GS.Võ Tòng Xuân bày cách cho nông dân giảm được 50% lượng phân bón
Có giảm được 50% lượng phân bón?
Huỳnh Xây
Thứ tư, ngày 27/10/2021 17:25 PM (GMT+7)
Do giá phân bón tăng “chóng mặt” trong thời gian qua, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, chỉ cần người dân áp dụng biện pháp bón lót trước khi gieo sạ cũng có thể giảm đáng kể lượng phân bón.
Nông dân trồng lúa: "Không thể giảm 50% dù giá phân bón tăng
Liên quan đến vấn đề giảm phân bón để giảm áp lực giá phân bón tăng, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Dũng - nông dân ngụ ấp An Lạc, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho biết, rất khó để thực hiện.
Bởi theo ông Dũng, trồng lúa theo cách truyền thống, nếu giảm 50% lượng phân bón thì năng suất sẽ giảm rất lớn. Việc này càng không thực hiện được đối với những vùng chuyên sản xuất lúa vụ 3.
"Nếu trồng lúa theo cách truyền thống mà giảm 50% lượng phân bón thì nông dân không có ăn, lúa không có năng suất. Nếu giảm như vậy phải có gì đó thay thế lượng phân đó và chỉ nên làm 1 vụ lúa duy nhất trong năm, chứ không phải 3 vụ như hiện nay" - ông Dũng nhận định.
Theo GS Võ Tòng Xuân, bà con nên mạnh dạn chuyển sang phân vi sinh để ít tốn tiền. Sử dụng loại phân này lúa tốt và gần như không có sâu bệnh.
Nếu như người dân cứ mê bón phân urê thì còn mãi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng nhiều đến môi trường và tác động không tốt đến biến đổi khí hậu.
Theo phóng viên tìm hiểu, ông Dũng có 7,2ha diện tích chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân 2021- 2022.
Để hạn chế việc dùng phân hóa học, thời gian qua, ông Dũng không ngừng học hỏi, áp dụng nhiều cách khác nhau, trong đó thành công nhất là sử dụng phân bón vi sinh.
Theo ông Dũng, mô hình trồng lúa của ông vừa sử dụng phân vi sinh vừa sử dụng phân hóa học, ước tính tiết kiệm được 30-40% lượng phân bón. Đây là mức tiết kiệm tối đa phân hóa học và đang mang lại hiệu quả cao.
Ông Phan Thiện Khanh - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ, cũng không đồng tình với việc giảm 50% lượng phân bón trong vụ lúa đông xuân tới.
Ông Khanh chỉ bón 50kg phân bón (gồm nhiều loại) cho 1.000m2 (1 công) lúa, nếu bón phân tiết kiệm, ông chỉ có thể giảm tối đa 10kg phân đạm trong 50kg trên, chứ không thể giảm 50% được.
"Tối đa chỉ giảm bấy nhiêu thôi chứ không thể giảm nữa, mà chỉ giảm đạm, không giảm loại phân khác được. Nếu giảm 50% phân bón, năng suất không có, dẫn đến tệ hơn việc bón phân đầy đủ như những vụ trước đó và chấp nhận giá cao" - ông Khanh nói.
Để giảm 10kg trong tổng số 50kg phân bón/công đất/vụ lúa, ông Khanh cho biết, phải làm đất kỹ, gieo sạ thưa, giảm lượng lúa giống. Cách làm này sẽ giúp lúa ít dịch bệnh, hạn chế cỏ và tiết kiệm tiền phun thuốc bảo vệ thực vật hơn so với cách gieo sạ bằng tay.
Ông Khanh khẳng định: "Các chuyên gia, nhà khoa học tính toán sao chứ, tôi làm lúa nhiều năm, kinh nghiệm cho thấy không giảm 50% lượng phân bón được. Chỉ giảm lượng phân đạm từ đó kéo theo giảm một số chi phí khác như tôi nêu là cách tốt nhất".
Ông Đinh Thành Nam - nông dân có 90ha trồng lúa ở ấp Bình Phú, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cũng nói chắc nịch "không thể giảm 50% lượng phân bón trong vụ đông xuân tới". Bởi làm vậy năng suất lúa sẽ giảm rất nhiều. Nếu giảm vậy, 1 công có thể mất từ 200 - 300kg lúa và từ 2-3 tấn lúa/ha.
Khó giảm giá phân bón, nên giảm lượng sử dụng
Trao đổi với phóng viên, GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp, nhìn nhận: Do tác động của thị trường thế giới nên hiện nay việc giảm giá phân là không thể. Do đó, việc cần làm hiện nay là giảm lượng phân bón được sử dụng trên đồng ruộng.
Để làm được điều này, theo GS Võ Tòng Xuân, người dân phải áp dụng biện pháp bón lót trước khi gieo sạ.
"Tôi đã khuyến cáo người dân cần phải bón lót trước khi gieo sạ rất nhiều năm nay. Cách làm này tiết kiệm rất nhiều phân bón hóa học" - GS Võ Tòng Xuân nói.
Tuy nhiên, GS Xuân cho hay, có tới 99% người dân không làm theo biện pháp này. Theo đó, người dân ở ĐBSCL chỉ quen chờ cây lúa hình thành mới bón phân, trong đó chủ yếu là bón phân urê.
Bón phân urê sau gieo sạ thì phần phân này sẽ nằm trên mặt đất, dưới mặt nước và bị oxy hóa từ 40-60%, tức cây lúa chỉ "ăn" được từ 40-60% lượng phân chưa được oxy hóa. Lúc này người dân sẽ mất tiền mua phân và làm tăng khả năng biến đổi khí hậu, làm ruộng lúa dễ nhiễm bệnh (phân urê nằm trên mặt đất sẽ tiêu diệt nhiều vi khuẩn có lợi).
GS Võ Tòng Xuân cho hay, việc bón lót trước khi gieo sạ phân sẽ nằm dưới đất mặt, không có tình trạng oxy hóa xảy ra hoặc xảy ra nhưng với số lượng rất ít. Lượng phân này sẽ giúp cây lúa phát triển rất nhanh sau sạ và chỉ cần bón thêm 2 lần nữa (1 lần cho lúa nở bụi, 1 lần nuôi đòng) trong vụ trong khi đó, nếu không bón lót, người dân phải tốn từ 4-5 lần bón phân/vụ lúa.
Theo GS Võ Tòng Xuân, biện pháp bón lót này được áp dụng tốt ở huyện Tháp Mười và một số địa phương lân cận khác ở tỉnh Đồng Tháp.
Theo tính toán, có thể giảm từ 40-50% lượng phân bón hóa học nhưng năng suất không giảm, vẫn đạt 6-7 tấn/ha, lúa ít sâu bệnh nên sử dụng ít thuốc bảo vệ thực vật.
"Tôi từng làm thí nghiệm ở tỉnh Đồng Tháp về cách bón lót này, người dân tham gia đều rất thích thú khi cây lúa phát triển tốt, mau lớn và nhẹ công chăm sóc. Do đó, hạ giá thành sản xuất lúa xuống rất nhiều" - GS Võ Tòng Xuân thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.