Nhà nông khốn cùng sau vỡ nợ nông sản

Lê Kiến Thứ ba, ngày 14/06/2016 06:19 AM (GMT+7)
Những ngày gần đây, “điệp khúc vỡ nợ nông sản” lại vang lên, khiến hàng nghìn hộ dân ở Tây Nguyên nơm nớp lo âu, đứng ngồi không yên. Liệu sau hàng loạt những vụ vỡ nợ, người nông dân còn thu hồi vớt vát được chút gì, hay ngậm đắng nuốt cay chịu thiệt...
Bình luận 0

Nước mắt nông dân

Từ nhiều năm nay, “vỡ nợ nông sản” là thực trạng xảy ra nhiều ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Chuyện không mới, nhưng năm nào cũng xảy ra và điểm chung là người chịu thiệt luôn là nông dân. Mới đây, trong vòng chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn Gia Lai liên tiếp xảy ra 2 vụ vỡ nợ nông sản khiến hàng trăm hộ nông dân điêu đứng, lâm cảnh trắng tay.

Đầu tiên là chủ cơ sở thu mua nông sản Kỳ Niềm (thôn 4 xã Ia Krai, huyện Ia Grai) vỡ nợ với số tài sản nông dân ký gửi trị giá trên 7,5 tỷ đồng. Và gần đây là doanh nghiệp thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh (thôn Hà Lòng 2, xã Đăk K’Dang, huyện Đăk Đoa) vỡ nợ số tiền gần 40 tỷ đồng.

img

Nông dân phản ánh với phóng viên về tình trạng khốn đốn sau khi doanh nghiệp thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh tuyên bố vỡ nợ. Ảnh: Lê Kiến

Sau những vụ tuyên bố vỡ nợ của các chủ cơ sở, hàng chục, hàng trăm hộ dân đứng ngồi không yên vì phút chốc tài sản “bốc hơi”. Bà Trương Thị Kim Nga (thôn Hà Lòng 2, xã Đăk K’Dang) lo lắng: “Tôi ký gửi vào doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh 10 tấn cà phê nhưng suốt 2 năm chỉ lấy được vài chục triệu đồng. Trước vỡ nợ, bà Nguyệt còn gọi điện muốn lấy luôn 10 tấn đang còn trong kho của tôi, may mà tôi không đồng ý. Mấy năm nay tin tưởng bà Nguyệt là đồng hương, làm ăn cũng có uy tín nhưng giờ sự việc đổ bể, còn biết tin tưởng vào đâu mà ký gửi nữa”.

Nhắc đến chuyện vỡ nợ nông sản, chị Nguyễn Hoàng Oanh (thôn H’Rát, xã Đăk D’Jrăng, huyện Mang Yang) nước mắt lưng tròng: “Gia đình tôi giờ nợ ngập đầu. Làm lụng vất vả 2 năm, ký gửi 10 tấn cà phê, gần 1 tấn hồ tiêu trị giá gần 500 triệu đồng cho các cơ sở, giờ chưa lấy được một đồng. Trong khi tôi còn nợ ngân hàng 200 triệu đồng”.

Cũng vì tin tưởng mà nhiều hộ đem tất cả tài sản đi ký gửi, và sau lời tuyên bố vỡ nợ của chủ cơ sở, phút chốc họ chỉ còn hai bàn tay trắng, thiếu thốn trăm bề. Nhắc đến khoản nợ treo trên đầu, anh Bùi Văn Mộc (thôn H’Rát, xã Đăk D’jrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai) ngậm ngùi: “Cả vụ mùa nhà tôi có 2,3 tấn cà phê, 1 tấn hồ tiêu trị giá khoảng 250 triệu đồng đều gửi cả vào doanh nghiệp. Nay họ nói ngắn gọn là bị vỡ nợ, vợ chồng tôi lâm cảnh khốn cùng, gạo không có mà ăn, con đau không có tiền mua thuốc. Giờ nhà cửa dột nát, vợ chồng bấu víu nhau mà sống chứ không biết làm sao, nước mắt còn không có để mà khóc. Hy vọng sau mùa vụ đời sống cả nhà thay đổi, nay suy sụp hoàn toàn”.

Rủ nhau đi kiện

Anh Nguyễn Văn Thiên (thôn 4 xã Ia Krai, huyện Ia Grai) cho biết: Sau vỡ nợ, 33 hộ dân ký gửi nông sản ở cơ sở Kỳ Niềm đã tụ tập, làm đơn đi kiện đòi quyền lợi.

Đi kiện cũng chỉ là biện pháp cuối cùng để vớt vát được tí nào hay tí nấy. Bởi sau khi doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ nhiều người dân lao đến cơ sở siết tài sản hy vọng lấy phần nào đã mất. Trước đây có nhiều vụ vỡ nợ đã xảy ra, người dân gần như mất trắng. Tài sản của doanh nghiệp chỉ còn một ít, trong khi chủ nợ bao vây thì chia sao cho đủ”.
Nông dân Nguyễn Văn Thiên 

Anh Thiên cho biết: “Đầu tiên, chúng tôi cử 2 hộ làm đơn khởi kiện các chủ cơ sở ra tòa, nếu thành công các hộ dân còn lại sẽ tiếp tục làm hồ sơ kiện. Hiện tại, tất cả các hộ dân ở đây chưa lấy được một đồng nào từ cơ sở thu mua nông sản Kỳ Niềm, nhưng bà Đoàn Thị Niềm nói đã thanh toán gần 5 tỷ đồng là hoàn toàn không đúng. Lúc chúng tôi kéo đến nhà bà Niềm chỉ siết nợ, lấy một phần tài sản như bàn ghế, quạt… nhưng lại bị bà Niềm kê khống giá trị lên gấp nhiều lần. Chúng tôi đã đề nghị cơ quan chức năng của huyện thành lập hội đồng thẩm định tài sản, tránh thiệt thòi cho bà con”.

Cũng theo anh Thiên, rất nhiều bà con tỏ ra bức xúc vì bị bà Niềm gán nợ giá trên trời: Cái băng tải hàng đã cũ, lúc mới mua giá chỉ 30 triệu đồng nhưng bị gán nợ 100 triệu đồng; cái quạt gió hơn 1 triệu đồng bị gán lên 5 triệu; cái xe đẩy 2 triệu bị gán 5 triệu đồng... Người dân hy vọng chỉ có ra tòa mới lấy lại tài sản.

Cũng như nhiều hộ ký gửi nông sản khác, chị Đỗ Thị Út (thôn Tân Phú, xã Đăk D’Jrăng) đến nay vẫn chưa hết choáng vì doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh vỡ nợ. Chị cho biết ký gửi 80 tấn cà phê, nay còn 53 tấn còn chưa lấy tiền. “Cách đây hơn 1 tuần, bà Nguyệt – chủ doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh - còn nhận ký gửi của rất nhiều hộ dân, hàng hóa mang đi bán rất nhiều nhưng nay tuyên bố vỡ nợ thì ai tin được, số tiền này rốt cục đi đâu? Tôi yêu cầu giải thích thì bà Nguyệt nói do làm ăn thua lỗ. Sắp tới, tôi chỉ biết mời luật sư hướng dẫn làm thủ tục kiện ra tòa” - chị Út nói.

Bên cạnh nhiều hộ dân đi kiện, nhiều hộ khác còn không mấy mặn mà vì hy vọng sẽ lấy lại được tiền hay tài sản là vô cùng mong manh. Đa phần, các hộ dân làm tờ đơn ghi mấy dòng tiền nợ gửi cơ quan công an xem đó là bằng chứng, cơ sở tố doanh nghiệp chiếm đoạt tài sản. Nhiều hộ cũng không muốn mời luật sư vì ngại tốn kém thêm mà chưa biết kết quả ra sao. Có hộ chấp nhận coi như số xui...

Nhiều doanh nghiệp muốn “tay không bắt giặc”

Lý giải về tình trạng liên tục xảy ra vỡ nợ nông sản, ông Trần Thanh Hải – Giám đốc Sàn giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột cho hay: Nguyên nhân chính của tình trạng vỡ nợ là do doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích và thậm chí có tình trạng đầu cơ. Khi nông dân ký gửi nông sản (chủ yếu là cà phê, hồ tiêu), doanh nghiệp lấy tài sản này dùng “tay không bắt giặc” đầu tư vào lĩnh vực khác hoặc chiếm dụng vốn, sau đó bị thua lỗ thì không còn tiền trả cho nông dân.

“Giải pháp cơ bản để tránh tình trạng này là xây dựng sàn giao dịch đúng chuẩn, người giao dịch không được kinh doanh mà cần phối hợp với các đối tác, cơ quan liên quan thúc đẩy quá trình mua bán thuận lợi, khi đó cung cầu sẽ gặp nhau ở chợ lớn. Với tình hình hiện nay, nông dân phải “chọn mặt gửi vàng” để tránh rủi ro” - ông Thanh Hải đưa ra lời khuyên. Hiện Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột có diện tích nhận trung chuyển hơn 5.000m2, chứa hơn 15.000 tấn...

Về khía cạnh pháp lý, luật sư Võ Thị Tiết – Văn phòng luật sư Võ Luật (Bình Định) phân tích: Một khi vỡ nợ mà chủ doanh nghiệp  bỏ trốn khỏi địa phương thì dễ xử lý tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, hiện đa phần các vụ việc xảy ra đều được các chủ doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ theo Luật Phá sản, nghĩa là doanh nghiệp không biến mất, họ không trốn mà sẵn sàng đối mặt với cơ quan chức năng và chủ nợ, sẵn sàng hầu tòa do đó khó khép tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, xét các yếu tố khác có thể khởi tố những trường hợp này về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo luật sư Tiết, để xử lý về tội danh này cần phải chứng minh rõ đầu vào (số tài sản nông dân ký gửi) và đầu ra (doanh nghiệp bán tài sản đi đâu, tiền dùng vào mục đích gì…). Nếu làm rõ doanh nghiệp dùng số tài sản này vào mục đích riêng, không rõ ràng, có ý chiếm dụng thì đủ cơ sở để khởi tố. Ngoài ra cần xem xét thời điểm doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ, bởi có không ít trường hợp hôm nay ký gửi ngày mai đã tuyên bố vỡ nợ.

Trong khi đó, đại tá Tăng Năng Ái – Trưởng Công an huyện Ia Grai cũng thừa nhận: Lâu nay, nhiều vụ người dân kiện chủ doanh nghiệp, cơ sở nhận ký gửi nông sản ra tòa chỉ lấy được một phần nào đó trong tài sản đã mất chứ không lấy được đúng với số tiền đã ký gửi.

 Nhận ký gửi, mua hàng với giá cao hơn thị trường, chậm trả và sau đó tuyên bố vỡ nợ là câu chuyện khá phổ biến đối với nông dân ở Tây Nguyên trong nhiều năm trở lại đây. Để tạo dựng uy tín, trong vài năm, những doanh nghiệp, cơ sở thu mua sẵn sàng chấp nhận lỗ, đến khi có đủ lòng tin với khách hàng và thu gom được lượng hàng lớn, họ tuyên bố vỡ nợ. Vì tin tưởng nên hầu hết giao kèo, hợp đồng ký gửi của nông dân với cơ sở được ký kết sơ sài, thậm chí nhiều người chỉ cam kết bằng lời. Đây là cơ sở để những người thu mua có ý đồ chiếm đoạt dễ dàng thực hiện hành vi của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem