Tu-144 là đối thủ của Concorde, nhưng chương trình này đã sớm thất bại, để lại giấc mơ dang dở của Liên Xô về một dòng máy bay siêu thanh chở khách. Ảnh: AFP/Getty Images
Khi chiếc máy bay siêu thanh Liên Xô Tu-144, được kỳ vọng là đối thủ của Concorde, xuất hiện lần đầu tiên trước thế giới tại Triển lãm Hàng không Paris năm 1971, mọi người đều vô cùng ấn tượng. Trong cuộc chạy đua nóng bỏng phát triển một mẫu máy bay chở khách siêu thanh, chính Liên Xô mới là bên khởi đầu thuận lợi.
Tổng thống Pháp khi đó George Pompidou đã gạt chủ nghĩa dân tộc sang một bên, gọi chiếc Tu-144 là “một chiếc máy bay tuyệt đẹp”. Các nhà sản xuất Concorde cũng thừa nhận rằng máy bay của Liên Xô "yên tĩnh và gọn gàng hơn”.
Tupolev Tu-144 trông rất giống với đối thủ do Anh-Pháp chế tạo, mang lại cho nó biệt danh "Concordski", nhưng chiếc máy bay này có phần kỳ lạ và bí ẩn hơn. Nó ra đời trong bối cảnh hồ sơ của Liên Xô trong ngành hàng không vũ trụ thực sự đáng nể: cùng năm 1971, Moskva đã tiến hành thành công cuộc hạ cánh đầu tiên trên sao Hỏa và phóng trạm vũ trụ đầu tiên lên quỹ đạo Trái đất. Liên Xô dường như đang ở vị trí hoàn hảo để đánh bại phương Tây trong hoạt động vận tải hành khách siêu thanh.
Nhưng thay vào đó, do một loạt rủi ro và sai sót, "Concorski" đã sớm trở thành một trong những thất bại lớn nhất của ngành hàng không dân dụng thế giới.
Động cơ máy bay gặp trục trặc, khiến một chiếc Tu-144 phải bung dù để hạ cánh. Ảnh: Getty Images
Cuộc đua bay siêu thanh
Mặc dù chiếc Concorde của Pháp - Anh đã giành được một vị trí huy hoàng trong lịch sử, chiếc Tu-144 ít nổi danh hơn trên thực tế đã đánh bại đối thủ châu Âu trên bầu trời tới hai lần: Máy bay chở khách siêu thanh Liên Xô đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 31/12/1968, hai tháng trước chuyến bay tương tự của Concorde, và sau đó lại giành danh hiệu chuyến bay siêu thanh đầu tiên trên thế giới vào tháng 6/1969, vượt trước đối thủ tới 4 tháng.
Đó là những chiến thắng không hề nhỏ. Người Mỹ đã tự rời khỏi cuộc đua siêu thanh (khi Quốc hội Mỹ hủy bỏ tài trợ cho một dự án tương tự của Boeing vào năm 1971), trong khi chương trình này vẫn là một vấn đề danh dự với Liên Xô.
Mọi nỗ lực đã được thực hiện để vượt qua Concorde. “Quá trình phát triển máy bay đã khởi đầu một cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống chính trị”, ông Ilya Griberg, cựu chuyên gia hàng không, Giáo sư kỹ thuật của Liên Xô tại Đại học Buffalo State (Mỹ), cho biết.
“Kỳ vọng rất lớn. Toàn thể Liên Xô đã vô cùng tự hào về Tu-144, và người dân Xô-viết không nghi ngờ gì rằng nó tốt hơn so với Concorde. Và nó rất đẹp!”.
Chiếc Tu-144 nguyên mẫu tại sân bay Sheremetyevo ở Moskva vào năm 1969. Chiếc máy bay này dài 65 mét, sải cánh 28,6 mét, có thể đạt vận tốc 2.400km/h. Ảnh: Getty Images
Cả hai chiếc máy bay đều đi trước thời đại, vì khi đó hàng không dân dụng chỉ mới chuyển từ máy bay động cơ turbin cánh quạt sang máy bay phản lực. Chiếc Tupolev lớn hơn một chút và nhanh hơn so với Concorde, nhưng điểm đặc biệt nhất của nó là một cặp “cánh vịt” (cánh phụ) ngay sau buồng lái, giúp nâng đỡ tốt hơn và cải thiện khả năng cơ động ở tốc độ thấp.
Vụ tai nạn trên bầu trời Paris
Sau màn ra mắt ấn tượng tại sự kiện lớn nhất ngành hàng không vào năm 1971, Tu-144 tiếp tục gây chú ý một lần nữa vào năm 1973, nhưng lần này là do một bi kịch chứ không phải chiến thắng.
Năm đó các đối thủ lại một lần nữa đối mặt. Đầu tiên, chiếc Concorde hoàn thành cuộc ra mắt mà không gặp trở ngại nào. Nhưng đại diện của Liên Xô thì lại lựa chọn thể hiện một màn trình diễn táo bạo hơn rất nhiều, với những cú ngoặt chết người. Bất ngờ chiếc Tu-144 bị vỡ giữa không trung và rơi xuống ngôi làng Goussainville, giết chết 6 người trên máy bay và 8 người ở mặt đất.
Mảnh vỡ của chiếc máy bay siêu thanh Nga gặp nạn tại Paris năm 1973. Ảnh: AFP/Getty Images
Một thuyết âm mưu kỳ quặc được đưa ra: Chiếc Tupolev đã gặp nạn khi tránh va chạm với máy bay chiến đấu Mirage của Pháp khi đó đang tìm cách chụp ảnh nó. Tuy nhiên Giáo sư Grinberg đã bác bỏ điều này: "Mirage không liên quan gì đến vụ tai nạn đó. Nguyên nhân thực sự, là màn cơ động mạnh mẽ của Tu-144 đã vượt quá giới hạn căng thẳng cho phép".
Các cảnh quay vụ tai nạn cho thấy chiếc Tupolev lao đi với mũi chúi xuống, được cho là nhằm kích hoạt lại các động cơ sau khi chúng đã bốc cháy. Dưới áp lực quá lớn, đôi cánh máy bay đã vỡ rời ra.
“Cá phi công đã cố gắng gây ấn tượng với công chúng và truyền thông thế giới, để chứng tỏ rằng máy bay Liên Xô ‘gợi cảm’ hơn so với màn trình diễn ‘bảo thủ’ của Concorde”, ông Grinberg nhận xét.
Vòng đời ngắn ngủi, với 55 chuyến bay
Vụ tai nạn đó đã khởi đầu một vòng xoáy đi xuống, mà từ đó chương trình Tu-144 không bao giờ hồi phục được. Sự cố tại Paris đã làm trì hoãn chương trình của Liên Xô trong 4 năm, cho phép Concorde đi vào hoạt động thương mại trước. Nhưng thảm kịch vẫn không hoàn toàn thuyết phục được người Liên Xô rằng chiếc máy bay cần được thử nghiệm nhiều thêm.
“Dù thế nào, các ưu tiên chính trị về vượt qua phương Tây rõ ràng đã đóng một vai trò tiêu cực, vì họ đã ủng hộ viêc gấp rút lên lịch trình thích hợp trong một lĩnh vực phức tạp và đầy thách thức”, giáo sư Grinberg bình luận.
Một chiếc Tu-144 của Nga tại Triển lãm hàng không MAKS 2009. Ảnh: AFP/Getty Images
Khi chiếc Tu-144 cuối cùng đi vào chở khách năm 1977, hóa ra chiếc máy bay lại chật chội, lộn xộn và ồn ào không thể chịu nổi, khác hẳn Concorde. Nó chỉ có thể duy trì được tốc độ siêu thanh khi sử dụng động cơ đốt sau, như máy bay phản lực. “Tu-144 không dành cho những người có thính giác nhạy cảm”, ông Jonathan Glancey viết trong cuốn sách “Concorde”.
Các phi công đã sử dụng Tu-144 để phục vụ những tuyến đường bay chỉ 2 tiếng đồng hồ chứ không phải giữa Moskva và Alma Ata (nay là Almaty), khi đó là thủ đô của Kazakhstan, vì tuyến này bay qua những khu vực dân cư thưa thớt hơn. Tuy nhiên, các chuyến bay hàng tuần hầu hết bị trống một nửa, cuối cùng Tu-144 chuyển sang vận chuyển bưu chính và hàng hóa thay vì hành khách. Rồi dịch vụ này cũng bị dừng lại sau 6 tháng.
Hành khách trên một chuyến bay Tu-144. Ảnh: Getty Images
Trong vòng đời ngắn ngủi chỉ với 55 chuyến bay, những chiếc Tu-144 đã trải qua hàng trăm sự cố, đa số là ngay trên chuyến bay, từ việc giảm áp, hỏng động cơ cho đến báo động ầm ĩ mà không thể tắt. Nhiều câu chuyện đã lan truyền về những rắc rối kỳ quặc với chiếc máy bay, trong đó có việc hành khách phải giao tiếp với nhau bằng chữ viết vì những tiếng ồn điếc tai. Đáng chú ý hơn, mỗi chuyến bay từ Moskva chỉ có thể khởi hành sau khi chiếc máy bay được trực tiếp kiểm tra bởi đích thân nhà thiết kế Alexei Tupolev!
Dấu chấm hết của một kỷ nguyên
Khi chương trình Tu-144 đang trên đường đi đến kết thúc thì lại một vụ tai nạn nghiêm trọng khác xảy ra. Ngày 23/5/1978, một chiếc máy bay đã bốc cháy gần Moskva và phải hạ cánh khẩn cấp, khiến hai kỹ sư chuyến bay thiệt mạng. Mặc dù vụ tai nạn đã dẫn đến lệnh cấm hoàn toàn Tu-144 chở khách, lý do thực sự về sự sụp đổ của dòng máy bay này lại nằm ở chỗ khác.
Cặp "cánh vịt" của một chiếc Tu-144, được cho là giúp tăng khả năng nâng đỡ. Ảnh: AFP/Getty Images
“Đó là việc các nhà lãnh đạo Liên Xô mất hứng thú với chương trình Tu-144. Họ đã chịu đựng đủ những cơn đau đầu liên quan đến chương trình phức tạp này. Không có sự khuyến khích kinh tế thực sự nào cho việc sử dụng Tu-144 trên thị trường nội địa Liên Xô”, ông Grinberg nói.
Trong vài năm tiếp theo, chiếc máy bay lặng lẽ nghỉ hưu và việc sản xuất máy bay mới bị dừng lại. Toàn bộ chương trình Tu-144 dừng hẳn vào năm 1984. Tổng cộng chỉ có 17 chiếc Tu-144 được sản xuất bao gồm cả nguyên mẫu. Hầu hết những phi cơ này bị đập bỏ, một số ít được trưng bày trong các bảo tàng hàng không ở Nga và Đức.
Tuy vậy, đến tận năm 1999 chuyến bay cuối cùng của Tu-144 mới diễn ra, nhờ Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nhà tài trợ cho chương trình nghiên cứu chung kéo dài 3 năm giữa Mỹ và Nga về chuyến bay siêu thanh. Đó là chiếc Tu-144 cuối cùng được chế tạo, chỉ mới trải qua 82 giờ bay. Nó đã bay được 27 lần gần Moskva trước khi chương trình này bị hủy bỏ vì thiếu kinh phí.
Chiếc Tupolev Tu-144 bay gần Moskva trong chương trình nghiên cứu do NASA tài trợ. Ảnh: NASA
Một chiếc Tu-144 được trưng bày tại sân bay quốc tế của Moskva năm 1968. Ảnh: Bettmann Archive
Hãng Tupolev đã nhanh chóng mày mò ý tưởng về một dòng máy bay kế nhiệm, được gọi là Tu-244, nhưng chưa bao giờ thực sự chế tạo được nó. Trong khi đó, chiếc Concorde của Pháp – Anh cũng đã bay lần cuối vào năm 2003, chấm dứt thời kỳ suy tàn kể từ sau vụ tai nạn chết người duy nhất vào năm 2000, khiến 13 người chết gần Paris, không xa nơi chiếc Tu-144 đầu tiên bị rơi vào năm 1973.
Kể từ đó, nhiều máy bay siêu thanh khác đã được đề xuất, nhưng không có chiếc nào được đưa vào sản xuất.
Thu Hằng (Báo tin tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.