Giá thức ăn chăn nuôi phi mã, TGĐ De Heus Việt Nam dự báo gì?
Giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam dự báo khó hạ nhiệt
Minh Huệ (thực hiện)
Thứ ba, ngày 16/11/2021 06:04 AM (GMT+7)
Tính từ lần tăng giá đầu tiên vào cuối năm 2020, đến nay giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 9 lần và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cả doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi hiện nay.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt, dự báo khó hạ nhiệt
Liên quan đến tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng "nóng" thời gian qua, PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Johan van den Ban - Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia để có thể hiểu rõ hơn.
Là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất trong mảng thị trường độc lập tại Việt Nam, ông có thể cho biết De Heus đã gặp khó khăn như thế nào khi Việt Nam xảy ra đợt dịch Covid-19 thứ 4?
- Dịch Covid-19 xảy ra ở Việt Nam và thế giới đã làm ảnh hưởng nặng nề tới mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, và Công ty De Heus Việt Nam cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Dịch bệnh đã tác động đến thị trường nông sản toàn thế giới: chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc vận chuyển hàng hoá bị ách tắc do tình trạng thiếu container rỗng. Điều này khiến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao.
Từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng bình quân 20 - 30%. Đặc biệt có những loại nguyên liệu chính như ngô tăng giá tới 40%, đậu tương tăng 41%; DDGS (thường gọi là bã rượu khô, là sản phẩm phụ của quá trình chiết xuất etanol từ ngũ cốc lên men) và một số loại phụ gia khác đều tăng giá từ 30-40%.
Điều này khiến chi phí sản xuất 1kg heo hơi hay 1kg thịt gia cầm tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019, 2020. Tuy nhiên đây không phải khó khăn riêng của Việt Nam mà là tình trạng chung của toàn thế giới.
Khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xảy ra, rất nhiều người chăn nuôi Việt Nam bị ảnh hưởng, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Bộ, miền Tây. Do các tỉnh thực hiện phòng chống dịch với các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 nên tình hình tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng lớn. Người chăn nuôi heo, gia cầm và thủy sản lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề vì giá bán rất thấp, khó tiêu thụ.
Các nhà máy của chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn do phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt theo quy định của từng địa phương như: "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến"...
"De Heus vẫn luôn chủ động tìm nguồn nguyên liệu nội địa, thu mua từ các nhà sản xuất trong nước. Chúng tôi đang mua cám gạo, cám mì, bột cá basa, bột cá biển, đường, một phần bắp từ nguồn cung nội địa…
Hiện nay nhà máy của De Heus ở Bình Định đang thu mua rất nhiều bắp của Việt Nam".
-Ông Johan van den Ban-
Đặc biệt, trong tháng 9, nhà máy thức ăn chăn nuôi lớn nhất của De Heus ở Đồng Nai đã phải thực hiện cách ly và đóng cửa ngừng hoạt động trong 14 ngày vì có 1 trường hợp ở nhà máy không may là F0.
Đây là nhà máy lớn nhất, công suất lên đến 600.000 tấn/năm, do đó chúng tôi đã bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Chúng tôi phải lập tức lên phương án chuyển sản xuất sang các nhà máy khác ở Bình Định, Bình Dương, Vĩnh Long để đảm bảo cung cấp và đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ.
Mặc dù De Heus bị thiệt hại rất lớn do phải đóng cửa nhà máy, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao do giá xăng dầu tăng, lưu thông khá khó khăn…, nhưng De Heus chỉ tính các chi phí đó vào phần chi phí sản xuất của công ty, không tính vào giá thành để áp vào giá bán cho người chăn nuôi.
Như vậy năm 2021, De Heus Việt Nam có phải chịu lỗ?
- Sản lượng thức ăn chăn nuôi bán ra của De Heus tính từ tháng 1 – 10/2021 khá ổn định, thậm chí tăng được một chút do thị trường chăn nuôi heo đầu năm rất phát triển. Nhiều người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn, tăng đàn. Sản lượng tiêu thụ thức ăn dành cho heo, thuỷ sản, gia cầm và bò sữa 9 tháng đầu năm nay tăng so với năm trước, ước tính tăng khoảng 10%.
Bên cạnh đó, De Heus cũng đẩy mạnh xuất khẩu thức ăn dành cho cá, tôm sang một số thị trường như Nam Phi, Bangladesh, Ấn Độ, Philippines…
Doanh thu của De Heus đến thời điểm này vì thế tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận không tăng tương đương, thậm chí giảm đi so với cùng kỳ năm 2020 do giá nguyên liệu đầu vào tăng quá cao.
Mặc dù vậy, doanh thu của các công ty thức ăn chăn nuôi cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thị trường cuối năm, đặc biệt là mảng chăn nuôi heo, gia cầm mà chủ yếu là gà trắng.
Với tình hình này, theo ông giá thức ăn chăn nuôi thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào?
- Hiện nay giá xăng dầu thế giới đang ở mức rất cao, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành, lúa mì cũng liên tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đây là những nguyên liệu quan trọng nhất trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Việc chúng ta bị phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập đã khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục tăng "phi mã" trong hơn nửa năm qua.
Hiện tại, Trung Quốc là nước cung cấp rất nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho thị trường thế giới, như các loại khoáng, vitamin… Trong khi hiện nay, chi phí điện ở Trung Quốc tăng rất cao nên nhiều nhà máy đã phải dừng hoạt động, việc này dẫn tới các hoạt động nhập khẩu của khách hàng từ Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy trong thời gian tới, giá một số nguyên liệu quan trọng để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm khó có thể giảm được.
Đến thời điểm này, thị trường thế giới đã mở cửa sau thời gian dài chống chọi với đại dịch Covid-19, song ở Việt Nam chúng ta vẫn chưa bắt kịp. Nhiều loại dịch vụ chưa hoạt động trở lại nên người chăn nuôi heo, gia cầm và thủy sản có lẽ vẫn chưa thoát khỏi thua lỗ.
Điều đáng lo ngại là trong năm 2022 tới đây, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao. Vấn đề này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho người chăn nuôi. Các công ty thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam cũng không tránh khỏi xu thế đó.
"Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn do giá đầu vào tăng cao, giá đầu ra lại thấp, song chúng tôi dự đoán ngành chăn nuôi sẽ sớm hồi phục. Bởi thịt gà, thịt heo là nguồn thực phẩm không thể thiếu với người Việt Nam" - ông Johan van den Ban.
Vậy phía De Heus đã áp dụng những giải pháp gì để kéo giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ người chăn nuôi?
- May mắn là Việt Nam đến thời điểm hiện tại cũng đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh, bắt đầu từng bước mở cửa, khôi phục dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Thị trường nội địa Việt Nam với hơn 100 triệu dân thực sự rất nhiều tiềm năng. Tôi tin rằng nhu cầu tiêu thụ hàng hoá trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng trở lại.
De Heus vẫn luôn chủ động tìm nguồn nguyên liệu nội địa, thu mua từ các nhà sản xuất trong nước. Chúng tôi đang mua cám gạo, cám mì, bột cá basa, bột cá biển, đường, một phần bắp từ nguồn cung nội địa… Hiện nay nhà máy của De Heus ở Bình Định đang thu mua rất nhiều bắp của Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi rất tiếc là sản lượng bắp nội địa hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu mua của chúng tôi. Giá bắp cũng như giá đậu nành nội địa cũng đang cao hơn giá nhập khẩu từ Nga, Mỹ.
Trong bối cảnh Covid-19, De Heus vẫn đang cố gắng ưu tiên sử dụng nguyên liệu nội địa nhằm cắt giảm phần nào chi phí vận chuyển.
Bên cạnh đó, để vượt khủng hoảng do Covid-19 gây ra, chúng tôi đã chủ động tìm kiếm những cơ hội liên kết để xây dựng chu trình sản xuất khép kín theo chuỗi từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chuồng trại đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Việc các doanh nghiệp chăn nuôi liên kết theo mô hình chuỗi như trên có thể san sẻ được rủi ro trong các khâu, tập trung tối ưu hóa năng lực của từng bên để mang lại hiệu quả cao nhất.
De Heus sẽ tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi bằng việc cung cấp những giải pháp dinh dưỡng, nguồn con giống chất lượng cao, sạch bệnh, cùng với những hỗ trợ về kỹ thuật và thiết kế chuồng trại.
Chúng tôi cũng liên kết với một số nhà máy giết mổ lớn để giúp thu mua heo và gia cầm cho người chăn nuôi, giúp họ hạn chế rủi ro khi thị trường biến động, an tâm và mạnh dạn tái đàn, tăng đàn nhiều hơn.
Tôi tin rằng De Heus Việt Nam sẽ luôn sát cánh cùng người chăn nuôi tiến xa hơn đúng với tinh thần và giá trị cốt lõi mà De Heus theo đuổi.
Xin cảm ơn ông!
Cần chiến lược giảm "ăn đong", tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho biết, dù ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam tăng tưởng mỗi năm đều ở mức 2 con số (12 - 15%/năm), nhưng thực tế vẫn phải "ăn đong", phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập. Đó là sự phát triển không bền vững.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, nếu quyết tâm và có giải pháp đồng bộ thì không khó để từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Chính phủ cần có chiến lược tổng thể phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và đặt mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, từng sản phẩm nguyên liệu đi kèm giải pháp về vốn tín dụng ưu đãi, thuế, đất đai, khoa học công nghệ...
Đối với ngành nông nghiệp, ông Sơn kiến nghị: "Có thể chuyển trồng một số giống lúa chất lượng thấp nhưng có năng suất cao để làm thức ăn chăn nuôi. Đưa ngô sinh khối, ngô biến đổi gene vào sản xuất; tận dụng nguồn cám gạo làm nguyên liệu thức ăn. Phải tăng diện tích trồng đỗ tương; ứng dụng công nghệ vào sản xuất bột cá nhạt để phát triển nhóm nguyên liệu giàu đạm trong nước…".
Còn đối với chăn nuôi nông hộ, để giảm chi phí mua thức ăn công nghiệp, bà con có thể tận dụng thức ăn tại chỗ, phế phụ phẩm nghiệp. Tận dụng diện tích để trồng ngô sinh khối hoặc trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi; áp dụng các gói kỹ thuật cân đối khẩu phần thức ăn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.