnh chua xót.

Chung cảnh ngộ với hộ ông Trương và ông Mạnh, còn có hàng trăm hộ trồng mì khác ở xã Quảng Sơn. Hiện, đa số các hộ đều lựa chọn bán mì cho các thương lái bên ngoài để cắt lát phơi khô chứ không bán về nhà máy tinh bột mì Ninh Thuận vì giá cả vận chuyển khá cao. 

Nếu vào đến nhà máy giá bán cũng không cao hơn bao nhiêu...

"Bán về nhà máy thì giá tùy vào độ bột, độ bột cao nhất khoảng 30% thì giá bán mới có giá 2.300 đồng/kg, mà làm gì có hộ nào bán được giá đó đâu vì còn trừ tiền tạp chất nữa. Cho dù bán được giá đó thì cũng không có lời là bao vì chi phí phân bón và công lao động năm nay cao gấp 3 lần những năm trước nên cùng lắm là huề vốn...", ông Mạnh nói.

Khoai mì giá thấp do dịch Covid-19

Ông Hoàng Lê Phú, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn) cho biết, những năm qua cây mì là một trong hai cây trồng chủ lực của nông dân địa phương giúp bà con xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. 

Thế nhưng năm nay giá củ mì giảm, trong khi giá đầu tư tăng cao nên bà con gặp nhiều khó khăn. Hiện toàn xã có hơn 1.765 ha trồng mì với năng suất bình quân khoảng 16 tấn/ha..

Ninh Thuận: Nông dân lao đao vì giá mì rớt thảm - Ảnh 5.

Giá mì giảm trong khí gia phân bón và đặc biệt là giá công lao động ở mức cao từ 200.000 - 220.000 đồng/người/ngay khiến người nông dân không còn đồng lời. (Ảnh: Đức Cường)

"Do niên vụ trước giá củ mì tăng cao nên bà con chủ động chuyển đổi diện tích sang trồng loại cây này rất nhiều. Trước việc giá củ mì hạ, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt trồng theo phong trào. Nếu không sẽ lại rơi vào tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa...", ông Phú cho hay.

Hiện nay, đa phần sản lượng cây mì tại Ninh Thuận tập trung tại 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái đều được Công ty CP tinh bột sắn Ninh Thuận thu mua mỗi niên vụ lên đến hàng trăm ngàn tấn. 

Từ đầu vụ, giá củ mì vẫn duy trì ổn định ở mức trên 2.100 đồng/kg nhưng bắt đầu giảm từ sau tết Nhâm Dần- 2022 đến nay.

Theo ông Hồ Đắc Tiên, Giám đốc Công ty CP tinh bột sắn Ninh Thuận, hiện giá mua củ mì tươi tại công ty có giảm so với năm trước. Nguyên nhân xuất phát từ việc hành hóa xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19. 

Hiện giá mua cao nhất tại nhà máy là trên 2.300 đồng/kg nhưng mì phải đạt được chữ số tinh bột trên 30%, còn lại đa phần nhà máy chỉ mua được với giá 1.700 đồng/kg.

"Tình hình xuất khẩu khó khăn nên hàng hóa nói chung và sản phẩm tinh bột của công ty nói riêng còn tồn khá nhiều ảnh hưởng đến giá cả thu mua đầu vào...", ông Tiên thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem