Hai vấn đề nhức đầu nhất của doanh nghiệp (DN) là: bị kiểm tra thanh tra và môi trường kinh doanh không lành mạnh, không công bằng. Bị kiểm tra thành ách nạn lớn đến nỗi là giải pháp giảm chi phí cho DN. Nặng nề thế khiến ta ngậm ngùi nghĩ lại chuyện cạnh tranh. DN nói giảm phí là phải tự mình cải tiến quản trị, tổ chức lại toàn bộ chuỗi cung ứng, hay tiến hành liên kết để cùng share chi phí. Thực tế đau lòng nhưng rất hay là đã lạnh lẽo phơi bày. Sao lại là chuyện của Chính phủ. Tức là chúng ta đang cạnh tranh ở vị trí âm. Tức là không phải từ vị trí số 0 mà là từ một vị trí…âm. Phải xoá đi một khâu cản ngại thay vì hỗ trợ cộng thêm những giải pháp mới.
Chi phí ban ngành?
Tổng giám đốc một công ty Hàng Việt Nam chất lượng cao nói với giọng bình thản, không phải chỉ có thuế phí và phí bảo hiểm cao, mà năng nhất là chi phí ban ngành. Tôi không thấy anh nhăn nhó, rên rỉ mà giọng anh thật bình thản. Chi phí này giờ khá hiển nhiên, đã được DN đưa vào tổng phí, không kêu ca nữa, hay thấy kêu ca cũng khó mà thay đổi nữa. Và giá thành sản phẩm sẽ tăng lên, sức cạnh tranh của sản phẩm bị kéo xuống. Một con số: DN làm ra 100 đồng lợi nhuận thì phải chi 10% cho phí bôi trơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giãn thời gian thanh tra cho doanh nghiệp.
DN thường phải chịu bốn cấp kiểm tra, về hàng dọc: trung ương, tỉnh thành phố, quận huyện và phường xã. Báo Tuổi Trẻ ngày 22.5.2017 đăng một con số mà Thanh tra thành phố công bố: từ kế hoạch kiểm tra của 17 sở, ngành, tổng số DN tại TP.HCM dự kiến bị kiểm tra thanh tra là 28.418. Đặc biệt và… ngạc nhiên chưa, có một thông tin lạ: tổng cục Thuế gửi văn bản đến các cục thuế một con số là CHỈ TIÊU thanh tra, kiểm tra thuế DN là 18% số DN đang hoạt động, nhằm chống thất thu ngân sách. Số lượt thanh kiểm tra mà được đặt ra thành chỉ tiêu, mà đã có chỉ tiêu thì phải bằng mọi cách đạt được, thì Chính phủ cố gắng giảm số lượng kiểm tra thanh tra, là vô tình làm cho ngành thuế bị vỡ chỉ tiêu.
Làm gì để giải cứu doanh nghiệp?
Với bốn cấp (dọc) và hàng chục ngành, lãnh vực (ngang) hợp lực chỉ kiểm tra DN, có DN nói với tôi: cũng đã đủ hình thành một hệ sinh thái kiểm tra đó chứ.
Cuộc gặp 2.000 DN của Thủ tướng Chính phủ mới đây, đã thẳng thừng nhìn nhận ách nạn lớn của DN đến nỗi Thủ tướng muốn gọi năm 2017 là năm giảm phí cho DN. Tôi càng ấn tượng về quyết tâm của hệ thống quản lý khi viện trưởng viện Kiểm sát tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh: chúng ta phải gia tăng việc thanh tra, giám sát việc làm khó cho DN của các cơ quan quản lý. Phải có quyền hạn kiểm tra để ngăn chận sự “phát triển” kiểm tra đến vô tận, các nhà quản lý đã đến lúc thấy cần như vậy.
Nhưng chính ông Lê Minh Trí cũng nhìn nhận ngay: Lệnh như vậy nhưng việc thực thi lại sẽ chậm, chưa đều. Những người làm ăn nhìn bảng số của thị trường chứng khoán, nhìn bảng giá của sản phẩm trong siêu thị thay đổi mỗi ngày, và cả bảng giá của các nhà cung ứng thi nhau nhảy múa rồi nhìn qua sự chậm trễ thay đổi của các cơ quan quản lý, chủ thể của các dạng kiểm thanh tra mà ngao ngán. Bên cạnh sự gia tăng nhanh và không ngừng con số các cuộc kiểm tra thì việc xử lý các khó khăn, thậm chí đưa các luật liên quan kinh doanh vào thực thi cũng rất chậm.
Từ khi luật ra đời đến khi được thực hiện và đi vào cuộc sống là cả một chặng đường quá gập ghềnh chậm trễ. Một DN dược kể với chúng tôi, luật Dược đã ra đời từ hai năm qua, nhưng còn cần hai nghị quyết, 44 thông tư mới thực hiện được. Và thời gian chờ đợi chính là lúc DN phải… chạy. Tức là kế hoạch thực thi hoàn toàn không chạy theo kịp xu thế và nhu cầu của DN, thị trường.
Chung quanh việc sửa nghị định 109 về xuất khẩu gạo, tác giả Tư Giang của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tính ra để thay đổi một văn bản dưới luật gây hại hàng ngày như vậy, thường phải cần tới năm năm. Đến nỗi một DN chế biến xuất khẩu gạo nói với tôi, thì họ cứ giữ nguyên 109 đi, cuối cùng những nhà xuất khẩu bị làm khó sẽ chuyển nghề khác, chỉ còn lại những người nông dân đứng khóc trên cánh đồng, không hiểu vì sao mình cố gắng hết sức đuổi theo tiêu chuẩn an toàn sạch không ngừng, mà gạo vẫn không bán được vì không xuất được. Câu chuyện kiểm tra DN đâu phải mới nghe nói? Có thể đã hơn năm năm rồi.
Buổi chiều muộn tại Hà Nội ngày 22.5.2017, được gặp nguyên bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hỏi anh về cách gì giảm nhũng nhiễu, giảm phí một cách bền vững cho DN Việt Nam? Anh nói, phải thay đổi căn gốc là cách ta nhìn DN. DN là ai, họ là gì trong nền kinh tế này? Họ là đối tượng để “kiếm tiền” chăng? Nếu không thay đổi cách nghĩ, cách nhìn đó thì ngăn chặn mãi không xong.
Tham dự cuộc này người phấn chấn, người tràn trề hy vọng, người trầm ngâm, và cũng có những tiếng thở dài. Kinh tế thế giới đang thay đổi khá kỳ lạ trong những ngày này. Một vành đai một con đường, luật Hiện đại hoá an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế thương mại Việt Nam, đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới. Có biết bao vấn đề nóng bỏng khắp các lãnh vực, nhưng mọi người chỉ có đủ thời gian tập trung vào vấn đề giảm phí, giảm nhũng nhiễu, tức là tự “giải cứu” mình.
Làm sao cạnh tranh khi người ta bàn chuyện tăng thêm sức trong khi chúng ta còn đang gian nan tháo gỡ những dây trói, rào cản? Cần nhìn thấy tổng thể bức tranh này trong cạnh tranh của DN Việt chúng ta với DN trong khu vực ASEAN, chứ chưa dám nói tới DN các nước phát triển.
Kim Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.