Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và cộng đồng chuyên gia trong và ngoài nước, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28,4% vào năm 2025 so với việc không có TPP.
Sợ nhất thiếu vốn và công nghệ
Ông Nguyễn Xuân Dương - Tổng Giám đốc Công ty May Hưng Yên nói, để cho TPP có hiệu lực thực hiện còn phải chờ quốc hội các quốc gia thành viên phê chuẩn. Theo như dự báo, nếu thuận lợi, có khả năng phải hết năm 2016 đầu năm 2017, các nước mới chính thức ký kết thực thi Hiệp định TPP. Rất có thể đến năm 2018, hiệp định này mới được thực hiện. Từ nay đến lúc đó, những ngành như sản xuất sợi, vải phải chuẩn bị đầu tư và khai thác thị trường xuất khẩu tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản… Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vào năm 2020 có khả năng đạt trên 20 tỷ USD, riêng thị trường Mỹ chiếm tới 1/3 kim ngạch. Sự thật tỷ lệ nội địa hóa của nguyên liệu dệt may rất thấp, do vậy muốn tận dụng được thuế suất 0% khi xuất sang các nước thành viên TPP này cũng là điều không dễ. Có 2 vấn đề mà doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn đó là về vốn, dẫn đến khó về công nghệ.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May mặc Macallan, Hà Nội. Ảnh: Đ.D
Ông Dương kể câu chuyện: Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đón đầu TPP bằng cách đầu tư nhà máy sợi, nhuộm ở Việt Nam. Mỗi m3 nước mua với giá 14.000 đồng, nhưng số tiền để xử lý nước thải gấp đôi. Nhiều khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. Do vậy, mỗi mét vải thành phẩm có chi phí rất cao, rất khó cạnh tranh. Doanh nghiệp ngoại còn kêu khó, doanh nghiệp nội vốn tiềm lực và nguồn lực đã kém hơn thì khó hơn trăm bề.
Về sự chuẩn bị đón đầu TPP, ông Dương cho biết: Trước mắt, trong khi chưa kêu gọi được các nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào đầu tư xây dựng nhà máy cung ứng nguyên liệu sợi, nhuộm, công ty sẽ nhập nguyên liệu từ 11 nước thành viên còn lại của TPP, chẳng hạn là Malaysia, Mỹ. Mình chưa đủ lực để có nhà máy của riêng để hưởng lợi hoàn toàn mình thì xác định “đứng trên vai những gã khổng lồ”.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm, từ nay đến khi TPP có hiệu lực có thể là 2 hoặc 3 năm nữa. Doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ thêm về những ưu đãi lãi suất để có bắt kịp với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chuẩn bị sức khỏe cho doanh nghiệp
Theo ông Phạm Hồng Giang- Tổng Thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, để chuẩn bị từ nay đến lúc đó, các công ty trong những ngành như sản xuất sợi, vải vẫn có đủ thời gian để đầu tư và tận dụng lợi ích từ TPP.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Thắng Lợi thì cho biết, hiện nay, cái khó nhất của doanh nghiệp là nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm dệt may phải của Việt Nam, trong khi Việt Nam không thể đáp ứng. Còn doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ và Nhật thì giá thành rất cao.
Ông Cao Sỹ Kiêm- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng: Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt cho TPP. Nếu có cũng rất chậm và chưa đồng bộ về trong đổi mới lao động, kỹ thuật, khoa học, quản lý… Điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là: Công nghệ lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực kém, chính sách và cơ chế thiếu sự bình đẳng. Việc thiếu “sức khỏe” trong cuộc cạnh tranh đầy cam go, này chính là thách thức để các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội từ TPP.
TS Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách: Việc thực hiện theo các cam kết trong TPP đòi hỏi những thay đổi về chính sách và pháp luật trong nước. Với những ngành sẽ được lợi sau khi TPP có hiệu lực như: Dệt may, thủy sản, nông sản... cần chủ động các nhân tố lao động, vốn, đất đai và các tài nguyên khác. Với các ngành kém được lợi thế như chăn nuôi, lâm nghiệp, công nghiệp... cần tái cơ cấu để tăng năng suất, hiệu quả hơn.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.