Giải cứu sông Tô Lịch: Từ "vàng son" đến "bức tử" và những nỗ lực bất thành? (Bài 2)

Gia Khiêm - Việt Phương Thứ tư, ngày 29/05/2024 13:02 PM (GMT+7)
Từng là biểu tượng của Kinh thành Thăng Long trước khi bị bức tử, Hà Nội đã nhiều lần tiến hành "giải cứu" sông Tô Lịch nhưng kết quả vẫn quay lại vạch xuất phát. Vì sao vậy?
Bình luận 0

Giải cứu sông Tô Lịch: Từ "vàng son" đến "bức tử" và những nỗ lực bất thành? (Bài 2)- Ảnh 1.

Dự án xử lý nước thải Yên Xá được kỳ vọng sẽ là giải pháp "tẩy đen" cho sông Tô Lịch. Ảnh: Gia Khiêm.

Từ lịch sử 2000 năm "vàng son", sông Tô Lịch đã bị "bức tử" như thế nào?

Là người dày công nghiên cứu về sông Tô Lịch, nguồn gốc lịch sử, nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, con sông này mang ý nghĩa lớn lao cho Hà Nội, bởi Tô Lịch không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của kinh thành Thăng Long xưa.

Hồi sinh sông Tô Lịch: Từ

Sông Tô Lịch là "dải lụa đen" xuyên suốt thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Niệm.

Theo sử sách chép lại, sông Tô Lịch xưa dài 30km, bề ngang rất rộng và là hệ thống giao thông đường thủy quan trọng từ phía Đông vào thành Thăng Long. Dân gian miêu tả: "Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền em sát thuyền anh/ Dừng chèo muốn ngỏ tâm tình/ Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu".

"Điểm cốt yếu tạo ra sức sống và vẻ đẹp của sông Tô Lịch chính là nằm ở 2 cửa thông với sông Nhị Hà. Hai cửa sông này như hai huyệt đạo quyết định đến sự tồn vong của dòng sông. Cửa thứ nhất ở khu vực phố Chợ Gạo ngày nay. Theo thực địa thì vào năm 1889, thực dân Pháp với chính sách lục địa hóa, đồng bằng hóa, mở rộng Hà Nội đã cho lấp đoạn đầu nguồn này của sông Tô Lịch. Từ đó mới xuất hiện phố Chợ Gạo. Có tên Chợ Gạo là bởi vì, nó là chỗ để người ta thuyền bè ngược xuôi buôn gạo ở ngay cửa sông Tô.

Hồi sinh sông Tô Lịch: Từ

Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, qua những biểu hiện lâm sàng của sông Tô Lịch hiện nay, dòng sông này đang chết vì bị bịt hết các cửa ra vào. Ảnh: NC.

Từ phố Chợ Gạo, dòng Tô thông sang phố Nguyễn Siêu ngày nay. Sông Tô lúc bấy giờ rộng lớn mênh mang, vừa là nơi thuyền bè tập kết buôn bán nhưng đồng thời cũng là nơi ngân nga những tiếng giảng bài, đọc thơ của các danh sĩ đến đây ngâm vịnh. Đặc biệt là danh sĩ Nguyễn Siêu, người xây đền Ngọc Sơn, người để lại bút tích Tả Thanh Thiên ở Tháp Bút, chính là ông ấy đấy. Ở số nhà 12 phố Nguyễn Siêu ngày xưa là trường Phương Đình của Nguyễn Văn Siêu", nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ.

Hồi sinh sông Tô Lịch: Từ

Theo Nhà sử học Lê Văn Lan, dòng Tô Lịch đang bị "đầu độc". Ảnh: VN.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, thời kỳ này có một ngôi làng điển hình của Hà Nội dựa vào dòng sông Tô mà hình thành và phát triển. Đó là làng Láng, gắn với di tích Chùa Láng và nghề trồng húng Láng nổi danh.

"Người dân làng Láng thuần nông chuyên múc nước sông Tô tưới rau trên đồng dưới bãi. Đêm trăng sáng, lấy một gàu nước mà hắt xuống thế này. Lênh láng! Là Láng đấy. Dồi dào và trong sáng. Tên làng đặt cũng từ vẻ đẹp của dòng sông là thế.

Cho đến thế kỷ 16 - 17 - 18, nước sông Tô vẫn vừa trong vừa mát. Tô Lịch lúc bấy giờ vẫn giữ được hệ thống luồng to lạch lớn. Chỉ khi người Pháp chiếm được thành Hà Nội, chính thức bắt tay vào quá trình khai thác thuộc địa tại Việt Nam, sông Tô Lịch mới bắt đầu bị bức tử", nhà sử học Lê Văn Lan cho hay.

GS Lan cũng cho biết, qua những biểu hiện lâm sàng của sông Tô Lịch hiện nay, dòng sông này đang chết vì bị bịt hết các cửa ra vào. Cửa ra vào chính là Giang Khẩu ở chợ Gạo, cửa phụ là Hồ Khẩu ở Bưởi. Đã bị cắt nguồn cấp nước vào ra tự nhiên, Tô Lịch lại còn bị "đầu độc" mỗi ngày một khủng khiếp bởi hàng trăm cống thoát nước thải. Do đó, rất cần các cơ quan chức năng coi việc "cứu" sông Tô Lịch là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này.

Chia sẻ với PV Dân Việt, PGS.TS Hà Đình Đức, một người đã dành nhiều năm nghiên cứu sông hồ ở Hà Nội cho rằng, sông Tô Lịch là một sông cổ của tứ giác nước Thăng Long. Để làm con sông này "sống lại" thì việc đầu tiên phải xử lý triệt để nước thải, sau đó phải tạo thành một dòng chảy. Còn nếu không thì cuối cùng con sông này cũng sẽ "chết".

Hồi sinh sông Tô Lịch: Từ

Sông Tô Lịch bất ngờ "trong vắt". Ảnh: PV.

Nhà sử học Dương Trung Quốc còn bổ sung thêm: "Sông Tô Lịch không chỉ là vấn đề môi trường, bởi nếu tiếp cận về mặt tâm linh, sông Tô Lịch từ xa xưa có vị thế rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thăng Long Hà Nội xưa, nó đã từng được coi là vị Thành Hoàng", ông Quốc nói.

Hồi sinh sông Tô Lịch: Từ

PGS.TS Hà Đình Đức, một người đã dành nhiều năm nghiên cứu sông hồ ở Hà Nội. Ảnh Gia Khiêm.

Hà Nội từng 3 lần "đại tu" sông Tô Lịch

Mỗi ngày, sông Tô Lịch phải gánh chịu hơn 150.000m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ hơn 300 cống xả lớn nhỏ, khiến toàn bộ dòng sông biến thành một "cống lộ thiên" bốc mùi hôi thối.

Những năm 2000, Hà Nội đã tiến hành dự án nạo vét và kè hai bờ sông Tô Lịch để làm sạch và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm. Dự án này đã tạo ra một chút hy vọng vào năm 2008, khi một trận lụt lịch sử đã làm cho sông Tô Lịch "hồi sinh" tạm thời với dòng chảy mạnh mẽ và nước trong vắt. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, tình trạng ô nhiễm lại quay trở lại như cũ.

Lấy "cảm hứng" từ hiệu quả tạm thời của trận lụt, vào năm 2009, thành phố đã đề xuất một dự án bơm nước từ sông Hồng vào Hồ Tây, và sau đó đổ sang sông Tô Lịch để tạo dòng chảy liên tục. Dù vậy, dự án này đã không thể triển khai do không khả thi và gặp nhiều vướng mắc.

Giải cứu sông Tô Lịch: Từ "vàng son" đến "bức tử" và những nỗ lực bất thành? (Bài 2)- Ảnh 7.

Công ty Thoát nước Hà Nội từng nhiều lần lên kế hoạch xả nước Hồ Tây để làm sạch sông Tô Lịch. Ảnh: Thành An.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 7/2019, sau những cơn mưa lớn, sông Tô Lịch đã bất ngờ nhận được 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây, giúp giảm hẳn mùi hôi thối và thay đổi màu nước. Công ty Thoát nước Hà Nội sau đó đã tổ chức một buổi tọa đàm để thu thập ý kiến về việc xây dựng đề án bổ cập nước từ sông Hồng vào hồ Tây và tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, với dự kiến đầu tư 150 tỷ đồng để xây dựng trạm bơm. Theo kế hoạch, thời gian xây dựng trạm bơm có công suất cấp nước 156.000 m3/ngày đêm khoảng nửa năm là hoàn thành. Sau đó, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.

Trong năm 2019, Hà Nội cũng đã thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C. Sau khi thử nghiệm, dựa trên kết quả phân tích, Hà Nội lựa chọn phương pháp công nghệ phù hợp và hiệu quả nhất để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

Giải cứu sông Tô Lịch: Từ "vàng son" đến "bức tử" và những nỗ lực bất thành? (Bài 2)- Ảnh 8.

Khu vực thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C. Ảnh: Thành An.

Đáng chú ý, sau gần một tháng thí điểm, Công ty Thoát nước Hà Nội đã báo cáo với các cấp chính quyền thành phố về những kết quả ban đầu tích cực. Nước sông Tô Lịch được xử lý bằng công nghệ Redoxy-3C đã có chuyển biến đáng kể, giảm ô nhiễm và mùi hôi khó chịu.

Thời điểm đó, người dân sống trong khu vực hai bờ sông rất kỳ vọng sông Tô Lịch sẽ được "hồi sinh" nhờ công nghệ mới này. Nhưng rồi, sau quá trình đánh giá ban đầu, phương án này chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm và chưa được nhân rộng.

Bên cạnh đó, vào tháng 6/2019, một đoạn sông Tô Lịch dài hơn 200m đã được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản, với hy vọng phân hủy hoàn toàn lớp bùn đáy sông mà không cần nạo vét. Công nghệ này đã cho thấy hiệu quả giảm mùi hôi và giảm độ dày bùn. Cuối cùng phương án này cũng dừng lại ở khâu thử nghiệm.

Giải cứu sông Tô Lịch: Từ "vàng son" đến "bức tử" và những nỗ lực bất thành? (Bài 2)- Ảnh 9.

Khu vực thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản Nano-Bioreactor. Ảnh: Thành An.

Trăn trở về "số phận" sông Tô Lịch

Có thể thấy, Hà Nội đã nhiều lần tiến hành "giải cứu" sông Tô Lịch, tuy nhiên kết quả vẫn quay lại vạch xuất phát. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính ở giải pháp chưa đồng bộ và phù hợp.

Để cải thiện môi trường sông Tô Lịch đạt hiệu quả như mong đợi, cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, hệ thống cống thu gom hiệu quả, xử lý môi trường đáy sông và bổ cập nước để tạo dòng chảy tự nhiên. Đồng thời, việc cải tạo cảnh quan bờ kè sông Tô Lịch cũng được xem là một yếu tố quan trọng để khôi phục lại vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông.

Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam khẳng định : "Vấn đề giải quyết ô nhiễm dòng sông ở khu đô thị rất phức tạp, phức tạp vô cùng, đòi hỏi các giải pháp rất tổng thể. Chúng ta đã để sông Tô Lịch ô nhiễm quá lâu. Việc cải tạo không đồng bộ, không hoàn chỉnh, không giải quyết triệt để nên vẫn tồn tại ô nhiễm. Vì vậy để tách nước thải trước khi xả thải xuống các dòng sông đô thị không riêng gì sông Tô Lịch mà còn các sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét, sông Nhuệ… nếu làm được đòi hỏi đầu tư rất lớn, kiên quyết, có kế hoạch và sự quyết tâm cao độ mới làm được".

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng khẳng định với PV Dân Việt: Sông Tô Lịch gắn liền với những truyền thuyết xa xưa, là một phần không thể thiếu trong lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô. Mặc dù việc quy hoạch và bảo tồn sông Tô Lịch đã được quan tâm từ rất sớm. Tuy nhiên, những nỗ lực trong quá khứ vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi do nhiều yếu tố khách quan.

Hiện nay, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đều có đề cập tới việc khai thác, bảo vệ môi trường dòng chảy các sông chảy qua Hà Nội. Như vậy, đã có 2 quy hoạch nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc này. Đó là cơ sở pháp lý vững chắc để tái khởi động và đột phá trong việc khai thác, bảo vệ và phát huy giá trị của dòng sông lịch sử này.

(Còn nữa).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem