Giải pháp thu hút nguồn nhân lực sau ngày mở cửa du lịch: Cầm tay chỉ việc, thay đổi chính sách lương

Thanh Hà - Thanh Tùng Thứ bảy, ngày 02/04/2022 11:55 AM (GMT+7)
Sau ngày mở cửa 15/3, du lịch Việt Nam đứng trước thách thức chuyển mình với nhiều công việc và thách thức mới. Trong đó, vấn đề cấp bách trong thực tiễn hiện nay là nguồn nhân lực lao động của ngành đã sụt giảm tới hơn 70% do tác động từ đại dịch.
Bình luận 0

Chương trình giảng dạy cũng như bài giảng của giảng viên còn thiếu thực tiễn

Sáng 2/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới. 

Chương trình có sự tham dự của ông Phạm Văn Thủy – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, ông Lê Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, ông Phạm Văn Đính – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo... cùng nhiều đại diện doanh nghiệp, người lao động du lịch.

Giải pháp nào cho vấn đề nguồn nhân lực du lịch Việt Nam sau ngày mở cửa - Ảnh 1.

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch phát biểu khai mạc hội thảo Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Ảnh: Thanh Tùng.

Đánh giá vấn đề thiếu hụt nguồn lực lao động trong ngành hiện nay, ông Phạm Văn Thủy – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: "Nhìn từ thực tiễn sau hơn hai năm trải qua đại dịch, ngành du lịch đã mở cửa trở lại với nhiều cơ hội và thách thức lớn. 

Một trong số đó chính là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch. Sau ngày mở cửa, chúng ta cũng gặp khó khăn lớn trong tiến trình huy động nguồn lao động của ngành quy trở lại làm việc. 

Bởi lẽ, đa số người lao động có tâm lý chưa sẵn sàng trở lại làm việc do lo ngại dịch bệnh, một số đã chuyển nghề và dần ổn định nên không muốn quay lại ngành. Do đó, vấn đề thiếu hụt nhân lực du lịch là vấn đề cấp bách, cần được tính toán, bổ sung kịp thời.

Giải pháp nào cho vấn đề nguồn nhân lực du lịch Việt Nam sau ngày mở cửa - Ảnh 2.

Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy đánh giá cao tầm quan trong của vấn đề khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Ảnh: Thanh Tùng

Cũng theo ông Phạm Văn Thủy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực mới, nhân lực trẻ bổ sung cũng gặp khó khăn. Bởi lẽ quá trình đào tạo này cần có thời gian thực hiện và bồi đắp. Thực tế hiện nay, chỉ có một bộ phận nhân lực của ngành là nhân lực của ngành đã qua đào tạo. 

Còn với đơn vị lưu trú, hầu hết chỉ có nguồn nhân lực tại các khách sạn là được qua đào tạo. Với các đơn vị lưu trú như nhà nghỉ, homestay... hầu hết đều là nguồn nhân lực tự do, không qua đào tạo. Vì vậy, cần có những chính sách, giải pháp để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, thậm chí cầm tay chỉ việc cho các nhóm lao động này.

Đánh giá về thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch trong ngành hiện nay, PGS. TS Nguyễn Văn Đính nhận định: "Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, trong đó ngành du lịch tổn thất nặng nề nhất. Lực lượng lao động du lịch cũng vì thế mà bị tác động mạnh vì mất việc làm hoặc phải chuyển ngành nghề. 

Cho đến nay, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa phải đã kết thúc, toàn xã hội cũng như ngành du lịch phải chuyển sang giai đoạn hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Nhà nước đã có chủ trương phát triển du lịch nội địa và mở cửa thị trường du lịch quốc tế từ đầu năm 2022. Song, nhiều vấn đề đặt ra đối với nhân lực du lịch trong giai đoạn mở cửa và phục hồi ngành du lịch".

Cũng theo khảo sát của PGS. TS Nguyễn Văn Đính, hiện nay công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch mới còn nhiều bất cập. Cụ thể, tại các trường đại học cho thấy chương trình đào tạo dành cho sinh viên còn thiếu tính thực tế. 

Một số chương trình giảng dạy cũng như bài giảng của giảng viên không áp dụng sát tính thực tế trong quá trình giảng dạy với sinh viên. Từ đó ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực du lịch. Đây là vấn đề cần được xem xét, lưu ý và thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Qua đó, tạo ra nguồn nhân lực bài bản, tiềm năng, sẵn sàng phục vụ ngành trong tương lai.

Những giải pháp đề ra cho nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới

Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Theo WTTC (Hội đồng lữ hành thế giới), chỉ trong hai năm 2020-2021, đại dịch đã làm mất đi 62 trên tổng số 334 triệu việc làm trong ngành du lịch. 

Theo như khuyến nghị của nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, rất dễ xảy ra khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch khi đại dịch đi qua và mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để không phải đối mặt với việc này.

Đối với du lịch Việt Nam, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1/2020, du lịch Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng do dịch Covid-19 bùng phát. Doanh nghiệp du lịch không hoạt động hoặc hoạt động mang tính duy trì đã dẫn đến việc người lao động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp chỉ duy trì bộ khung với số lượng rất nhỏ nhân viên, còn lại cho nghỉ việc, chờ việc; có doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động, có doanh nghiệp không.

Tất yếu sẽ dẫn đến việc chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ.

