Bán cả trụ tiêu lấy tiền xoay sở
Xã Ia BLứ, huyện Chư Pưh (Gia Lai) có hơn 500ha tiêu. Những năm qua, ở xã này cây tiêu luôn giữ vị trí chủ lực về kinh tế. Thế nhưng hiện nay, cây tiêu ở Ia BLứ đã thất thế, nhiều hộ lâm nợ vì tiêu.
Giá tiêu giảm mạnh khiến hàng ngàn nông dân ở Tây Nguyên gặp khó (chụp tại xã Ia BLứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Duy Hậu
Theo ông Huỳnh Quốc Thích - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, việc giá hồ tiêu giảm đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Song do có thời điểm giá tiêu tăng cao nên nông dân bất chấp khuyến cáo, ồ ạt mở rộng diện tích. Ngay thời điểm hiện tại, tuy giá tiêu rớt thê thảm nhưng diện tích hồ tiêu vẫn không ngừng được mở rộng, trong đó có không ít hộ phải đi vay tiền để đầu tư.
|
“Thời gian vừa qua, tiêu trên địa bàn xã đổ bệnh chết hàng loạt. Không chỉ thế, giá tiêu ngày càng giảm sâu khiến nhiều hộ rơi vào cảnh khó khăn. Với mức giá hơn 80.000 đồng/kg như hiện nay, những nông dân đi vay vốn trồng tiêu như tôi đang chịu thua lỗ nặng nề. Nhiều gia đình ở đây đã phải nhổ trụ tiêu đem bán lấy tiền trang trải” – anh Nguyễn Văn Quảng, nông dân trồng tiêu ở thôn Thiên An, xã Ia BLứ cho hay.
Ông Phan Văn Linh – Chủ tịch UBND xã Ia BLứ cũng cho biết, nông dân trồng tiêu ở xã đang lao đao vì giá liên tục sụt giảm. Khó khăn nhất vẫn là những hộ có vườn tiêu bị chết. Họ không chỉ cần tiền cho sinh hoạt hàng ngày mà còn phải lo thêm khoản đầu tư mới để chuyển đổi cây trồng, do hầu hết diện tích tiêu của xã đã già cỗi và nhiễm bệnh. Mặc dù chưa có con số chính xác, nhưng theo ông Linh, số hộ phải phá bỏ vườn tiêu chết để cải tạo đất, trồng cây mới cũng không hề nhỏ.
Mấy năm trước, thấy nhiều người làm giàu nhanh từ cây tiêu, bà Nguyễn Thị Đô (xã Nâm NJang, huyện Đăk Song, Đăk Nông) đã dồn hết gia sản, vay thêm 4 tỷ đồng để trồng 10ha tiêu. Vụ vừa qua, vườn tiêu của bà Đô có 4ha bắt đầu cho thu hoạch. Bà Đô hi vọng sau vụ tiêu, gia đình sẽ có một khoản kha khá để trang trải nợ nần. Thế nhưng do giá tiêu chỉ còn trên dưới 80.000 đồng/kg nên bà Đô bán hết số tiêu vừa thu cũng chỉ đủ trả tiền mua vật tư, tiền thuê công nhân và tiền lãi các khoản vay.
“Mỗi ha tiêu phải đầu tư tới 300- 500 triệu đồng, mà giá tiêu như bây giờ thì cầm chắc thua lỗ. Nếu tới đây tình hình giá tiêu vẫn không cải thiện, chắc chắn nhà tôi sẽ phải bán đất để trả nợ”- bà Đô rầu rĩ nói.
Không chỉ ở những vùng trồng mới, ngay tại thủ phủ hồ tiêu lâu đời của Tây Nguyên là huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), nhiều nông dân cũng đang hết sức khó khăn vì hồ tiêu đã hết thời.
Theo ông Nguyễn Hữu Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, nếu so với các loại cây trồng khác, với giá bán như hiện nay người trồng tiêu vẫn có lãi. Tuy nhiên, đây chỉ là tính toán theo lý thuyết, còn trên thực tế, rất nhiều hộ trồng tiêu do không có vốn nên phải vay mượn để đầu tư. Họ không chỉ vay của ngân hàng mà còn vay nóng ở bên ngoài, hoặc vay lại tiền vay của các doanh nghiệp với mức lãi suất cao. Do đó, với giá tiêu thấp như hiện nay, những hộ vay nóng bên ngoài sẽ cầm chắc nợ nần.
Tình trạng tiêu chết hàng loạt cùng với việc giá giảm sâu đã khiến nhiều nông dân ở Tây Nguyên rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Duy Hậu
Bán thì tiếc, để cũng không yên
Tại xã Nâm Ndjang, huyện Đăk Song, “trung tâm” hồ tiêu của tỉnh Đăk Nông, mặc dù mùa thu hoạch đã qua khá lâu nhưng hoạt động buôn bán hồ tiêu tại đây vẫn hết sức ảm đạm. Ông Nguyễn Hữu Tầm - Chủ tịch UBND xã cho biết, vụ vừa qua, sản lượng hồ tiêu của xã đạt hơn 6.000 tấn, song đến nay bà con mới bán ra khoảng 2.000 tấn.
“Nếu giá cả đi theo một chiều hướng (giảm hẳn hoặc tăng hẳn) thì nông dân sẽ bán hồ tiêu. Còn thời điểm hiện tại, do giá hồ tiêu lên xuống thất thường nên tâm lý người dân không muốn bán ra. Chỉ có những gia đình gặp khó khăn về tài chính mới trích ra vài tạ bán để lấy tiền chi tiêu” - ông Tầm nói.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Ea Tul, huyện Cư Kuin, Đăk Lăk) hiện trữ hơn 1 tấn tiêu, cho biết, hồi đầu vụ, thấy giá tiêu quá thấp so với năm ngoái nên ông quyết định trữ toàn bộ số tiêu vừa thu. Thế nhưng khi thấy giá tiêu liên tục giảm, ông bắt đầu thấp thỏm. Mấy ngày qua, sáng nào ông cũng ra tiệm internet để kiểm tra giá tiêu.
“Cách đây mấy hôm, thấy giá tiêu lên hơn 90.000 đồng/kg, tôi đã định bán. Song do vẫn hy vọng giá tiêu có thể sẽ tốt hơn nên tôi đã trù trừ. Không ngờ, ngay ngày hôm sau, giá tiêu lại giảm trở lại... Khoảng nửa tháng nữa, dù tình hình giá cả thế nào thì gia đình tôi cũng buộc phải bán số tiêu này. Bởi không bán thì những khoản nợ đang đến hạn không biết lấy đâu để trả”- ông Hoàng nói.
Ở thôn 3, xã Nâm NDjang, anh Phạm Hồng Nhật là một đại gia hồ tiêu đúng nghĩa. Với việc thu hàng chục tấn tiêu mỗi năm, anh Nhật đã trở thành tỷ phú từ nhiều năm trước. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, tỷ phú này cũng rơi vào thế lúng túng. “Vụ vừa rồi, gia đình tôi thu hơn 40 tấn tiêu. Tuy giá tiêu xuống thấp chúng tôi không muốn bán đi, song để có tiền trang trải sinh hoạt, tôi đã buộc phải bán đi hơn 20 tấn. Số tiêu còn lại, khi nào cần tiền sẽ tiếp tục “ngắt” ra bán tiếp. Tuy không lỗ nhưng phải bán tiêu ở thời điểm này, tôi tiếc đứt ruột”- anh Nhật nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ nông dân trồng tiêu mà nhiều tiểu thương kinh doanh tiêu cũng đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Nguyên nhân của việc này là do ngay từ đầu mùa, khi giá hồ tiêu đang ở mức cao, nhiều tiểu thương đã mua hàng về trữ chờ giá lên bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, giá tiêu ngày càng diễn biến xấu đi, khiến những tiểu thương vay tiền mua tiêu về trữ đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.