Giải cứu 30.000 tấn đường tồn kho: Chỉ mua "hớt ngọn" không ăn thua

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 23/02/2018 16:45 PM (GMT+7)
Mặc dù tỉnh Hậu Giang kêu gọi mua “giải cứu” 30.000 tấn đường tồn kho cho một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại cho rằng tự lo được, chỉ mong địa phương nhanh chóng có cơ chế chính sách mới, vực dậy ngành mía đường trong thời gian tới trước sự xâm nhập của đường Thái Lan.
Bình luận 0

Liên quan đến thông tin ngành chức năng tỉnh Hậu Giang phải kêu gọi mua “giải cứu” 30.000 tấn đường tồn kho của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Công ty Casuco), phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Vinh – Chủ tịch HĐQT của công ty trên.

img

Bên trong dây chuyền sản xuất của Công ty Casuco

Ông Vinh cho hay, phía công ty không yêu cầu và không cần địa phương phải giải cứu 30.000 tấn đường tồn kho. Bởi số lượng này chỉ là một phần nhỏ của của vấn đề. Hơn nữa, việc vận động mua “giải cứu” cũng khó thực hiện được bởi khoảng 20.000 công chức, viên chức ở Hậu Giang, nếu mỗi người mua 5kg đường thì chỉ có thể giải quyết được 100 tấn thôi, trong khi đó mỗi ngày công ty sản xuất ra khoảng 600 tấn đường.

Ông Vinh nhấn mạnh, vấn đề phía công ty và người dân cần nhất trong thời điểm này là địa phương có cơ chế chính sách làm sao để vực dậy ngành mía đường trong thời gian tới. Trong đó, cụ thể là tìm mọi cách hạ chi phí sản xuất mía (quy hoạch cụ thể vùng trồng theo quy mô lớn, đồn điền đổi thửa, tạo điều kiện về giao thông, giảm giá điện, thay đổi giống mía mới, đầu tư cơ giới hoá,…). Những vấn đề này phía công ty đã có văn bản báo cáo đề xuất, kiến nghị cụ thể với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.

img

Mía nguyên liệu ở Hậu Giang được vận chuyển đến Công ty Casuco

“Chi phí sản xuất mía của người dân rất cao còn ở Thái Lan – nước có lượng đường xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới có chi phí sản xuất rất thấp. Tôi không nhớ chi phí sản xuất mía bên đó cụ thể là bao nhiêu nhưng giá mía người dân bán ra chỉ từ 800 – 1.000 đồng/kg mía, tức chi phí sản xuất phải thấp hơn con số này” – ông Vinh phân tích.

Ông Vinh nói thêm: “Do phải mua giá mía nguyên liệu cao để người dân có lời, gắn bó lâu dài với cây mía, doanh nghiệp phải mua với giá cao, từ đó đã đẩy giá thành sản xuất đường lên cao hơn của Thái Lan từ 2.000- 3.000 đồng/kg đường. Điều này lý giải tại sao đường Thái Lan tràn sang Việt Nam nhưng vẫn bán với giá rẻ hơn”.

Khi phóng viên hỏi, dư luận cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến giá thành sản xuất đường của công ty cao là vì sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Ông Vinh bác thông tin trên và cho rằng: “Công ty liên tục nhập, nâng cấp các trang thiết bị, công nghệ hiện đại từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc,…phục vụ trong quá trình sản xuất đường. Vì thế, công ty có thể sản xuất được đa dạng sản phẩm có chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu, đáp ứng khắt khe các tiêu chuẩn của ngành chế biến thực phẩm cao cấp, dược phẩm…Nếu nói thua thì chỉ thua ở công suất thấp, bình quân chỉ bằng 1/6 của Thái Lan”.

Người đứng đầu Công ty Casuco nhấn mạnh, nếu ngành chức năng tỉnh Hậu Giang quan tâm, mạnh dạn thực hiện các kiến nghị đề xuất trên thì tới đây mới hy vọng cứu được ngành mía đường của địa phương. Nếu không có chuyển đổi lớn, theo quy luật cạnh tranh thị trường thế giới, giá thu mua mía nguyên liệu trong dân bắt buộc phải giảm dần, hoạt động của công ty có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem