Một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây nhằm đưa ra những nghiên cứu, phương hướng liên quan đến việc từng bước hạn chế sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch giai đoạn từ nay đến 2050 theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong bài tham luận đầu tiên của buổi tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) Nguyễn Thị Phương Hiền nhận định rằng nước ta có nhiều cơ hội khả quan khi chuyển đổi sang xe điện khi đã có sự chuẩn bị kỹ càng về công nghệ. Do đó, việc chuyển đổi sang sản xuất xe điện có thể đáp ứng được, đặc biệt là các dòng xe con, xe buýt và xe tải nhỏ.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương Hiền cho biết: "Với sự tiên tiến của khoa học công nghệ, dự kiến giá xe điện sẽ ngày càng rẻ. Theo chúng tôi thì vào giai đoạn khoảng 2026-2030, giá ô tô điện sẽ ngang bằng với xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Ngoài ra, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có doanh nghiệp sản xuất xe điện, đó chính là thuận lợi lớn để chúng ta thực hiện được đúng theo đúng lộ trình đặt ra".
Để củng cố cho nhận định trên, Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng chính sách thuế xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng việc sản xuất và sử dụng xe điện hiện nay đang được Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ. Tại cuộc hội thảo, bà phát biểu: "Hiếm có ngành nào được hỗ trợ nhiều về chính sách thuế như ngành công nghiệp ô tô. Đối với xe điện, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội rất nhiều các văn bản ưu đãi về thuế, phí".
Cụ thể, bà Bích Ngọc cho biết rằng Ô tô "xanh" có rất nhiều loại và mỗi loại sẽ có những chính sách ưu đãi riêng. Gần đây, Nghị định 57/2020/NĐ-CP cũng được ban hành để hỗ trợ phát triển ngành ô tô, bao gồm cả xe điện. Trong đó quy định, các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế đáp ứng điều kiện có dây chuyền sản xuất lắp ráp, sản xuất xe điện và đáp ứng một sản lượng nhất định (thấp hơn so với xe xăng) sẽ được nhập khẩu linh kiện với mức thuế 0% (áp dụng với linh kiện trong nước chưa sản xuất được).
Bà Bích Ngọc phân tích: "Cơ bản trong bộ linh kiện của xe điện nhập khẩu về đều được áp mức thuế 0%, trong khi, nếu ô tô xăng nhập khẩu nguyên chiếc, mức thuế áp dụng thông thường là 70%. Như vậy, sản xuất, lắp ráp xe điện trong nước đang được khuyến khích rất nhiều".
"Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, xe xăng kết hợp năng lượng điện hoặc năng lượng sinh học và trong đó tỷ trọng xăng sử dụng trong tổng năng lượng tiêu thụ chiếm không quá 70% sẽ được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bằng 70% mức thuế áp dụng cho xe chạy xăng, dầu".
"Từ ngày 1/3/2022 đến 28/2/2027, thuế suất thuế TTĐB đối với xe chạy pin, tuỳ theo chỗ ngồi sẽ là 1 - 2 - 3% và từ năm 2027 trở đi sẽ là 4 - 7 - 11%, tương ứng với số chỗ ngồi khác nhau. Trong khi đó, xe xăng sẽ là 15-150%, cao hơn rất nhiều. Đồng thời, ô tô chạy pin cũng đang được giảm 100% lệ phí trước bạ trong vòng 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo".
Kết thúc bài phát biểu, bà Ngọc đưa ra nhận định: "Với những chính sách trên, tôi tin rằng sẽ góp phần lớn khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều về chính sách thuế, phí".
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8/2022, cả nước đã có khoảng 3.000 xe hơi chạy điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu. Con số này tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng tổng cộng 1,8 triệu mô tô - xe máy điện. Với tinh thần tích cực trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan tới xây dựng trạm sạc đồng thời có nhiều chính sách trợ giá xe điện của Chính phủ, có thể những số liệu trên sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.