Đây là ông vua nổi tiếng nhà Nguyễn được ví như "khắc tinh của tham nhũng", dù là "tham nhũng vặt"

Thứ tư, ngày 05/04/2023 05:01 AM (GMT+7)
Từ những sử liệu đã nêu cho thấy, tệ nạn tham nhũng của công bị vua Minh Mạng nhà Nguyễn trừng trị rất nghiêm khắc, cho dù giá trị kinh tế của tài sản tham ô không lớn. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là lương tâm, trách nhiệm, kỷ cương, phép nước của những người “cầm cân nảy mực”.
Bình luận 0

Minh Mạng là vị vua thứ 2 của triều Nguyễn. Ông là vị vua được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá rất cao, là một ông vua thông minh, tài giỏi, chăm lo việc nước với mong muốn triều đại bền vững, hùng mạnh trên mọi lĩnh vực. 

Sau 20 năm trị vì đất nước, vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính nhằm củng cố quyền lực của chế độ phong kiến Trung ương tập quyền. 

Về mặt kiến thiết, vua Minh Mạng tiến hành cuộc đại trùng tu quy mô ở kinh thành và hoàng thành Huế. Nhiều cung điện, đền đài, miếu được xây dựng mới. Một số cung điện cũ cũng được mở rộng, chỉnh trang, làm gia tăng nhu cầu bài trí nội, ngoại thất các cung điện này.

Bên cạnh đó, vua Minh Mạng luôn ý thức được vị trí và trách nhiệm lịch sử của mình. Ông từng có ý thức tự hoàn thiện tài năng và nhân cách để sẵn sàng gánh vác trọng trách mà vua cha giao phó. 

Trong những ông vua triều Nguyễn, Minh Mạng là người rất chú ý tạo lập một nền cai trị kết hợp giữa lễ trị và pháp trị. Đối với vua Minh Mạng, mọi người, kể cả hoàng thân quốc thích đến thứ dân, binh lính đều bình đẳng trước pháp luật. 

Là một ông vua luôn thưởng, phạt hết sức nghiêm minh cho dù người đó là ai; người nào tham ô của công cho dù người đó làm quan với chức vụ cao đều bị vua Minh Mạng xử lý rất nặng, có khi vượt khỏi cả pháp luật.

Đây là ông vua nổi tiếng nhà Nguyễn được ví như "khắc tinh của tham nhũng", dù là "tham nhũng vặt" - Ảnh 2.

Trong trường hợp này, Minh Mạng thường áp dụng nguyên tắc: “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (Giết một người để muôn người sợ mà tránh). 

Xin kể ra một số án tham ô điển hình. Năm 1822, tại Quảng Đức và Quảng Trị gạo đắt, triều đình cho phát 25 ngàn hộc để bán cho dân. Người lính quản lý kho thóc ở kinh là Đặng Văn Khuê phụ trách phát thóc cho nhân dân, mỗi hộc thóc thiếu vài cáp. 

Vụ việc bị phát giác, vua Minh Mạng giao Bộ Hình tra xét; án xong tâu lên, vua Minh Mạng liền sai chém Khuê.

Năm 1826, Trần Công Trung làm việc ở kho phủ Nội vụ đòi ăn tiền làm khó dễ, chuyện bị phát giác rồi giao cho bộ Hình tra xét. 

Án xong tâu lên, vua Minh Mạng tuyên dụ: Vụ án Đặng Văn Khuê năm 1822 đã theo luật nghiêm trị, thế mà bọn Trung còn dám công nhiên làm bậy, không kiêng sợ gì, tuy tang vật không quá 10 lạng nhưng luật quý ở chỗ làm cho lòng người sợ hãi, nếu nhu nhơ để sống một mạng thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được. Bèn sai chém Trung ở chợ Đông.

Năm 1834, khi quân Xiêm tiến sát tỉnh Hà Tiên, Tuần phủ Hà Tiên Trịnh Đường lấy trộm 1.000 quan tiền công của kho đem xuống thuyền chạy trốn, có nguyên Án sát Đặng Văn Nguyên trông thấy. 

Sau khi tỉnh Hà Tiên thu phục, Trịnh Đường lại tâu tiền ở kho bị giặc lấy mất. Đến khi Tham tán Hồ Văn Khuê phát giác, chỉ đích danh tham tặc và tâu lên, vua Minh Mạng biết chuyện, rất tức giận bèn tuyên dụ: “Trịnh Đường trước đây có lỗi đã được gạt bỏ vết xấu mà lại dung. 

Để Hà Tiên thất thủ, tội đã khó tha thứ, lại còn dám nhân lúc ấy, lấy cắp tiền công đến 1.000 quan vội bỏ thành trì đất đai mà chạy! Bản tâm của y chính là nhằm lợi dụng lúc có giặc cướp để làm việc gian tham đó, thực đáng ghét. Nay lập tức cách chức, cho xích lại, giao Viện tiếp biện là Trần Chấn xét rõ, tâu lên”. Sau khi thành án, Trịnh Đường bị xử tội giảo quyết (thắt cổ cho chết ngay).

Một viên quan trong Nội phủ là Nguyễn Đức Tuyên ăn bớt nhựa thơm. Việc bị phát giác, vua Minh Mạng liền ra chỉ dụ: “Đáng lẽ cho trói đem ra chợ Cửa Đông chém đầu, nhưng lần này tạm chặt một bàn tay thủ phạm đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ, răn chừa. Thế cũng là một cách trừng trị kẻ gian”.

Không kể là người nhà, vua Minh Mạng hạ lệnh bắt giam ngay cha vợ và cử người vào Gia Định tìm hiểu sự việc. Khi sự việc được báo lên vua, số tiền Lý Chính Hầu tham nhũng lên đến 30.000 quan tiền, vua Minh Mạng lệnh xử tử Lý Chính Hầu ở Gia Định, tài sản bị tịch thu để trả lại cho binh lính và dân chúng.

Lời bàn:

Từ những sử liệu đã nêu cho thấy, tệ nạn tham nhũng của công bị vua Minh Mạng trừng trị rất nghiêm khắc, cho dù giá trị kinh tế của tài sản tham ô không lớn. 

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là lương tâm, trách nhiệm, kỷ cương, phép nước của những người “cầm cân nảy mực”. Xét trên bình diện pháp luật, sự quan tâm của vua Minh Mạng với vấn nạn này tỏ ra toàn diện và sâu sắc. 

Vua Minh Mạng dựa vào hệ thống pháp luật để đưa ra những biện pháp trừng phạt, đặc biệt đối với những người phạm tội thuộc hàng quan lại thì càng bị trừng trị nghiêm khắc, có khi nghiêm khắc hơn cả mức phạt đã được pháp luật đặt ra, nhằm gìn giữ kỷ cương, làm gương cho dân chúng.

 Vua Lê Thánh Tông từng khẳng định: Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan, được người giỏi thì nước trị, dùng người xấu thì nước loạn. 

Các bậc đế vương đời trước sở dĩ hưng được nghiệp là nhờ dùng người quân tử, bị mất nước là vì dùng kẻ tiểu nhân. Thấu hiểu điều này và trong suốt thời trị vì của mình, vua Minh Mạng đã rất nghiêm khắc không kể tình thân quyến, bất luận là ai nếu sai phạm cũng đều xử đúng theo luật định. 

Do đó, dưới thời vua Minh Mạng, quan tham không còn đất dụng võ. Đại Nam trở thành quốc gia rộng lớn, hùng mạnh bậc nhất trong khu vực thời bấy giờ. Với ý nghĩa ấy, việc luận cổ suy kim trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng thời xưa cũng đáng để người thời nay suy ngẫm.


N.D (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem