Ninh Bình: Chỉ làm theo cách này, nông dân trúng lớn vụ lúa đông xuân, lại tiết kiệm phân bón, giống

Vũ Thượng-Nguyễn Hằng Chủ nhật, ngày 08/08/2021 13:18 PM (GMT+7)
Nhờ áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến và phương pháp canh tác lúa cải tiến (gọi tắt SRI), vụ lúa đông xuân vừa qua, nông dân tỉnh Ninh Bình trúng lớn với năng suất lúa đạt từ 2,3-2,5 tạ/sào.
Bình luận 0

Chủ động về nguồn giống

Canh tác lúa cải tiến là phương pháp canh tác lúa sinh thái, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư như: Giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới…

Ninh Bình: Vụ lúa đông xuân trúng lớn nhờ hệ thống thâm canh lúa cải tiến - Ảnh 1.

Vụ lúa đông xuân vừa qua, nông dân tỉnh Ninh Bình trúng lớn nhờ thâm canh lúa cải tiến SRI. Ảnh: N H

Ngoài ra, các kỹ thuật giúp nông dân giảm công lao động bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ khác thay thế phân bón hóa học đang được áp dụng phổ biến tại tỉnh Ninh Bình.

Phương pháp canh tác lúa cải tiến (gọi tắt SRI) được hiểu là cấy mạ non, cấy 1-2 dảnh/khóm và cấy thưa. 

Ninh Bình: Vụ lúa đông xuân trúng lớn nhờ hệ thống thâm canh lúa cải tiến - Ảnh 2.

Áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến vào sản xuất, nông dân chủ động được nguồn giống. Ảnh: V T

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã triển khai Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường", tại 4 xã Ninh Hòa, Ninh Giang (huyện Hoa Lư); xã Khánh Trung, Khánh Cường (huyện Yên Khánh), với tổng diện tích 4.000m2.

Ninh Bình: Vụ lúa đông xuân trúng lớn nhờ hệ thống thâm canh lúa cải tiến - Ảnh 3.

Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền về canh tác lúa cải tiến SRI. Ảnh: N H

Cũng tại các buổi tập huấn, hội viên nông dân được trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, cách thức chăm sóc lúa và những khó khăn khi áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI).

Qua đó, dự án đã tuyên truyền tới 1.160 cán bộ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thông qua các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ, sinh hoạt chi hội...

Ninh Bình: Vụ lúa đông xuân trúng lớn nhờ hệ thống thâm canh lúa cải tiến - Ảnh 4.

Lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa cải tiến theo phương pháp SRI tại Ninh Bình. Ảnh: N H

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã trực tiếp hỗ trợ chế phẩm vi sinh Sumitri xử lý rơm rạ tạo chất dinh dưỡng cho đất, phân bón hữu cơ T&T159, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Với hình thức "cầm tay chỉ việc", Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã giới thiệu tổng quan về hệ thống thâm canh lúa cải tiến và phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI); Hướng dẫn nông dân về quy trình sinh trưởng của cây lúa, 5 nguyên tắc và các biện pháp kỹ thuật của SRI...Hướng dẫn kỹ thuật làm phân hữu cơ vi sinh, kỹ thuật xử lý rơm rạ bằng bằng chế phẩm sinh học.

Hiệu quả từ canh tác lúa cải tiến SRI

Qua việc triển khai dự án cấy lúa theo phương pháp SRI, nông dân tỉnh Ninh Bình có một mùa vụ đông xuân trúng lớn với năng suất lúa bình quân đạt từ 2,3-2,5 tạ/sào.

Ninh Bình: Vụ lúa đông xuân trúng lớn nhờ hệ thống thâm canh lúa cải tiến - Ảnh 5.

Nhờ áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI, năng suất lúa đạt từ 2,3-2,5 tạ/sào. Ảnh: N H

Ông Phạm Văn Chính (xóm Nam Cường, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh) chia sẻ: "Vụ đông xuân năm 2021, gia đình tôi được Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tập huấn về kiến thức canh tác lúa SRI như: Cách xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Sumitri, sử dụng phân bón hữu cơ, cấy mạ non, cấy thưa từ 1-2 dảnh/khóm, quản lý nước, làm cỏ sục bùn...".

"Sau khi tôi áp dụng canh tác lúa cải tiến SRI, tôi nhận thấy, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt hơn, lúa đẻ nhiều nhánh và tập trung đẻ giai đoạn đầu, mỗi khóm lúa có nhiều bông và tỷ lệ hạt chắc trên bông cao hơn... Nhờ đó, gia đình tôi đã tiết kiệm đáng kể chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tiền mua giống, phân bón", ông Phạm Văn Chính nói thêm.

Ninh Bình: Vụ lúa đông xuân trúng lớn nhờ hệ thống thâm canh lúa cải tiến - Ảnh 6.

Xây dựng thương hiệu gạo "tiến vua" thơm, dẻo để đưa vào các chuỗi cửa hàng nông sản an toàn. Ảnh: N H

Được biết, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình bước đầu triển khai 4 mô hình trình diễn, tại 4 xã cho thấy ruộng lúa áp dụng thâm canh lúa cải tiến SRI so với ruộng lúa làm theo tập quán truyền thống nông dân giảm được lượng giống, giảm được lượng phân đạm từ 20-30%...

Đặc biệt, với phương pháp này tăng năng suất lúa từ 7-8 tạ/ha, tăng hiệu quả kinh tế 8- 9 triệu đồng/ha. Ý thức tạo ra lúa thương phẩm an toàn, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng xuất khẩu và bảo vệ sức khoẻ con người có tính lan tỏa. 

"Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục tuyên truyền, mở rộng thêm diện tích cấy lúa theo phương pháp SRI. Hội sẽ thành lập tổ hội nghề nghiệp cấy lúa SRI, tạo thương hiệu cho gạo SRI tại tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, đưa gạo SRI vào bán tại chuỗi cửa hàng Nông sản an toàn của Hội, nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho hạt gạo này", ông Đinh Hồng Thái-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem