Giải Cánh diều vẫn thuần tuý... hành chính

Thứ ba, ngày 16/03/2010 08:41 AM (GMT+7)
NTNN - Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng giải thưởng Cánh diều phải thúc đẩy điện ảnh theo hướng gắn với thị trường...
Bình luận 0

img

- “Chơi vơi” đoạt khá nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế nhưng có thể nói đã “thất bại” tại Cánh diều vàng 2009. Anh có suy nghĩ gì về ban giám khảo và cách chấm giải phim truyện nhựa năm nay?

 - Về bộ phim “Chơi vơi” ở giải Cánh diều vàng năm nay thì tôi xin được phép không đề cập đến, không muốn bình luận gì thêm. Tôi chỉ muốn nói chung về  những tiêu chí chấm giải thưởng điện ảnh ở ta. Đấy là một vấn đề cần đề cập đến trong việc khuyến khích sáng tác.

Hãy nhận ra rằng quan trọng nhất là thị trường giải trí và giải thưởng phải gắn chặt với thị trường giải trí. Ở các nước khác, giải thưởng là để định giá tác phẩm và tác giả, giải thưởng do thị trường đặt ra với những tiêu chí của nó. Anh muốn bán phim? Anh phải có thương hiệu, phải có tất cả các chiêu thức liên hệ với công chúng nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường...

- Vậy ở ta thì sao?

- Các giải thưởng của ta vẫn thuần túy hành chính và chính trị. Sự đánh giá nhiều lúc chưa được chuẩn xác. Hay nói cách khác, mục đích chấm giải còn hơi mơ hồ. Nếu có mục đích rõ ràng để phát triển thị trường thì mọi thứ rất sáng sủa. Và nó có những cái giá cụ thể.

Một người làm phim khi được giải thì anh ấy sẽ được công chúng quan tâm ở mức độ bao nhiêu điểm. Và sau đó thì lòng tin của anh đối với nhà đầu tư đạt bao nhiêu điểm... Những yếu tố đó gắn bó chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, mình thì vẫn ở trong giai đoạn giữa cái nọ cái kia.

Dù sao thì giải thưởng Cánh diều vàng 2009 đã thay đổi rất nhiều so với những năm trước đây. Và nó sẽ còn phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, khi mà thị trường giải trí hình thành.

- Anh có nghĩ đến một ngày những người thuộc vào đội ngũ "thực hành tích cực" như anh ngồi vào ghế chấm giải? Lúc đó anh sẽ...

- Tôi nếu chấm giải mà không có một tiêu chí chung thì tôi cũng không làm gì được cả. Vì sự hay dở tùy thuộc ở mỗi người. Người này thích phim này, người kia thích phim kia. Do đó chúng ta không thể tranh cãi với nhau về hay và dở, mà tranh cãi là hiệu quả của cái giải ấy nó thúc đẩy thị trường điện ảnh đến đâu.

 

Không có nhiều khán giả bỏ tiền ra mua vé nuôi các nghệ sĩ và làm ra tác phẩm mới thì không thể nào có điện ảnh. Không có nhà nước nào có thể tài trợ miễn phí cho điện ảnh.        

 

Anh cảm nhận gì về Ngày Điện ảnh đầu tiên (15-3)?

- Đó là một niềm vui khi các nhà lãnh đạo tạo điều kiện cho các nghệ sĩ có được một ngày để tôn vinh nghề nghiệp, tôn vinh điện ảnh VN. Đương nhiên, ngày này nên phải gắn liền với sự phát triển của điện ảnh. Thiết thực nhất là làm sao hỗ trợ cho thị trường giải trí. Chỉ có điều đó mới giải quyết tốt được sự phát triển của điện ảnh. Không có nhiều khán giả bỏ tiền ra mua vé nuôi các nghệ sĩ và làm ra tác phẩm mới thì không thể nào có điện ảnh. Không có nhà nước nào có thể tài trợ miễn phí cho điện ảnh.

- Vậy anh và các nghệ sĩ sẽ mong đợi gì khi tham dự Ngày Điện ảnh?

- Tôi muốn ngày này phải là dịp mà tất cả những người làm điện ảnh cùng họp lại, đưa ra kiến nghị về chính sách đối với nhà nước để bảo vệ nền điện ảnh trong nước. Một điều rất nguy hiểm là chỉ một, hai năm nữa thôi, khi chúng ta thực hiện đầy đủ các cam kết với WTO, thì cánh cửa hội nhập sẽ mở toang, và khi đó tôi sợ rằng điện ảnh VN sẽ không thể “thi đấu” được và không thể tồn tại.

Như vậy, phải lên tiếng kiến nghị và phải hướng điện ảnh gắn với sự phát triển của thị trường, quan trọng là thị trường! Anh muốn nó tồn tại, muốn nó phát triển mạnh mẽ thì phải có thị trường.

- Xin cảm ơn anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem