Ông Thu cho biết, với tổng diện tích vườn hơn 40ha, ông xây dựng trang trại theo mô hình VAC, trong đó trồng 30.000 cây gỗ quý; hơn 20ha hồ tiêu dưới tán rừng; 3ha ao hồ nuôi cá, 1.000m2 chuồng nuôi giun quế.
Với cây tiêu, ông hướng đến đạt tiêu chí chất lượng sinh thái, chứ không chỉ dừng ở tăng năng suất, chất lượng. Nghĩa là hạt tiêu được trồng, thu hái hoàn toàn tự nhiên, không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ...
“Việc dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu có thể sẽ giúp vườn tiêu có năng suất cao nhưng sẽ không lâu dài. Phân hóa học tồn dư trong đất sẽ khiến đất đai cằn cỗi, cây trồng nhanh thoái hóa”, ông Thu nói.
Siêu nông dân Đinh Xuân Thu bên vườn tiêu sinh thái. Ảnh: D.H
Những nỗ lực này đã được đền đáp khi năm 2014, vườn tiêu của ông Thu đạt tiêu chuẩn sạch sinh thái (tiêu chuẩn FDA của Mỹ); năm 2015 đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Để có đầu ra ổn định, ông Thu tự đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ về quy trình trồng tiêu sinh thái và liên kết với các doanh nghiệp như Công ty Sơn Hà Spice (Mỹ), Ned Spice (Hà Lan)...
Nhờ đó, mỗi năm ông có giá trị tăng thêm từ sản phẩm tiêu hơn 500 triệu đồng. Thời điểm tiêu được giá, mỗi năm ông Thu lãi hơn 3 tỷ đồng từ 6ha tiêu kinh doanh. Ngay cả lúc hồ tiêu rớt giá, ông vẫn lãi cao hơn nhiều so với các nông dân khác.
Có vườn tiêu nhỏ hơn, anh Trần Quang Sơn (thôn 1, xã Nam Yang, Đắk Đoa, Gia Lai) vẫn tạo ra thu nhập “khủng” cho mình. Chỉ với 2.000 trụ tiêu sạch, nhưng anh Sơn lãi ròng trên 1 tỷ đồng/năm nhờ tự sáng chế ra máy sấy tiêu. Mỗi máy giá chỉ khoảng 5 triệu đồng nhưng hiệu quả “siêu” cao.
Anh Sơn tiết lộ: “Hạt tiêu sau khi được phơi sấy tỉ mỉ, đóng gói thường có giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để bán được giá đó, người sản xuất phải bỏ ra không ít công sức. Từ khi tôi sáng chế ra máy sấy hồ tiêu, sản phẩm của gia đình được xử lý tốt, chất lượng, màu sắc, mùi vị của hạt tiêu hấp dẫn nên giá bán cao hơn nhiều lần trước đây. Nếu bà con nông dân có nhu cầu, tôi sẵn sàng chia sẻ”, anh Sơn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.