Giảm hay không, 15 ngày mới biết
Tính đến hết tháng 11.2014, đã có gần 60 hãng taxi đăng ký giảm giá với Sở Tài chính Hà Nội với mức giảm trung bình chỉ từ 4 - 9%, tương ứng từ 500 - 1.000 đồng/km. Tại TP.HCM, có 7 hãng taxi giảm giá với mức là 500 đồng/km, chỉ chiếm hơn 3% trên tổng mức giá. Theo ông Tạ Long Hỷ-Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, mức giảm này phù hợp với chỉ đạo được Bộ Tài chính đưa ra.
Như vậy, kể từ đợt giảm giá xăng dầu hôm 6.12 đến việc giảm mạnh giá xăng dầu hơn 2.000 đồng/lít (xăng RON A92) hôm qua, hầu hết các doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định cũng như taxi vẫn chưa có phương án giảm giá tiếp, dù cho đây là mong đợi của rất nhiều người tiêu dùng khi năm hết Tết đến.
Các hãng vận tải cho biết, vẫn đang tính toán chứ chưa có phương án giảm giá tiếp…
Bến xe Miền Đông là một ví dụ, giá xăng dầu giảm 11 lần nhưng hơn 70 doanh nghiệp vận tải ở đây mới chỉ đăng ký giảm giá một lần với mức 5-10%. Đối với lần giảm giá xăng hôm qua, lãnh đạo bến xe này cho biết, sau khi các doanh nghiệp tính toán chi phí, lợi nhuận, báo cáo Sở Công thương mới có mức giảm cụ thể sau 15 ngày.
Không chỉ các đơn vị vận tải, các doanh nghiệp taxi cũng cho biết, vẫn đang tính toán chi phí và sẽ thông báo giảm cước tiếp khi có mức giá cụ thể. Có thể thấy, giá xăng dầu giảm mạnh đã không tác động nhiều tới việc giảm giá lĩnh vực vận tải.
Mức giảm sâu nhất của các hãng taxi cũng chỉ khoảng trên dưới 1.000 đồng/km tùy từng loại xe. Còn đợt giảm giá xăng lần này, chưa công ty taxi nào đưa ra hướng giảm giá mới. Nhiều doanh nghiệp vận tải, taxi khi được hỏi còn thẳng thừng từ chối trả lời báo chí. Hiệp hội ô tô Việt Nam cũng mới chỉ “hứa” cơ quan này sẽ đôn đốc các doanh nghiệp hội viên giảm giá cước vận tải, đảm bảo một mặt bằng giá có lợi cho người tiêu dùng.
Vẫn loay hoay chế tài…
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên đã nhiều lần lý giải với báo chí rằng, các doanh nghiệp vận tải hiện phải gánh chi phí đầu vào rất cao. Giá điện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giá nước... đều tăng đã tác động nhiều đến giá cước vận tải. Thêm vào đó, các quy định mới bổ sung về tăng thu Quỹ Bảo trì đường bộ, phát sinh việc thu phí qua các trạm thu phí BOT, cộng với việc siết chặt hoạt động vận tải của các cơ quan chức năng... nên không ít doanh nghiệp chưa điều chỉnh giá cước giảm.
Đầu tháng 12, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đưa cước vận tải vào diện bình ổn giá cũng chả ích gì cho người tiêu dùng.
Theo pháp luật hiện hành, Nhà nước vẫn có cơ chế để kiểm soát giá cước vận tải ô tô thông qua hình thức kê khai giá, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo mức giá cước phù hợp với thị trường chứ không cứ phải là hàng bình ổn giá mới thực hiện.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, hiện chúng ta vẫn chưa có chế tài mạnh buộc doanh nghiệp vận tải phải giảm giá phù hợp. Việc giảm thế nào là phù hợp cũng chưa ai đưa ra công thức tính cụ thể. “Không chỉ ra được các chi phí đầu vào hợp lý để buộc các doanh nghiệp vận tải phải vận hành theo đúng cơ chế giá thì câu chuyện giá cả giảm cho người tiêu dùng sẽ khó” - ông Thành nói.
Bà Lê Thị Lai - Trưởng phòng Quản lý giá (Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính) cho biết, dù giá cước vận tải được thực hiện theo cơ chế thị trường, không phải mặt hàng áp giá trần, nhưng theo quy định của Luật Giá, khi cần thiết, cơ quan nhà nước vẫn cần kiểm tra, đôn đốc giảm giá để đảm bảo quyền lợi ba bên giữa doanh nghiệp - Nhà nước - người tiêu dùng. Qua đó, nếu thấy đầu vào giảm, mà đầu ra vẫn cao, thì đoàn kiểm tra có thể căn cứ vào Luật Giá, đề nghị Sở Tài chính, Sở GTVT nơi doanh nghiệp kê khai giá yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh lại giá cước.
Tới đây, Bộ Tài chính sẽ chủ trì cuộc họp về kê khai giá cước của các doanh nghiệp vận tải tại cả ba khu vực Bắc - Trung - Nam để đánh giá việc thực hiện quản lý giá cước trong thời gian qua.
Bà Phan Thị Thu Hiền-Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết: Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính sẽ thành lập các đoàn kiểm tra giá cước tại các địa phương để đôn đốc các doanh nghiệp vận tải thực hiện nhanh việc giảm giá.
Nghị định 177 ban hành năm 2013 đã quy định bắt buộc kê khai giá cước taxi và tuyến cố định, các hình thức vận tải khác do Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét bổ sung vào danh mục kê khai. Tuy nhiên, khảo sát tại các tỉnh cho thấy, hầu hết các địa phương chưa thực hiện quản lý giá cước vận tải hàng hóa, hợp đồng, du lịch, trong khi giá cước hàng hóa ảnh hưởng lớn đến giá thành hàng hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.