Giải mã chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin

Thứ tư, ngày 21/05/2014 06:32 AM (GMT+7)
“Nga- Trung sẽ cố gắng thúc đẩy quan hệ đầu tư, sẽ ủng hộ nhau về mặt chính trị, trong đó có những sự kiện khá tương đồng mà hai bên đang tiến hành”.
Bình luận 0
PGS-TS Nguyễn An Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu chia sẻ.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang dậy sóng. Dưới góc nhìn của chuyên gia, liệu có thỏa thuận nào về Biển Đông trong chuyến đi này hay không?

PGS-TS Nguyễn An Hà  - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu
PGS-TS Nguyễn An Hà  - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu

- Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin đã được sắp xếp từ lâu, liên quan đến sự điều chỉnh và một trong những mấu chốt là tình hình Ukraine mà hai bên sẽ có những thảo luận tại Hội đồng Bảo an LHQ. Có 3 vấn đề nổi lên trong chuyến thăm này:

Thứ nhất, về tình hình Ukraine, có thể giữa Nga - Trung không có sự ủng hộ ra mặt, nhưng sẽ có những tín hiệu bật đèn xanh như trong vấn đề Ukraine. Trong đó chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ việc Nga ra thông báo rất chậm về vấn đề Biển Đông có liên quan gì đến việc ủng hộ qua lại giữa Nga và Trung Quốc hay không.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Nga Putin.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Nga Putin.

Thứ hai là về khuôn khổ hợp tác kinh tế. Khi Mỹ tập trung vào việc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì cả Nga và Trung Quốc đều không tham gia nên hai bên sẽ thúc đẩy những dự án hợp tác về kinh tế riêng.

Ở đây, Trung Quốc là công xưởng sản xuất của thế giới, Nga là nguồn cung cấp nguyên liệu của thế giới, nên chắc chắn sẽ có sự hợp tác chặt chẽ về kinh tế để đối trọng với TPP của Mỹ. Đặc biệt, hiện nay Mỹ và EU đang có những biện pháp trừng phạt Nga rất mạnh về mặt kinh tế, dầu lửa và khí đốt, nên Nga phải tìm đường tiêu thụ và Trung Quốc là thị trường màu mỡ cho ngành công nghiệp khí đốt của Nga.

Thứ ba, trong khuôn khổ hợp tác chung giữa Nga- Trung Quốc có cuộc tập trận chung ở biển Hoa Đông, nên Nga cần phải tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

Về phía Việt Nam, bản thân chúng ta phải có những quan sát thận trọng hơn. Với Nga, chúng ta có quan hệ đối tác toàn diện, với Trung Quốc là đối tác chiến lược nhưng lại đang có những bước trỗi dậy nguy hiểm, đặc biệt là cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông như kiểu một đế quốc mới.

Tôi nghĩ, trong chuyến đi này, Nga- Trung cố gắng thúc đẩy quan hệ đầu tư, sẽ ủng hộ nhau về chính trị, có những sự kiện khá tương đồng mà hai bên đang tiến hành.

Dư luận đang rất chờ đợi sẽ có một tuyên bố, hay phát ngôn rõ ràng của Tổng thống Putin về quan điểm của Nga đối với vấn đề Biển Đông, cụ thể ở đây là việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam?

- Rất có thể, hai bên sẽ ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu về Nga, tôi thấy rằng, quan điểm của Nga là muốn giải quyết các vấn đề song phương và họ luôn khuyên chúng ta như vậy. Tuy nhiên, tình hình trên Biển Đông như hiện nay không thể giải quyết song phương được, dứt khoát chúng ta phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, của khu vực.

Rất khó để dự đoán được động thái của Nga. Cũng có thể Nga sẽ “lờ đi” vấn đề này, hoặc cũng sẽ tuyên bố kiểu chung chung như kêu gọi “kiềm chế, giải pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế...”.

Nhưng theo đánh giá của tôi, với tính cách của người Nga, một là họ nói, nói mạnh, chứ không nói theo kiểu chung chung, hai là họ lờ đi không nói gì.

Khi thế giới trở nên thịnh vượng hơn, thì khát vọng đa cực lại trỗi dậy. Với sự liên kết giữa Nga- Trung như hiện nay có ảnh hưởng đến kế hoạch xoay trục của Mỹ, hay tạo ra thế lực mới hay không?

- Như chúng ta thấy, việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của Nga vừa qua là sự kiện quan trọng, cho thấy Nga đang tỏ ra là mình vươn lên. Việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam, cũng cho thấy rằng Trung Quốc cũng đang muốn vượt lên.

Tuy nhiên, cách hành xử trong thế giới đa cực đó cũng là một vấn đề, liệu có làm tổn hại đến các nước láng giềng, tổn hại đến tình hữu nghị anh em hay không? Đó là một câu hỏi lớn khiến thế giới lo ngại. Tuy rằng, thế giới đa cực này có thể có nhiều cái tốt cho những nước nhỏ hơn, nhưng với cách hành xử như vừa rồi của Trung Quốc thì bản thân Trung Quốc và Nga cũng phải xem xét lại. Dù là thế giới có đa cực, nhưng chúng ta có những cơ chế luật pháp quốc tế, là nước nhỏ hay nước lớn đều phải tuân theo luật.

Cho đến nay, Nga không bày tỏ sự rõ ràng có ủng hộ Trung Quốc hay không trong vấn đề Biển Đông, nhưng thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga đã không đề cập trực tiếp đến hành động của Trung Quốc trong thềm lục địa của Việt Nam. Liệu động thái đó có phải là một trong những nhân tố cho Trung Quốc dựa vào để trở nên hung hăng và ngang ngược hơn hay không?

- Với tình hình hiện nay, chúng ta có thể nhận định rằng, trong lúc tính toán bài toán lợi ích của mình, Nga đang rất cần đến lá phiếu trắng của Trung Quốc và điều này đã diễn ra. Còn phía Trung Quốc thì cũng cảm nhận được rằng đây là thời điểm tốt để thử, hoặc có thể là làm thật “giấc mộng Trung Hoa”, trỗi dậy một cách mãnh liệt, không theo con đường hòa bình.

Có thể Nga sẽ phải bằng cách này, hoặc cách khác ủng hộ Trung Quốc, hoặc không nói gì cũng là một cách ủng hộ. Về nguyên tắc, những quan điểm không rõ ràng sẽ không mang lại lợi ích cho khu vực. Đối với nước lớn, khi không có thái độ nghiêm túc trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thì có thể có lợi cho nhau, nhưng không có lợi cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

>> XEM THÊM: Cách ký tên ủng hộ kiến nghị trừng phạt Trung Quốc trên website Nhà Trắng

>> Báo Nga: “Việt Nam là đồng minh truyền thống của chúng tôi”
Đăng Thúy (thực hiện) (Đăng Thúy (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem