Đó là kết luận chung được đưa ra tại buổi sơ kết 4 tháng thực hiện truy xuất nguồn gốc heo, chiều ngày 5.5.
Việc thực hiện đeo vòng truy xuất để nhập heo còn nhiều khó khăn và chưa đồng bộ ở các tỉnh. Ảnh Nguyên Vỹ
Báo cáo với UBND TP.HCM, Sở Công thương cho rằng do qua nhiều trung gian, cộng thêm cơ sở chăn nuôi chưa quen sử dụng các công cụ truy xuất nên tiêu thụ khó khăn hơn nhiều các kênh phân phối hiện đại như doanh nghiệp, cửa hàng…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc sở Công thương cho biết heo đưa về Thành phố chỉ mới 50% đảm bảo đủ thông tin truy xuất, chủ yếu là từ trang trại khép kín, trại quy mô lớn hoặc từ các doanh nghiệp FDI.
Việc thực hiện truy xuất dễ tiến hành với các chương trình nuôi theo chuẩn Vietgap, Lifsap. Việc phối hợp với các tỉnh nên vận động có trọng điểm thay vì triển khai tràn lan trong nông dân.
“Khi giới hạn đối tượng, thương lái sẽ chủ động tìm tới trại. Việc này giúp đạt 2 mục đích: đảm bảo chất lượng sản phẩm và thúc đẩy chăn nuôi phát triển lành mạnh. Tất nhiên có hạn chế là hộ nhỏ lẻ không đáp ứng được, chỉ bán ngay tại địa phương mình”, ông Hòa nói.
Nhiều địa phương cho rằng đã thực hiện đầy đủ việc kiểm dịch nhưng quy định đeo vòng truy xuất mới được vào thị trường TP.HCM làm hạn chế việc kích cầu tiêu dùng. Ảnh Nguyên Vỹ
Trên cơ sở đó, Sở Công thương đề xuất TP.HCM chấp thuận chủ trương đeo vòng cho heo được triển khai thực hiện đồng loạt, dự kiến vào đầu tháng 6. Tiếp theo đó là thực hiện với trứng và thịt gia cầm.
Nhưng bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc sở NNPTNT TP.HCM cho rằng nên giãn cách thời gian áp dụng đồng loạt vì tỷ lệ hộ tham gia còn thấp, cách triển khi qua nhiều thao tác; thực hiện lại không liên tục.
Đồng tình quan điểm, đại diện Chi Cục Thú y Thành phố cho biết từ tháng 4, heo từ Long An nhập về chợ đầu mối Bình Điền chỉ mới 8 – 9 % có đeo vòng, và chỉ đeo vòng mang tính đối phó. Việc xử lý chỉ nhắc nhở, chưa phạt hành chính được vì chưa có chế tài.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá kết quả thực hiện dù chưa đạt nhưng vẫn phải kiên trì vì vì lợi ích chung của xã hội: “Tuy nhiên vì hoàn cảnh chung nên phải hài hòa, xem xét lại thời hạn áp dụng sao cho hợp lý”.
Vòng truy suất cũng phải tiếp tục cải tiến chất lượng từ hình thức đến công nghệ. Ảnh Nguyên Vỹ
Trên cơ sở đó, ông Tuyến chỉ đạo các sở ngành tiếp tục có kế hoạch cụ thể để đề án duy trì liên tục, đồng bộ; tiếp tục nghiên cứu cải tiến hiệu qủa vòng truy suất; tích cực kiểm tra an toàn thực phẩm; hai chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn có kế hoạch tăng tỷ lệ heo đeo vòng vào chợ, sở Công thương nên làm việc với các nhà mạng Vietttel, VNPT hỗ trợ internet để các tỉnh thực hiện truy suất.
Tính đến nay, đề án có 1.131 cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia, trong đó nhiều nhất là Đồng Nai 424. Nhưng trong số này chỉ có 123 cơ sở (chiếm 11%) thực hiện đeo vòng nhận diện. Hộ chăn nuôi, tổ hợp chiếm 35% số lượng cơ sở nhưng chỉ cung cấp 7% số lượng heo. Doanh nghiệp FDI chiếm 25% số cơ sở nhưng cung cấp 51% số lượng heo.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.