Giải mã lý do Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long quyết thoái vốn mảng nội thất?
Giải mã lý do Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long quyết thoái vốn mảng nội thất?
Nhật Minh
Chủ nhật, ngày 13/12/2020 11:44 AM (GMT+7)
Từng được xem là một trong những mảng chủ lực, nhưng khi doanh thu của Hòa Phát do tỷ phú Trần Đình Long làm Chủ tịch tăng tốc nhờ sự đóng góp của thép, nông nghiệp và bất động sản, vai trò của nội thất trở nên khiêm tốn hơn.
Còn nhớ, năm 1992, Công ty Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát được thành lập, là công ty đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát. Doanh nghiệp này cũng là đơn vị đầu tiên thời điểm đó kinh doanh máy móc thiết bị. Đến năm 1995, Hòa Phát thành lập doanh nghiệp kinh doanh nội thất với tên ban đầu là Công ty TNHH Thương mại Sơn Thủy, chuyên làm đại lý phân phối cho các sản phẩm nội thất nhập ngoại. Thép và ống thép là hai mảng kinh doanh đi sau, được lập giai đoạn 1996-2000.
Đáng nói, trước khi trở thành "vua thép", Nội thất là một trong hai mảng kinh doanh đầu tiên của Hòa Phát. Đến nay, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đầu tư vào mảng nội thất chỉ khoảng 400 tỷ đồng, nhưng trong 4 năm gần nhất, lợi nhuận ròng thu về từ 250 – 300 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, nội thất Hòa Phát nằm trong nhóm các công ty hiệu quả nhất ngành tại Việt Nam.
Vì sao Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long vẫn thoái vốn?
Theo lý giải của doanh nghiệp, ngành nội thất mang tính chất thủ công, kinh tế gia đình, sử dụng nhiều lao động phổ thông, không phù hợp mô hình sản xuất quy mô lớn, sử dụng dây chuyền máy móc hiện đại.
Trên thực tế, trong bản cáo bạch năm 2007, nội thất vẫn là một trong những mảng chủ lực của Hòa Phát, mang về trên 17% tổng doanh thu và trên 13% tổng lợi nhuận. Tuy nhiên, khi doanh thu của tập đoàn tỷ phú Trần Đình Long tăng tốc nhờ sự đóng góp của thép, nông nghiệp và bất động sản, vai trò của nội thất trở nên khiêm tốn hơn.
Tại báo cáo thường niên năm 2019, mặc dù mảng kinh doanh này vẫn mang về khoảng 1.800 tỷ đồng doanh thu (năm 2019) nhưng nếu so với quy mô doanh thu gần 65.000 tỷ đồng của Hòa Phát, mảng nội thất chỉ còn chiếm chưa tới 3%.
Điều đáng nói, mặc dù ngành nội thất chỉ chiếm khoảng 3% tỷ trọng doanh thu Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long nhưng mảng nội thất lại sử dụng tới hơn 2.000 nhân sự, số này ngang ngửa với mảng ống thép và hơn nhiều so với kinh doanh nông nghiệp.
Ngược lại, dù là mảng kinh doanh mới của Hòa Phát song mảng nông nghiệp tăng tới 172% trong năm ngoái. 9 tháng đầu năm nay, nông nghiệp Hòa Phát tiếp tục tăng trưởng đột phá, doanh thu gần 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng khoảng 1.350 tỷ đồng.
Như vậy, lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát tiếp tục tăng trưởng mạnh, đóng góp khoảng 12% doanh thu và 15% lợi nhuận toàn Tập đoàn.
Hơn nữa, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long có thể lãi tới gần 1.700 tỷ đồng từ mảng nông nghiệp trong năm 2020 theo ước tính của Công ty cổ phần chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Đây là con số ấn tượng mà các doanh nghiệp cùng ngành "ao ước" vì không dễ dàng đạt được.
Cũng vừa mới đây, tỷ phú Trần Đình Long và các cộng sự đã thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Bất động sản Hòa Phát để thực hiện quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản.
Như vậy, ngoài mảng kinh doanh "vua" hiện nay, việc tái cơ cấu nhằm đẩy mạnh các mảng nhiều tiềm năng như nông nghiệp và bất động sản, việc tỷ phú Trần Đình Long quyết thoái vốn tại mảng kinh doanh tiêu tốn nguồn nhân lực lớn và đóng góp tỷ trọng không đáng kể như mảng nội thất cũng không phải là quyết định quá bất ngờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.