Thiếu hụt nhân lực du lịch là bài toán lớn với ngành du lịch trong bối cảnh mới
Giải pháp thiếu hụt nguồn nhân lực: Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích cho người làm du lịch
Thanh Tùng
Thứ hai, ngày 04/04/2022 06:34 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh toàn ngành du lịch đón nhiều tín hiệu tích cực từ quyết định mở cửa du lịch hoàn toàn thì nhiều vấn đề khó khăn cũng dần lộ diện. Trong đó, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch là vấn đề được các doanh nghiệp và cơ quản quản lý cùng quan tâm.
Bổ sung nhân lực du lịch là bài toán cấp thiết đặt ra trong bối cảnh phục hồi hiện nay
Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt về nỗi lo thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch trong điều kiện bình thường mới, ông Hoàng Văn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa chia sẻ: "Sau hai năm ngủ đông do đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực du lịch phục vụ trong ngành đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt trầm trọng. Thời gian qua, một lượng lớn nguồn nhân lực có chuyên môn, được đào tạo bài bản về kỹ năng, nghiệp vụ nhưng cũng đã phải chuyển đổi công việc của mình.
Thực trạng đáng buồn này xuất hiện ở nhiều vị trí nhân lực du lịch như hướng dẫn viên, quản lý, nhân viên tại các công ty lữ hành, nhân viên phục vụ tại các điểm lưu trú...
Trong thời điểm dịch bệnh, lượng nhân sự du lịch này đã không thể chờ đợi và buộc phải chuyển qua những công việc khác. Đây là vấn đề của du lịch Nha Trang nói riêng và du lịch cả nước nói chung sau ngày mở cửa du lịch 15/3.
Trước thực trạng này, chúng ta cần nhanh chóng kêu gọi, tuyển dụng lại nguồn nhân lực du lịch. Tôi cho rằng hiện nay vẫn còn rất nhiều nhân lực du lịch tâm huyết, yêu nghề và sẵn sàng quay trở lại làm việc.
Đặc biệt, với đặc thù là ngành kinh tế mũi nhọn, chịu sức ảnh hưởng nặng nhưng khi đã phục hồi thì ngành sẽ tái khởi động rất nhanh. Do đó, nguồn nhân lực du lịch quay lại làm việc là vấn đề cấp thiết cần quan tâm".
Bên cạnh vai trò của người quản lý, ông Hoàng Văn Vinh cũng trực tiếp điều hành hoạt động tại hai khách sạn và công ty Du thuyền Việt Nam tại Nha Trang. Theo chia sẻ của ông Hoàng Văn Vinh, trong mùa dịch bệnh, số lượng nhân sự bị cắt giảm trong lĩnh vực khách sạn lên tới 70% và nhân sự du lịch phục vụ du thuyền phải tinh gọn là hơn 30%.
Cũng theo chia sẻ của ông Hoàng Văn Vinh: "Mặc dù lượng cắt giảm nhân sự là tương đối lớn, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn duy trì bộ máy và nguồn quản lý nhân lực du lịch.
Đặc biệt, Nha Trang cũng là địa phương có hệ thống đào tạo nguồn nhân lực du lịch với chất lượng cao từ các trường đại học trên địa bàn. Đây là cơ sở tiền đề quan trọng để du lịch Nha Trang bổ sung nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới".
Doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành lên kế hoạch bổ sung, tìm kiếm nhân lực du lịch
Đánh giá chung về vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch sau ngày mở cửa, ông Phạm Văn Bảy – Phó Giám đốc doanh nghiệp Vietravel chi nhánh Hà Nội cho biết: "Sau hơn hai năm dịch bệnh, rất nhiều nguồn nhân lực đã chuyển đổi sang các công việc khác nhau như bảo hiểm, kinh doanh, bất động sản... Do đó bản thân ngành du lịch nói chung và Vietravel đều có những chính sách trong công tác đào tạo, giữ chân nguồn nhân lực du lịch.
