Giá vật liệu tăng bất thường, lo nhà thầu xây dựng "bỏ của chạy lấy người"

Trần Kháng Thứ sáu, ngày 29/10/2021 15:45 PM (GMT+7)
Trước tình hình giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, khiến hoạt động xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó, các nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ "vỡ trận".
Bình luận 0

Giá vật liệu tăng phi mã

Tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp cả trong nước và các nước trên thế giới, trong khu vực, trong khi một số vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng được nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong khu vực, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt, tăng giá, kéo dài thời gian nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng…

Trong đó, giá than tăng bình quân từ 7% đến trên 10%. Giá than tăng tạo áp lực lớn cho các công ty sản xuất xi măng bởi xi măng là ngành tiêu thụ nhiều than. Giá than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi măng.

Giá vật liệu tăng bất thường, nhà thầu xây dựng đối mặt khó khăn - Ảnh 1.

Giá thép tăng chóng mặt ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xây dựng. Ảnh: Trần Kháng

Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng các biện pháp tiết giảm tối đa chi phí, tối ưu hóa sản xuất nhưng việc tăng giá nhiều nguyên liệu đầu vào, cộng việc giá than tăng, buộc nhiều doanh nghiệp xi măng điều chỉnh tăng giá bán.

Theo ghi nhận, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 -192.000 đồng/kg tùy từng thương hiệu… Đơn cử, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại miền Bắc tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg. Thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg…

Trước đó, vào đầu năm 2021, thép tăng giá chóng mặt so với năm 2020 khiến các bộ ngành vào cuộc kiểm tra. Sau đó, giá thép và các vật liệu khác có xu hướng giảm nhưng đến nay lại bước vào đợt tăng giá mới trong bối cảnh nhiều công trình xây dựng có nguy cơ trễ tiến độ vì việc tăng giá hàng loạt vật liệu xây dựng vào thời điểm này.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như: Giá thép xây dựng tăng 30-40% (mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường); giá nhựa đường tăng 9-10%; giá xi măng tăng 3-5%...

Nhà thầu đứng trước nguy cơ "vỡ trận"

Theo đánh giá doanh nghiệp, chuyên gia ngành xây dựng, việc tăng giá mạnh của vật liệu xây dựng sẽ ảnh lớn tới hoạt động xây dựng. Với việc giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao, các công ty xây dựng đã gặp nhiều khó khăn trong thi công công trình.

Việc nhận thầu các công trình phải chững lại, thậm chí không dám nhận thầu do nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, khi giá vật liệu tăng cao, tiến độ của các dự án bất động sản chậm lại là dễ hiểu.

Giá vật liệu tăng bất thường, nhà thầu xây dựng khó trụ vững - Ảnh 3.

Công nhân thi công công trình dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 ở Hà Nội. Ảnh: Trần Kháng

Trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp nhận định, hiện nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng.

Thực tế là không chỉ các chủ đầu tư lớn mà ngay các nhà thầu xây dựng cũng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá. Hiện đơn giá xây lắp đang bị đội cao hơn hẳn so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, với sản phẩm bất động sản, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và khách mua nhà phải "gánh".

Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, trong chi phí xây dựng, chi phí vật liệu chiếm khoảng 60%. Do đó, khi giá vật liệu xây dựng tăng, giá bất động sản đương nhiên sẽ tăng theo.

Nói thêm về sự ảnh hưởng của giá vật liệu tăng cao, ông Lê Hoàng Châu cũng cho biết, đối với dự án mà chủ đầu tư giao cho nhà thầu thi công trọn gói thì việc tăng giá vật liệu sẽ tác động trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng. Trường hợp nhà thầu có tâm, họ sẽ chịu lỗ để giữ uy tín thương hiệu. Trường hợp nhà thầu "bỏ của chạy lấy người", chấp nhận phạt hợp đồng thì nhà đầu tư sẽ là người ảnh hưởng trực tiếp.

Bên cạnh đó, nếu trường hợp nhà thầu không có tâm, lựa chọn rút ruột công trình, giảm khối lượng vật tư theo dự toán, thì chất lượng của công trình là thứ bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với uy tín và thương hiệu của chủ đầu tư đi xuống.

Đối với dự án chủ đầu tư tự lo khâu chuẩn bị vật liệu, chỉ giao cho nhà thầu thi công, vật liệu tăng giá sẽ kéo theo giá bán bất động sản tăng. Cuối cùng, người mua nhà là đối tượng phải chịu những chi phí này.

Theo Bộ Xây dựng, nhằm thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương đề nghị: UBND cấp tỉnh chỉ đạo các Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; các cơ quan liên quan đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng, từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng.

Hiện Bộ Xây dựng đang tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem