Giấc mơ bên sông Hoàng Phố

Chủ nhật, ngày 20/02/2011 07:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đứng bên sông Hoàng Phố, tôi ước ao dòng sông này phải ôm lấy một thành phố hiện đại bậc nhất, nhưng không phải là TP.Thượng Hải của Trung Quốc, mà phải là một thành phố nào đó trên đất nước mình...
Bình luận 0

Niềm kiêu hãnh

Nhưng trong giấc mơ về một dòng sông đầy kiêu hãnh, không phải chỉ là một dòng sông đỏ nặng phù sa như sông Hồng, không phải dịu dàng như dòng Hương Giang thơ mộng, và càng không phải đêm ngày rộn ràng như con sông Sài Gòn... Nó phải tôn thêm vẻ đẹp lộng lẫy của một thành phố hiện đại, nhưng lại chất chứa trong lòng sự mềm mại nên thơ, trầm lắng trong dòng thời gian của đời người như con sông Hoàng Phố.

img
Tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu và những kiến trúc hiện đại bên bờ sông Hoàng Phố

Nếu so sánh một cách hời hợt thì sẽ thấy ở Trung Quốc có sông Hoàng Phố, như một dải lụa mềm chia TP. Thượng Hải - một biểu tượng cho sự phát triển kinh tế thần kỳ của Trung Quốc, thành hai bờ đông - tây; còn ở Việt Nam cũng có con sông Sài Gòn, chia TP.HCM - trung tâm kinh tế hàng đầu của VN, thành hai bờ tương tự. Bờ phía đông của sông Hoàng Phố là khu phố hiện đại bậc nhất của châu Á. Ở đó, cơ man nào là cao ốc chọc trời, có cái cao 101 tầng, điển hình nhất là tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu, đứng thứ ba thế giới về chiều cao... Nó khác xa với vùng Thủ Thiêm, vẫn còn hoang sơ bên bờ đông con sông Sài Gòn.

Còn ở phía tây của sông Hoàng Phố là khu đô thị cổ, với đa phần những kiến trúc cổ xưa vẫn được lưu giữ. Trong khi đó, phía bờ tây sông Sài Gòn đã và đang hiện diện khá nhiều cao ốc hiện đại. Ở đó, có tòa tháp Bitexco Financial Tower hình búp sen cao 262m, với 68 tầng vừa hoàn thành, có kiến trúc na ná tòa tháp trung tâm tài chính TP.Thượng Hải, bên bờ đông của con sông Hoàng Phố vậy. Không lâu nữa, con sông Sài Gòn sẽ là niềm kiêu hãnh trong lòng một thành phố hiện đại, để giấc mơ của tôi bên bờ sông Hoàng Phố sẽ là hiện thực rất gần, và nó trở thành một sự so sánh rất đỗi bình thường trong đời người.

Dòng sông của sự phồn thịnh

Từ khi ông Tập Cận Bình về làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, tất cả các cao ốc từ cũ đến mới phải được chiếu sáng bằng đèn để phục vụ du khách. Dễ hiểu vì sao Thượng Hải nổi tiếng với biệt danh "thành phố không ngủ"...

Tôi đã từng một lần dạo chơi trên sông Sài Gòn về đêm, khi thuê một con đò nhỏ chèo ra giữa lòng sông để ngắm cảnh ồn ào, tấp nập của một thành phố đang chuyển mình phát triển. Thật buồn là dường như con sông Sài Gòn đã “đứng ngoài cuộc chơi”, hoàn toàn không mang một vẻ đẹp mà ít ra cũng ở khía cạnh du lịch, để mang lại lợi ích kinh tế cho thành phố. Còn sông Hoàng Phố lại mang thêm trong mình một sứ mệnh, đem lại nguồn thu cho chính quyền TP. Thượng Hải ở góc độ du lịch.

Đêm đêm, hàng nghìn khách du lịch xếp hàng “rồng rắn” trước bến Thượng Hải để được một lần dạo chơi du thuyền trên dòng sông này, ngắm Thượng Hải lộng lẫy trong ánh đèn vàng thao thức. Sông Hoàng Phố đã là một cái tên nổi tiếng và đi vào thi ca như bến Thượng Hải, với bài hát quen thuộc cùng tên.

Người Trung Quốc tự hào với câu nói: “Muốn biết Trung Hoa 5 nghìn năm, hãy lên Tây Tạng, 2.000 năm thì qua Bắc Kinh, 30 năm ghé đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, còn 100 năm thì đến Thượng Hải”. Tôi cũng bỏ ra 100 nhân dân tệ mua vé đi thuyền rồng, để được đứng giữa dòng sông Hoàng Phố nhìn ngắm Thượng Hải về đêm. Trong điệu nhạc du dương, sông Hoàng Phố yên tĩnh đến trầm mặc lạ lùng. Hàng chục tòa nhà cao tầng bao bọc lấy con sông, nhưng dòng sông vẫn mang vẻ đẹp lộng lẫy, lung linh, bừng lên trong ánh sáng rực trời. Các cao ốc sáng rực vì được chiếu sáng bằng đèn điện. Sự thao thức đến rạo rực này đã làm bén duyên biết bao cuộc tình bên vẻ đẹp dịu dàng, thơ mộng của sông Hoàng Phố.

img
Phóng viên Võ Đúc Phúc tại Thượng Hải.

Ao ước trong tầm tay?

Giữa giấc mơ của mình, tôi cũng cảm thấy nuối tiếc vì sao ngành du lịch của ta không làm được như Thượng Hải và nhiều thành phố, nhiều nước trên thế giới, trong khi tiềm năng du lịch sông có thể mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho đất nước.

Như con sông Sài Gòn chẳng hạn, nếu được đầu tư tốt để phát triển du lịch bằng thuyền rồng, khách du lịch không có được cảm giác của vẻ đẹp trầm lắng và thơ mộng như sông Hoàng Phố ở Thượng Hải, nhưng chí ít cũng có thể ngắm nhìn sự vội vã chuyển mình phát triển của một thành phố hiện đại về đêm.

Sông Hoàng Phố còn có thêm đặc trưng khá thuận tiện trong hoạt động giao thông và giao dịch kinh tế, vì nó có tới 9 đường hầm dưới đáy sông và 4 chiếc cầu treo nối liền hai bờ. Vì thế, Chính phủ Trung Quốc đã chọn khu vực hai bên bờ sông Hoàng Phố (rộng hơn 5,3km2), đầu tư 5,3 tỷ USD xây dựng các công trình và hoạt động phục vụ cho Shangzhai World Expo 2010, kéo dài trong 6 tháng (kết thúc cuối tháng 10.2010).

Đứng trên 2 cây cầu Nam Phố và Lư Phố khá nổi tiếng nối liền hai bờ sông Hoàng Phố, tôi nhớ đến “ngôi nhà tre” pavilion Việt Nam tham gia World Expo 2010, mà trước đó tôi có dịp viếng thăm, để rồi chạnh lòng khi nghĩ đến một giấc mơ thứ hai gửi gắm bên dòng Hoàng Phố. Khu nhà tre theo ý tưởng thiết kế một “dòng sông tre” uốn lượn bên bờ sông Hoàng Phố, của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa rộng chừng 1.000m2 là một trong số 200 "ngôi nhà" của các nước tham gia tại Shangzhai World Expo 2010, chỉ có ý nghĩa góp phần tăng thêm doanh số nửa triệu USD/ngày từ hội chợ cho Chính phủ Trung Quốc và làm tăng thêm nỗi buồn trong tôi, về một giấc mơ nữa bên dòng sông Hoàng Phố khó có thể trở thành hiện thực.

Đây là dịp để các nước trưng bày những thành tựu kinh tế - xã hội của mình, trong khi "ngôi nhà tre" Việt Nam chỉ giới thiệu chủ đề “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, và trưng bày với chủ đề đô thị hóa ở Việt Nam - những vấn đề của đô thị... Còn thành tựu về khoa học, con người và sự phát triển kinh tế thì rất nhạt. “Ngôi nhà” của các nước khác, như Thái Lan chẳng hạn, tôi phải mất từ 3-5 giờ đồng hồ xếp hàng “rồng rắn” mới vào được, trong khi "ngôi nhà tre" của Việt Nam không hề thấy cảnh du khách xếp hàng. Thỉnh thoảng, vài du khách tạt ngang chút xíu rồi đi... Thật tiếc cho một dịp tốt để thế giới biết về đất nước và con người Việt Nam...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem