Giá phân bón lại tăng, giá lúa quay xe giảm, nông dân trồng lúa Cần Thơ nói lo đi là vừa?
Loại vật tư nông nghiệp nào đang rục rịch tăng giá khiến nông dân Cần Thơ lo lo trong lòng?
Thứ bảy, ngày 02/03/2024 05:41 AM (GMT+7)
Sau một thời gian có xu hướng giảm và bình ổn, gần đây giá nhiều loại phân bón đã biến động tăng trở lại. Dù mức độ tăng chưa nhiều và nhìn chung giá nhiều loại phân bón vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2023 nhưng nhiều nông dân không khỏi lo lắng...
Sau một thời gian có xu hướng giảm và bình ổn, gần đây giá nhiều loại phân bón đã biến động tăng trở lại.
Dù mức độ tăng chưa nhiều và nhìn chung giá nhiều loại phân bón vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2023 nhưng nhiều nông dân không khỏi lo lắng khi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất hè thu 2024, nông dân phải tăng cường bón phân cho lúa và nhiều loại cây trồng nhằm đảm bảo cho cây phát triển tốt trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Ða phần nông dân không có tiền mua phân bón dự trữ sẵn mà thường chờ tới vụ khi đó giá có cao cũng buộc phải mua nên rất mong giá vật tư đầu vào và giá sản phẩm đầu ra ổn định với mức giá phù hợp để đảm bảo sản xuất có lời.
Ông Trương Văn Cứ, ngụ ấp Thạnh Phú 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Gần đây, giá nhiều loại lúa đã giảm đáng kể so với những tháng trước, với mức giảm lên đến trên dưới 1.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá nhiều loại phân bón lại có xu hướng tăng nên nông dân lo lắng về chi phí sản xuất sẽ tăng trong vụ hè thu 2024 từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ðáng chú ý, trước đây giá nhiều loại phân Ðạm (Urê) đã giảm xuống chỉ còn ở mức trên dưới 490.000 đồng/bao, thì nay đã ở mức từ 530.000 đồng/bao trở lên".
Mua bán phân bón tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Liếu ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Theo ông Nguyễn Ðức Tràng ở phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy, trong những tuần trước Tết Nguyên đán 2024, giá nhiều loại lúa tươi vụ đông xuân 2023-2024 được thương lái đặt cọc mua với giá lên đến 9.500 đồng/kg, nhưng sau Tết giá chỉ còn ở mức trên dưới 8.500 đồng.
Nhìn chung giá lúa vẫn đang ở mức cao nên vụ đông xuân này nông dân vẫn đảm bảo có mức lời khá tốt. Tuy nhiên chuẩn bị cho vụ tới giá nhiều loại phân bón đã tăng tới 40.000-50.000 đồng/bao so với trước.
Hè thu là vụ sản xuất gặp nhiều bất lợi do thời tiết nắng nóng, bón phân dễ bốc hơi và nhiều loại sâu bệnh diễn biến phức tạp, nông dân phải tăng lượng bón phân và tốn nhiều chi phí để phòng trừ sâu bệnh, cũng như bơm nước tưới cho ruộng lúa.
Trên thực tế, giá nhiều loại phân bón tại vùng ÐBSCL như phân Ðạm (phân Urê), DAP, NPK... đã tăng ít nhất từ 10.000-50.000 đồng/bao 50kg so với cách nay một vài tháng.
Tại nhiều địa phương, hiện Ðạm Cà Mau, Ðạm Phú Mỹ, Ðạm Hà Bắc và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Malaysia có giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 530.000-590.000 đồng/bao.
Phân Kali miểng (Cà Mau, Phú Mỹ) có giá 830.000-870.000 đồng/bao. Giá phân bón NPK 16-16-8 Việt Nhật và NPK 16-16-8 Bình Ðiền ở mức 650.000-690.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Sông Gianh và NPK 20-20-15 Ba Con Cò ở mức từ 870.000-920.000 đồng/bao, NPK 20-20-15 TE của Bình Ðiền ở mức 1.050.000-1.100.000 đồng/bao.
Giá DAP xanh Hồng Hà (Trung Quốc) ở mức 1.050.000-1.150.000 đồng/bao, DAP Hàn Quốc (loại hạt đen) ở mức 1.100.000-1.200.000 đồng/bao...
Theo cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ, giá phân bón tăng do ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới tăng, cũng như giá các loại nguyên liệu nhập khẩu và chi phí phục vụ sản xuất phân bón ở trong nước tăng.
Hiện mặt hàng phân Urê đã được các doanh nghiệp trong nước sản xuất có dư để xuất khẩu. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn phải nhập khẩu nhiều loại phân bón khác: DAP, Kali... Ðồng thời, nước ta cũng phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất phân bón NPK và một số loại phân bón khác.
Theo bà Huỳnh Thị Bé Sáu, chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Liếu ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, trong vụ đông xuân 2023-2024, giá nhiều loại phân bón đã giảm mạnh so với các vụ lúa trước đó khiến nông dân khá phấn khởi và các cửa hàng vật tư nông nghiệp cũng thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm nhờ sức mua tăng.
Ðặc biệt, nhiều cửa hàng bán lẻ vật tư nông nghiệp thường cho nông dân mua phân bón thiếu nợ tiền đến cuối vụ sản xuất mới thanh toán, do vậy khi giá phân bón thấp, các cửa hàng cũng ít phải chịu áp lực về nguồn vốn.
Do vậy, không chỉ nông dân mà các cửa hàng bán lẻ phân bón cũng đều mong muốn giá các loại phân bón được duy trì ở mức thấp. Với tình hình nguồn cung phân bón dồi dào và có sự cạnh tranh của nhiều loại phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu, hy vọng giá phân bón ít có sự biến động tăng mạnh trong thời gian tới.
Hiện sức tiêu thụ nhiều loại phân bón đang khá chậm do lúa đông xuân 2023-2024 tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã bước vào giai đoạn chín và thu hoạch. Nhiều nông dân không còn có nhu cầu mua phân bón để bón cho lúa.
Ðiều này cũng đang làm cho giá nhiều loại phân bón có chiều hướng "chửng lại" chứ không tăng thêm trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn lo giá phân bón có thể tiếp tục nhích lên khi tới đây khi sức mua tăng trong vụ sản xuất hè thu 2024.
Nông dân rất mong cơ quan chức năng cần quan tâm công tác bình ổn thị trường và tạo điều kiện để nông dân tiếp cận các sản phẩm phân bón chất lượng và có giá bán phù hợp.
Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý, cũng như buôn bán các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.