Giá xăng dầu hôm nay 25/4: Dầu giảm mạnh, sắp mất mốc 100 USD/thùng, xăng trong nước sẽ giảm?

P.V Thứ hai, ngày 25/04/2022 08:34 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 25/4: Giá dầu thô giảm hơn 1% trong phiên giao dịch sáng nay (25/4) sau khi giảm gần 5% trong tuần trước, vì triển vọng tăng trưởng kinh tế suy yếu dấy lên lo ngại nhu cầu nhiên liệu.
Bình luận 0

Giá xăng dầu hôm nay 25/4: Dầu giảm mạnh, sắp mất mốc 100 USD/thùng

Lúc 6 giờ 10 phút ngày 25/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 100,6 USD/thùng, giảm 1,50 USD, tương đương 1,47%. Cùng thời điểm, giá dầu Brent giao tháng 6 được giao dịch ở mức 105,1 USD/thùng, giảm 1,47%, tương đương 1,57 USD.

Giá dầu thô giảm hơn 1% trong phiên giao dịch sáng nay (25/4) sau khi giảm gần 5% trong tuần trước, vì triển vọng tăng trưởng kinh tế suy yếu dấy lên lo ngại nhu cầu nhiên liệu.

Giá xăng dầu hôm nay 25/4: Dầu giảm mạnh, sắp mất mốc 100 USD/thùng, xăng trong nước sẽ giảm? - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 25/4: Dầu giảm mạnh, sắp mất mốc 100 USD/thùng

Giá dầu quay đầu giảm do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo lạm phát cao.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng gần 1 điểm phần trăm do căng thẳng Nga-Ukraine, và cho biết lạm phát hiện là “mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng” với nhiều nước. 

Triển vọng u ám này đã làm gia tăng sức ép lên giá dầu, vốn đang chịu tác động từ đồng USD ở mức cao nhất trong hai năm.

Đồng bạc xanh mạnh hơn làm cho hàng hóa được định giá bằng USD đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này có thể làm giảm nhu cầu.

Đà giảm này diễn ra ngay cả khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, hạ sản lượng trong bối cảnh sản lượng của Nga bắt đầu giảm do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

OPEC+ đã sản xuất dưới mức mục tiêu 1,45 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 3/2022, còn Nga sản xuất ít hơn 300.000 thùng/ngày so với mục tiêu, ở mức 10,018 triệu thùng/ngày.

Thị trường bán ra không nhiều dầu mỏ sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng EU cần phải thận trọng về lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng của Nga vì động thái đó có thể khiến giá dầu tăng đột biến.

Bên cạnh đó các biện pháp phong tỏa nhiêm ngặt tại Trung Quốc liên quan tới dịch Covid-19 đang làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu hàng không trong tháng 4/2022 của Trung Quốc dự kiến sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, khi các thành phố lớn của nước này, bao gồm Thượng Hải, đang bị phong tỏa vì đại dịch.

Theo các chuyên gia nhận định, giá dầu thô không có nhiều động lực để duy trì đà tăng vững mạnh trước các sức ép lạm phát.

Thực tế, thị trường đang giằng co theo 2 hướng khác nhau. Một mặt, tình trạng thiếu hụt nguồn cung gia tăng trong thời gian tới vẫn là yếu tố chính giữ cho giá duy trì trên vùng 100 USD/thùng. Tuy vậy, 2 tháng sau khi cuộc chiến Nga – Ukraine bắt đầu, chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy phía nguồn cung của Nga đã giảm quá mạnh 2-3 triệu thùng/ngày như các dự báo trước đó.

Ngoài ra, mặc dù các tin tức tức tuần trước ngày nào cũng đăng rằng các quốc gia châu Âu đang nghiên cứu lệnh trừng phạt lên ngành dầu khí Nga, tuy nhiên khác với các thời điểm trước, Liên minh châu Âu EU chưa sắp xếp thời gian cụ thể để tiến hành các lệnh trừng phạt mới. Không chỉ thế, khả năng cao nội bộ nhóm cũng sẽ không đạt được sự thống nhất để thông qua các lệnh cấm mới.

Mặt khác, hiện tại khi giá dầu thô duy trì ở mức cao, đã có dấu hiệu cho thấy khoảng giá này có thể cản trở đà tăng của nhu cầu tiêu thụ. Xét về chênh lệch giá giữa Brent và WTI (Brent - WTI spread), tháng 3 khi cuộc chiến của Nga và Ukraine bắt đầu, lo ngại về các biện pháp trả đũa qua lại giữa Nga và châu Âu khiến cho đà tăng của Brent mạnh hơn nhiều và khiến cho spread (chênh lệch) tăng lên trên 10 USD/thùng, tuy nhiên sức khỏe kinh tế châu Âu suy yếu, cho thấy nhu cầu tiêu thụ sụt giảm ở châu Âu là một rủi ro có thật. Hiện tại WTI-Brent spread đã quay trở lại thời điểm trước chiến tranh ở mức gần 2,6 USD/thùng, bất chấp khu vực này vẫn sẽ là nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất trong xung đột Nga – Ukraine.

Giá xăng dầu hôm nay 25/4: Dầu giảm mạnh, sắp mất mốc 100 USD/thùng, xăng trong nước sẽ giảm? - Ảnh 2.

Giá xăng dầu hôm nay 25/4: Dầu giảm mạnh, sắp mất mốc 100 USD/thùng, xăng trong nước sẽ giảm?

Trong nước, từ 15 giờ ngày 21/4, giá xăng trong nước đã tăng mạnh trở lại, với mức từ 663 - 675 đồng/lít, tuỳ loại. Tới đây, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm thì giá xăng dầu trong nước sẽ có cơ hội giảm trong kỳ điều chỉnh giá tới đây.

Giá xăng dầu hôm nay 25/4: Xăng E5RON92 không cao hơn 27.134 đồng/lít (tăng 663 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 858 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 27.992 đồng/lít (tăng 675 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu diesel 0.05S không cao hơn 25.359 đồng/lít (tăng 979 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu hỏa không cao hơn 23.828 đồng/lít (tăng 801 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 21.800 đồng/kg (tăng 871 so với giá bán lẻ hiện hành).

Trước đó, giá của hầu hết các mặt hàng xăng đã giảm. Khi đó xăng E5RON92 giảm 838 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 836 đồng/lít.

Dầu diesel 0.05S giảm 700 đồng/lít; dầu hỏa giảm 737 đồng/lít. Chỉ có dầu mazút 180CST 3.5S là ổn định so với giá bán lẻ tại kỳ điều hành trước.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem