Thủy sản, cà phê, gạo rộng cửa
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, khi TPP được thông qua, việc các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia… giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành như thủy sản, trái cây, cà phê… vốn là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, phần lớn các nước thành viên TPP hiện nay là thị trường chính của thủy sản Việt Nam, trong đó Mỹ chiếm khoảng 30% thị phần tôm xuất khẩu và 21 – 22% thị phần cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Nhật Bản cũng là thị trường lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam.
Nhu cầu về thủy sản ngày càng tăng cùng với những lợi thế về thuế quan tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu, các chuyên gia dự báo thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện để tiếp tục chiếm lĩnh thị trường sau TPP.
Không chỉ vậy, phần lớn các nước TPP có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp như trái cây, gạo, cà phê, tiêu… với khối lượng rất lớn, đặc biệt là Nhật Bản, Mỹ, Australia… Các nước này hiện là thị trường hàng đầu của trái cây Việt Nam. Về mặt hàng gạo, do các đối thủ Thái Lan và Ấn Độ chưa vào TPP nên sẽ là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam xâm nhập thị trường các nước thành viên TPP khi thuế xuất khẩu gạo của Việt Nam vào các nước này sẽ giảm, như tại Mỹ sẽ giảm từ 7% xuống 0%.
Nên cải tổ ngành chăn nuôi
Chăn nuôi được cho là “đứa con út”, là ngành chịu nhiều tác động xấu nhất khi TPP có hiệu lực. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng ngành chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt với phá sản sau TPP, tuy vậy vẫn có nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đang tích cực mở rộng quy mô, cải tạo quy trình chăn nuôi để giảm giá thành, tìm chỗ đứng trong thị trường rộng mở rộng sắp tới.
Kết thúc cuộc đàm phán tại Atlanta (Mỹ) kết thúc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định, sau khi TPP được ký kết, thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi. Dù Việt Nam có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp nhưng sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi vẫn chưa thực sự tốt, sức cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi trong nước không cao. Do đó, đây sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực.
Cụ thể, 3 đối tượng chăn nuôi chính sẽ phải đối mặt với “sóng lớn” là lợn, bò, gà. TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam đã nhiều lần phân tích điểm yếu của chăn nuôi trong nước hiện vẫn là quy mô nhỏ lẻ, giá thành cao, liên tục đối mặt với dịch bệnh trong khi hệ thống giết mổ, bảo quản trữ đông chưa đạt chuẩn…
Do đó, khi mở cửa, các sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài tràn vào, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Gần đây nhất, gà Mỹ với giá rẻ vào Việt Nam khiến người chăn nuôi trong nước lao đao. Trước đó, các sản phẩm thịt bò từ các nước thành viên TPP như Australia, New Zealand, Canada… tràn vào và được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng do giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng rất dễ dàng.
Tuy vậy, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công vẫn cho rằng một bộ phận người chăn nuôi đã ý thức được “điểm yếu” nên bắt tay vào cải tổ, mở rộng quy mô sản xuất nhằm “sống sót” trước TPP. Nhiều trang trại lớn đã đầu tư nhập khẩu giống ngoại, thiết bị, quy trình chăn nuôi của các nước tiên tiến, để qua đó giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm, nâng tỷ lệ thành công trong chăn nuôi.
TPP vừa là cơ hội, vừa là thách thức
Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng ngành chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt với phá sản sau TPP, tuy vậy vẫn có nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đang tích cực mở rộng quy mô, cải tạo quy trình chăn nuôi để giảm giá thành, tìm chỗ đứng trong thị trường rộng mở rộng sắp tới.
|
Chia sẻ với các phóng viên, báo chí trong cuộc họp báo thường kỳ chiều qua (6.10), thay mặt lãnh đạo Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, đây là một tin vui đối với toàn nền kinh tế nước ta, cũng như ngành nông nghiệp. Song cũng không ít những thách thức đang chờ đợi ngành nông nghiệp.
Theo ông Tuấn, lĩnh vực nông nghiệp sẽ có cơ hội lớn với 4 lợi thế chính là: Một là có thị trường rộng lớn 800 triệu dân, sẽ giúp tiêu thụ nông sản lớn cho Việt Nam, giảm áp lực phụ thuộc thị trường truyền thống là Trung Quốc. Hiện nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc rất lớn, trong những tháng đầu năm chiếm tới 35% giá trị, trong đó riêng cao su chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu, rau quả chiếm tới 64%, gỗ chiếm hơn 12%; và nhập khẩu từ thị trường này cũng chiếm tới 62,5% đầu vào cho nông nghiệp. “Đây là thị trường, là bạn hàng lớn nên chính sách phải luôn luôn linh hoạt. Mở ra thị trường mới rộng lớn trong khuôn khổ TPP thì Việt Nam có thể điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu lĩnh vực nông nghiệp, có điều kiện linh hoạt hơn, tốt hơn”- ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho rằng, ngay sau khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản của 12 nước đã giảm thuế xuống hơn 90%, có mặt hàng chỉ còn 0%. Trong đó có mặt hàng Việt Nam duy trì lợi thế tốt như thủy sản và đồ gỗ. Những tháng đầu năm, đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới 39%, Nhật Bản 19%...
Mặt khác, theo ông Tuấn, rõ ràng khi vào TPP, thông thương thuận lợi sẽ thu hút được vốn đầu tư của các quốc gia vào Việt Nam. Thuế bằng 0% thì nhiều cơ hội mở ra, trong khi nông nghiệp đang rất thiếu vốn đầu tư nên sẽ là cơ hội để thu hút được vốn đầu tư trong thời gian tới. Hiện nay vốn FDI vào nông nghiệp khá ít, giá trị vốn cam kết chỉ có chiếm 1,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đây là cơ hội để đẩy nhanh thu hút đầu tư, thu hút khoa học công nghệ, cách quản lý mới với nông nghiệp.
“TPP là cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc nền nông nghiệp trong chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm định hướng mong muốn là đưa công nghệ mới, quản lý mới vào trong nông nghiệp”- ông Tuấn khẳng định.
Tuy vậy, ông Tuấn cũng cho rằng: Khi tham gia TPP cũng có thách thức, bởi rõ ràng so với các nước thì Việt Nam có nền sản xuất nhỏ, chủ yếu quy mô hộ gia đình. Chúng ta có khoảng 3.500 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp và hầu hết là doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65% nên rất khó trong cạnh tranh. Do sản xuất quy mô hộ là chính, công nghệ còn kém cho nên sẽ có mặt hàng rất khó khăn khi mở cửa. Đã là “sân chơi” chung, luật chung thì ai mạnh người ấy thắng, nên nông sản cũng sẽ rất khó khăn về tiêu thụ nếu vẫn duy trì quản lý như hiện nay. Trong đó, chăn nuôi là lĩnh vực rất khó khăn. Nếu sản xuất duy trì quy mô nhỏ như hiện nay thì chắc chắn sẽ thua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.