Giá cà phê 2 ngày đầu tuần "mất" 1.300 đồng/kg
Mở đầu phiên giao dịch sáng nay 23/10, thị trường ghi nhận mức giảm đồng loạt của giá cà phê nguyên liệu trên cả nước. Cụ thể: tại Lâm Đồng, giá cà phê đã giảm 400-500 đồng/kg, xuống còn 36.400 đồng/kg ở Bảo Lộc và Lâm Hà, còn ở Di Linh, giá cà phê nguyên liệu thấp hơn 100 đồng, ở mức 36.300 đồng/kg.
Chỉ trong 2 ngày đầu tuần, giá cà phê đã giảm mạnh từ 1.100-1.300 đồng/kg. Ảnh minh họa
Trong khi đó tại Đắk Lawsk, giá cà phê hôm nay 23/10 cũng đã giảm 400 đồng/kg, giao động ở mức 36.900 -37.000 đồng/kg.
Giá cà phê tại Gia Lai, Đắk Nông cùng ở mức 36.600 đồng/kg. Riêng tại Kon Tum có giá 36.900 đồng/kg.
Như vậy sau khi tăng 3 tuần liên tiếp với mức tăng 200 - 700 đồng/kg, thì chỉ qua 2 ngày đầu tuần mới, cà phê đã mất từ 1.100-1.300 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam, sản lượng cà phê Robusta của nước ta dự báo tăng hơn 15,5% so với năm trước lên 28,03 triệu bao và sản xuất cà phê robusta của Brazil tiếp tục phục hồi, tăng 16,1% lên 13,46 triệu bao trong niên vụ 2017 - 2018.
Sản lượng cà phê Arabica dự báo tăng hơn 2,2%, lên 101,82 triệu bao. Trong khi sản lượng của Colombia ước giảm 4,3% so với năm cà phê 2016 - 2017 xuống 14 triệu bao do điều kiện thời tiết không thuận lợi, sản lượng tại bốn nhà sản xuất cà phê Arabica lớn nhất khác đều tăng.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta giao tháng 11 trên sàn ICE lúc 16h30 ngày 22/10 giảm 1,5% xuống 1.691 USD/tấn. Giá cà phê arabica giao tháng 12 trên sàn New York lúc 17h30 ngày 22/10 giảm 3,8% xuống 117,5 UScent/pound.
Theo Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), nguồn cung lớn hơn trong niên vụ cà phê 2017 - 2018 được phản ánh thông qua khối lượng xuất khẩu tăng. Trong tháng 8, xuất khẩu toàn cầu của các loại và hình thức cà phê tăng 6,3% lên 11,1 triệu bao so với cung kỳ năm ngoái.
Theo đó, xuất khẩu cà phê Arabica tăng 6,7% lên 6,95 triệu bao, trong khi xuất khẩu cà phê robusta tăng 5,7% lên 4,16 triệu bao. Lượng cà phê Arabica xuất khẩu tăng chủ yếu là nhóm cà phê arabica Brazil, tăng 14,7% lên 3,3 triệu bao, trong khi xuất khẩu cà phê arabica Colombia giảm 11,6% xuống 1,11 triệu bao.
Trong 11 tháng đầu niên vụ cà phê 2017 - 2018, xuất khẩu cà phê thế giới tăng 1,6% so với cùng kỳ niên vụ trước. Xuất khẩu cà phê Arabica từ tháng 10/2017 - 8/2018 tăng 0,2% so với niên vụ 2016 - 2017, với xuất khẩu cà phê Arabica từ các quốc gia khác bù đắp cho sự giảm sút của nhóm cà phê arabica Colombia và Brazil.
Tiêu giữ vững “phong độ”
Hồ tiêu đang phải đối mặt với vấn nạn chết hàng loạt khiến sản lượng tiêu có nguy cơ sụt giảm nghiệm trọng. Ảnh: báo Gia Lai.
Giá tiêu hôm nay 23/10 tại khu vực Tây Nguyên và miền Nam không đổi so với hôm qua.
Cụ thể, giá tiêu cao nhất ghi nhận ở Bà Rịa – Vũng Tàu với mức giá 57.000 đồng/kg. Bình Phước và Gia Lai có chung mức giá 56.000 đồng/kg.
Hai tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk cùng bán tiêu nguyên liệu với giá 55.000 đồng/kg. Riêng Đồng Nai vẫn giữ “kỷ lục” là địa phương có giá tiêu thấp nhất: 54.000 đồng/kg.
Trong khi nông dân Việt Nam đang phải đối mặt với nạn tiêu chết hàng loạt thì tại quốc gia láng giềng là Campuchia, sản phẩm hồ tiêu đang tích cực tìm kiếm thị trường mới.
Theo Hiệp hội Xúc tiến Tiêu dùng Kampot (KPPA) Campuchia, quốc gia này đang hướng đến các thị trường mới cho hồ tiêu Kampot vốn được đánh giá cao. Đây là sản phẩm duy nhất của Campuchia được cấp chỉ dẫn địa lý chính thức (CDĐL).
Cụ thể, Chủ tịch KPPA, Ngoun Lay, cho biết hiêp hội đang tìm cách mở rộng sang các thị trường mới ở Hàn Quốc và Hong Kong do sản lượng hồ tiêu tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
"Chúng tôi đang bàn bạc với Hàn Quốc và Hong Kong để mở rộng thị trường xuất khẩu", ông Lay nói.
Diện tích CDĐL của hồ tiêu Kampot đạt 250 ha tại các tỉnh Kampot và Kep. Trong khu vực đó, 200 ha có cây tiêu trưởng thành có thể thu hoạch, ông Lay cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.