Giá vàng bất thường, thông điệp "nóng" về quản lý thị trường vàng của Chính phủ
Giá vàng bất thường, thông điệp "nóng" về quản lý thị trường vàng của Chính phủ
PVKT
Thứ hai, ngày 13/06/2022 17:58 PM (GMT+7)
Tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng. Đó là thông điệp được nhắc đến tại Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 vừa được Chính phủ ban hành.
Tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo Nghị định số 24
Theo nội dung của Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng đối với thị trường vàng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh vàng, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan để sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết), báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một nhà băng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với chủ trương chống vàng hóa. Bởi tại thời điểm đó, thị trường vàng gây rất nhiều hệ lụy, bất ổn kinh tế vĩ mô của nền kinh tế.
Đáng chú ý, tại Nghị định này có quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. SCJ là thương hiệu vàng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn.
"Bản chất là thương hiệu vàng miếng SJC đã thuộc về Nhà nước. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Công ty không được phép tự sản xuất vàng miếng SJC", vị này cho hay.
Thực tế là đã 10 năm nay Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng và cũng không sản xuất thêm vàng miếng SJC. Chính sách này đã góp phần vào kết quả Việt Nam có nguồn ngoại tệ dồi dào do xuất siêu và thặng dư thương mại ở mức kỷ lục, dự trữ ngoại hối đã vượt con số 100 tỷ USD.
Cũng theo vị này, thị trường đang lưu hành 1 lượng khá hữu hạn vàng miếng SJC, thực chất chỉ là hoạt động mua bán lại của những người đang giữ vàng miếng SJC được sản xuất từ thời gian trước. Bên cạnh đó, giá vàng miếng thương hiệu SJC dường như không liên quan gì đến giá vàng thế giới và các thương hiệu vàng còn lại ở trong nước, kể cả với vàng nhẫn của chính SJC.
Tuy nhiên, tại phiên chất vấn nữ tư lệnh ngành ngân hàng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, diễn biến không bình thường của giá vàng trong thời gian qua là do "độc quyền".
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP.Hà Nội) nêu: Từ đầu năm 2022 đến nay đã thể hiện thị trường này có rất nhiều điểm bất ổn và bất hợp lý, đặc biệt là chênh lệch quá cao về giá vàng tại Việt Nam với giá vàng trên thị trường thế giới, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng trên một lượng, chênh lệch quá khắc nghiệt giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hoặc với giá vàng miếng của các thương hiệu khác, gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và làm gia tăng lạm phát.
Thậm chí, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) còn cho rằng, Việt Nam là nước duy nhất đi ngược với thế giới là khi nào giá vàng thế giới giảm thì chúng ta lại tăng.
Từ thực tế này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm cho rằng Nghị định 24 của Chính phủ ban hành cách đây 10 năm, lúc đó vàng thế giới chỉ có trên dưới 1.600 ounce, hiện nay hơn 1.800. Thị trường vàng trong nước lúc đó khoảng 30-35 triệu đồng/lượng, tới nay 70 triệu đồng/lượng.
Đại biểu đặt vấn đề, Nghị định 24 của Chính phủ thời điểm đó và thời điểm hiện nay có bất cập hay không?
"Tại sao chúng ta không sửa Nghị định. Tôi nghĩ có nên để cho SJC độc quyền hay không hay Ngân hàng Nhà nước có thể giao một cơ quan, đơn vị hay một tổ chức nào đó in thêm một lượng vàng nào khác nữa để có thể cạnh tranh với SJC để thị trường vàng hạ xuống.
Tôi nghĩ nếu vàng trong nước tăng kiểu này thì tình hình lạm phát có khả năng tăng theo, đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá. Chúng ta nên chấn chỉnh thị trường vàng trong nước để đảm bảo làm sao cho phù hợp với thị trường thế giới", đại biểu này cho hay.
Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, việc SJC là đơn vị duy nhất được lựa chọn sản xuất vàng miếng sẽ tạo ra thế độc quyền cho một thương hiệu. Đây là vấn đề cần tính đến, phải tạo ra sự cạnh tranh, tránh việc dùng những mệnh lệnh hành chính tác động vào thị trường, tránh việc tạo ra một thương hiệu, một sản phẩm vượt trội hơn những sản phẩm, thương hiệu khác.
Khi được hỏi hiện vàng có phải kênh trú ẩn an toàn không, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, đầu tư vàng là bài toán khá nhạy cảm, đòi hỏi người đầu tư phải tính toán chuyên nghiệp.
"Mặc dù vàng là phương tiện tích trữ, nếu có vàng để đấy không bao giờ mất, nhưng bỏ tiền để đầu tư, kiếm lời trên vàng thì rủi ro rất lớn, nhất là với nhà đầu tư không đủ khả năng đánh giá, thẩm định và có những phản ứng kịp thời vì diễn biến giá vàng rất mạnh", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Còn theo vị lãnh đạo ngân hàng trên, thị trường lâu nay "chẳng có mấy ai" còn dùng vàng miếng làm phương tiện thanh toán. Theo quan điểm cá nhân, nếu không phải với mục đích sưu tập, người dân, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ nếu bỏ tiền mua vàng miếng SJC để đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.