Trong bối cảnh ngành du lịch có nhiều thay đổi, xu hướng du lịch sau đại dịch đòi hỏi nguồn nhân lực phải đáp ứng các yêu cầu mới về số hóa và ứng dụng công nghệ trong du lịch. Do đó, chúng ta cần nâng cao công tác đào tạo, giúp nguồn nhân lực du lịch giữ được tình thần yêu nghề sau thời điểm khó khăn. Cùng với đó, cần có những chính sách hỗ trợ, giữ chân người lao động trong thời gian sắp tới".
Cũng theo ông Phạm Văn Bảy, do tác động của dịch bệnh nên các ngành nghề đều gặp khó khăn chung. Do đó, khi du lịch sôi động trở lại cũng là lúc nguồn nhân lực du lịch quay lại tìm kiếm cơ hội làm việc. Bởi lẽ, đa số nhân lực của ngành đều có tình yêu với nghề và luôn thiết tha quay lại làm việc khi có cơ hội.
Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Bảy, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch xong bộ máy làm việc của Vietravel vẫn duy trì hoạt động. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không cắt giảm nhân sự và có những chính sách hỗ trợ người lao động duy trì cuộc sống. Do đó, doanh nghiệp không phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực du lịch. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Vietravel vẫn cần phải bổ sung nhân sự do định hướng mở rộng hệ sinh thái tại nhiều lĩnh vực mới của doanh nghiệp.
Từ góc độ đơn vị lưu trú, anh Trần Ngọc Hưng - đại diện khách sạn Mercure Danang French Village Bana Hills chia sẻ: "Trước tác động của đại dịch, nhiều đơn vị lưu trú cũng gặp phải khó khăn lớn. Một số đơn vị đã phải tiến hành cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động của mình. Do đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới đây là điều tất yếu.
Về phía đơn vị của mình, chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động cũng như hạn chế cắt giảm nhân sự của khách sạn. Thay vào đó, chúng tôi tiến hành điều chỉnh lại giờ làm của nhân viên hoặc huy động nhân viên tham gia hỗ trợ những công việc tại bộ phận cần thiết. Điều này sẽ giúp người lao động duy trì được công việc cũng như đảm bảo được cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.
Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới chúng tôi vẫn cần phải huy động cũng như tìm kiếm thêm nguồn nhân lực du lịch do một số nhân sự chủ động xin nghỉ để chuyển đổi sang các lĩnh vực hoạt động khác.
Do đó, trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ cần bổ sung thêm lượng lao động nhất định, đặc biệt là ở bộ phận vận hành. Cùng với đó, chúng tôi sẽ lên phương án tiếp cận những nhân viên cũ để đưa họ quay lại làm việc. Đồng thời, việc đào tạo, bổ sung thêm nguồn lao động mới cũng là giải pháp giúp đơn vị lưu trú ổn định nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới".
ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay: "Sau ngày mở cửa trở lại hoạt động du lịch, nguồn nhân lực đang là vấn đề lớn, bởi sự thiếu hụt lao động trong ngành du lịch. Chính vì vậy chúng ta cần có giải pháp cấp bách để thu hút nguồn nhân lực đã từng làm nghề quay trở lại.
Thứ nhất chúng ta cần rà soát các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bổ sung, điều chỉnh và tổ chức triển khai các gói hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho các doanh nghiệp du lịch, khu, điểm tham quan, di tích, trong đó cần chú trọng các chính sách hỗ trợ đối với người lao động; miễn, giảm thuế, cắt giảm các khoản phí khác để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc duy trì lượng nhân lực phù hợp với điều kiện tổ chức kinh doanh.
Tổ chức hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực thích ứng trước các biến động do tác động của dịch bệnh Covid-19
Ưu tiên việc tiêm đủ các liều vắc xin phòng, chống Covid-19 cho đội ngũ những người làm du lịch và liên quan.
Rà soát và thành lập mạng lưới người lao động du lịch các địa phương, theo đầu mối các doanh nghiệp, thông qua hệ thống liên lạc linh hoạt, nhằm đảm bảo việc bổ sung nhân lực du lịch phù hợp với các địa phương đủ điều kiện tổ chức hoạt động du lịch nội địa, du lịch quốc tế đến, đáp ứng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19…
Cần đưa ra một số định hướng và giải pháp, cụ thể, chúng ta cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu tổ chức kinh doanh phục vụ khách du lịch..."
Vui lòng nhập nội dung bình luận.