Giá nào cho Sabeco “tập 2”?

Quang Dân Thứ sáu, ngày 21/05/2021 07:07 AM (GMT+7)
Chi gần 5 tỷ USD để sở hữu hơn 53% vốn Sabeco, Thaibev đã lỗ đến gần 2,5 tỷ USD, chỉ sau 3 năm đầu tư. Vậy 36% cổ phần còn lại của Sabeco sẽ được bán giá nào, khi thị giá cổ phiếu SAB chỉ còn bằng 50% so với cách đây 3 năm?
Bình luận 0

Thoái vốn nhà nước tại Sabeco

Năm 2021, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến sẽ thoái vốn tại 88 doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong danh sách này có sự xuất hiện của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB), trong khi năm 2020 không xuất hiện.

Điều này là do tháng 8/2020, SCIC mới nhận chuyển nhượng 230 triệu cổ phần tại Sabeco từ Bộ Công Thương, tương ứng 36% vốn. Giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Sabeco chuyển giao về SCIC là 2.309 tỷ đồng (tính theo mệnh giá).

Hiện giá cổ phiếu của Sabeco trên sàn xoay quanh mức 153.000 đồng. Nếu SCIC thoái hết 36% vốn nhà nước tại Sabeco thì ước tính với giá hiện tại, Nhà nước sẽ thu về hơn 35.324 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối năm 2017, Nhà nước đã bán hơn 53% vốn tại Sabeco với mức giá 320.000 đồng/CP cho Công ty TNHH Vietnam Beverage - công ty liên quan tới tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi. Như vậy, ThaiBev chi khoảng 5 tỷ USD để thực hiện thương vụ này.

Ở thời điểm đó, khi biết bên mua là ThaiBev dư luận đã lo ngại 36% còn lại của Nhà nước sẽ không được giá như số cổ phần trước đó, bởi nhiều khả năng sau khi SAB về tay người Thái hoạt động kinh doanh sẽ chịu sự chi phối của ThaiBev.

Giá nào cho Sabeco “tập 2”? - Ảnh 1.

Nguồn: SAB

Có thể thấy, kể từ khi ThaiBev nắm giữ Sabeco, thương hiệu này đã được tái cơ cấu quyết liệt.

Ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco từng chia sẻ rằng, ban Giám Đốc của Sabeco đã có một khoảng thời gian bận rộn với công tác tái cơ cấu doanh nghiệp và định hướng chiến lược kinh doanh.

CEO người Singapore này cho biết các lãnh đạo tập đoàn đã dành ra 6 tháng "ẩn mình" để lo cải tổ bộ máy nhân sự và chuyển đổi mô hình hoạt động đồ sộ của doanh nghiệp khổng lồ này.

Sau một năm, bộ máy vận hành "cồng kềnh" của Sabeco đã được tinh giản với hàng loạt các phương án khả thi, nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí không cần thiết.

Với tinh thần sẵn sàng chấp nhận thử thách mới để tốt hơn mỗi ngày, Sabeco đã tìm cách tối ưu hóa nguồn nhân lực, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cấu trúc lương nhằm tạo động lực cho người lao động phát triển và thăng tiến.

Nước cờ thành hay bại? 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả nhận được từ hoạt động tái cơ cấu chưa mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể,  năm 2018, sau 1 năm ThaiBev nắm giữ thương hiệu Sabeco, hãng này ghi nhận doanh thu hơn 35.948 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2017. Thế nhưng lãi ròng giảm xuống 11%, đạt 4.402 tỷ đồng.

Thời điểm này, phía doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận thấp hơn là do lợi nhuận từ liên doanh liên kết giảm và do chi phí tài chính cao hơn.

Sang năm 2019, doanh thu thuần của Sabeco là 37.899 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Sabeco trong năm là 5.370 tỷ đồng, tăng 22% so với 2018 và là mức lãi ròng kỷ lục từ trước đến nay của doanh nghiệp.

Theo ban lãnh đạo Sabeco, lợi nhuận công ty năm 2019 tăng chủ yếu đến từ doanh thu và lãi tiền gửi dù doanh nghiệp cũng đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động marketing và hỗ trợ bán hàng.

Giá nào cho Sabeco “tập 2”? - Ảnh 1.

Sự tăng trưởng của Sabeco chững lại từ năm 2018 - giai đoạn ThaiBev nắm giữ thương hiệu. Nguồn: BCTC SAB

Tuy nhiên, sang năm 2020, trước tác động của gọng kìm Nghi định 100 và Covid-19, kết quả kinh doanh của SAB có sự sụt giảm mạnh.

Doanh thu năm 2020 của Sabeco theo đó sụt giảm tới hơn 26% so với cùng kỳ, xuống mức 27.961 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 8% so với năm trước xuống gần 4.937 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận thấp nhất trong một năm công ty ghi nhận kể từ năm 2016.

Đi kèm với kết quả kinh doanh ảm đạm, cổ phiếu SAB của Sabeco cũng đánh mất phong độ kể từ sau thương vụ thoái vốn “đình đám” cuối năm 2017.

Chốt phiên giao dịch ngày 20/5, cổ phiếu SAB giao dịch ở ngưỡng 152.10 đồng/cp, đồng nghĩa mã này đã giảm 16% trong 6 tháng giao dịch trở lại đây, và giảm 21% tính từ đầu năm đến nay.

Như vậy, so với mức giá 320.000 đồng/cp, tức bỏ ra tổng tiền gần 5 tỷ USD để sở hữu hơn 53% vốn Sabeco, Thaibev đã lỗ đến gần 2,5 tỷ USD, chỉ sau 3 năm đầu tư.

Giá nào cho Sabeco “tập 2”? - Ảnh 3.

Cổ phiếu SAB của Sabeco xuống dốc trong 3 năm qua. Nguồn: Lịch sử giao dịch SAB

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco nhận định rằng trong năm 2021, ngành bia tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 và những quy định khắc khe của Chính phủ. Dịch Covid-19 gây ra thiệt hại ngắn hạn và Luật phòng chống tác hại rượu bia lại có ảnh hưởng trong dài hạn.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa các công ty sản xuất bia được dự đoán tiếp tục diễn ra gay gắt nhằm giành thị phần cao hơn là rào cản cho Sabeco chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng.

CTCP Chứng khoán SSI nhận định, kênh phân phối tiêu dùng tại chỗ (on-premise) trong năm 2019 chiếm khoảng 70% tổng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam. Vào năm 2020, kênh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giãn cách xã hội. SSI cho rằng, đà phục hồi sẽ tiếp tục, nhưng nhu cầu dự báo sẽ chỉ trở lại mức trước Covid-19 vào năm 2022 mà không phải 2021.

Do vậy, việc thoái hết 36% vốn nhà nước tại Sabeco sẽ còn nhiều gian nan, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Sabeco lao dốc trước tác động của gọng kìm Covid-19 và Nghị định 100. Câu hỏi đặt ra ở đây là bán thế nào để hiệu quả khi thị giá của SAB chỉ còn bằng 50% so với cách đây 3 năm?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem