Đặc sản sầu riêng Ri -6 cơm vàng, hạt lép tại Hà Nội có giá bán từ 90.000 - 100.000 đồng/kg (nguyên vỏ). Ảnh minh họa
Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, hiện nay giá sầu riêng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và một số tỉnh Tây Nguyên đang ở mức rất cao, đầu ra thuận lợi nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Cụ thể, giá sầu riêng các loại đang được thương lái bán lẻ tại ĐBSCL có mức giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg; sầu riêng loại ngon, cơm vàng, hạt lép, quả nhiều múi còn được bán với giá từ hơn 80.000 đồng/kg. Một số thương lái cho biết, sở dĩ giá bán lẻ sầu riêng tại "vựa" trái cây tăng cao là do giá thu mua tại vườn đã cao ngất ngưởng, từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Mức giá này cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, giá sầu riêng bán tại các vườn ở Lâm Đồng hiện đạt tới 50.000 - 55.000 đồng/kg, gấp đôi so với mùa thu hoạch 2016 và là mức giá cao nhất từ trước tới nay.
Sầu riêng tại Lâm Đồng đang có giá cao kỷ lục. Ảnh: Thạch Thảo/Zing
Chính vì giá tại vườn đã tăng cao nên không có gì lạ khi giá sầu riêng tại một số siêu thị, cửa hàng trái cây ở Hà Nội đang được niêm yết với giá từ 70.000 - 90.000, tùy loại. Riêng sầu riêng hạt lép, đạt tiêu chuẩn VietGAP thì giá lên tới 120.000 đồng/kg.
Trò chuyện với Dân Việt, chị Nguyễn Xuân Trang, cư trú tại xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay: "Mấy hôm nay tôi thèm ăn sầu riêng quá, bèn ra cửa hàng thực phẩm sạch ở gần nhà tìm mua thì nhân viên báo giá 110.000 đồng/kg loại sầu hạt lép, cơm vàng đạt chuẩn VietGAP. Bình thường sầu riêng loại nhỏ cũng đã nặng 2-3kg, muốn mua 1 quả đủ cho cả nhà ăn phải chọn quả to, nhiều múi, nặng từ 4-5kg. Tính ra mất tới nửa triệu bạc".
Không chỉ sầu riêng mà các loại bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, cam cũng có giá bán rất cao. Tại ĐBSCL, thương lái bán với giá từ 60.000 - 65.000 đồng/kg đối với bưởi loại I và 50.000 đồng/kg đối với bưởi loại II. Cam xoàn có mức giá 40.000 đồng/kg, cam sành là 35.000 đồng/kg, cam mật 30.000 đồng/kg.
Chôm chôm giống trong nước có giá khoảng 40.000 đồng/kg và 80.000 đồng/kg đối với các giống ngoại nhập của Thái Lan và Indonesia.
Theo các thương lái, nguyên nhân giá các loại trái cây tăng cao là do mới bước vào vụ thu hoạch, sản lượng còn ít. Mặt khác, năm nay sản lượng trái cây cũng bị sụt giảm so với các năm trước do tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn trong năm 2016 khiến nhiều diện tích vườn cây ăn trái ở các tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại nặng; trong đó thiệt hại nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.