"Một thực tế là khi việc lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp đã ổn định thì người lao động sẽ có tâm lý an tâm đối với công việc mới, dẫn đến việc khi Ngành Du lịch hoạt động trở lại khi đã khống chế được dịch bệnh Covid-19, sẽ không quay trở lại làm việc và nguy cơ thiếu hụt nhân lực du lịch sẽ rất căng thẳng.

Vì vậy chúng ta cần đưa ra một số định hướng và giải pháp để đảm bảo nguồn nhân lực phục hồi sau đại dịch. Cụ thể, chúng ta cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu tổ chức kinh doanh phục vụ khách du lịch.

Xây dựng, triển khai Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nhân lực du lịch Việt Nam sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trong nước và du lịch nội địa được hoạt động trở lại.

Tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch phù hợp với các lĩnh vực kinh doanh, các địa phương trong cả nước. Việc đào tạo các cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi.

Tổ chức rà soát đánh giá các kịch bản phục hồi từ đó xác định được cụ thể quy mô, cơ cấu và yêu cầu về năng lực của người lao động du lịch cần có từ 3 có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trước mắt đảm bảo phục vụ cho giai đoạn phục hồi, thích ứng với điều kiện dịch bệnh, đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

Triển khai công tác nghiên cứu những thay đổi của thị trường trong lĩnh vực du lịch. - Nâng cao kỹ năng nghề và bổ sung hình thành các kỹ năng chuyển đổi, các kỹ năng mới, linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của thế giới việc làm đối với nguồn nhân lực du lịch.

Triển khai mạnh mẽ hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và khu vực, đồng thời thành lập và tổ chức hoạt động của các Hội đồng nghề, Hội đồng ngành lĩnh vực du lịch. Hoàn thiện các Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch, tổ chức đề xuất với ASEAN công nhận tương đương các Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia với các Bộ tiêu chuẩn nghề du lịch ASEAN.

Ngoài ra theo ông Vũ Thế Bình giải pháp cấp bách hỗ trợ nhân lực là rà soát các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bổ sung, điều chỉnh và tổ chức triển khai các gói hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho các doanh nghiệp du lịch, khu, điểm tham quan, di tích, trong đó cần chú trọng các chính sách hỗ trợ đối với người lao động; miễn, giảm thuế, cắt giảm các khoản phí khác để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc duy trì lượng nhân lực phù hợp với điều kiện tổ chức kinh doanh.

Tổ chức hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực thích ứng trước các biến động do tác động của dịch bệnh Covid-19

Ưu tiên việc tiêm đủ các liều vắc xin phòng, chống Covid-19 cho đội ngũ những người làm du lịch và liên quan

Rà soát và thành lập mạng lưới người lao động du lịch các địa phương, theo đầu mối các doanh nghiệp, thông qua hệ thống liên lạc linh hoạt, nhằm đảm bảo việc bổ sung nhân lực du lịch phù hợp với các địa phương đủ điều kiện tổ chức hoạt động du lịch nội địa, du lịch quốc tế đến, đáp ứng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19…", ông Vũ Thế Bình cho biết.

Chia sẻ những giáp pháp nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực du lịch, PGS. TS Nguyễn Văn Đính cho rằng: "Để thực hiện thu hút lao động lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới làm việc tại các cơ sở du lịch cần xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp. Đối với lực lượng lao động cũ trở lại làm việc, cần đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức phù hợp với điều kiện thực tế.

Đối với lực lượng lao động mới tuyển dụng, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ trực tiếp cho khách. Mặt khác, cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng về phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ môi trường, kiến thức, kỹ năng tin học cần thiết.

Đồng thời cần đảm bảo điều kiện sống, điều kiện làm việc và an toàn cho người lao động trong điều kiện bình thường mới. Tạo điều kiện hỗ trợ người lao động và gia đình họ nơi ăn, chốn ở để họ yên tâm làm việc trong giai đoạn đầu".

Giải pháp nào cho vấn đề nguồn nhân lực du lịch Việt Nam sau ngày mở cửa - Ảnh 3.

Nhiều giải pháp về cho nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới được nêu lên tại hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng.

Còn theo bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn: "Trong điều kiện bình thường mới, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận. Đồng thời cần nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở.

Cùng với đó cần có chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại làm việc. Thực hiện tốt các chính sách về lương, môi trường làm việc... Có chính sách lương theo bậc, năng lực để khuyến khích nhân viên, học nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Về giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, bà Nguyễn Thanh Bình mong muốn có những định hướng việc làm tốt từ phụ huynh đến học sinh ngay từ khi đào tạo. Nếu định hướng việc làm chưa được chú trọng, dẫn đến nhận thức nghề kém, chất lượng nhân sự và hiệu suất việc làm và chất lượng dịch vụ kém. 

Bên cạnh đó cần củng cố, nâng cao chất lượng đầu ra đối với đội ngũ lao động nghề của các cơ sở đào tạo du lịch, nâng cao năng lực và chất lượng của công tác đào tạo nghề. Quản lý chặt chất lượng đào tạo. Đồng thời cần kết hợp và liên thông giữa các cấp độ đào tạo, giữa các chuyên ngành đào tạo đặc biệt là ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo.

Giải pháp nào cho vấn đề nguồn nhân lực du lịch Việt Nam sau ngày mở cửa - Ảnh 4.

Tại hội thảo, nhiều nhân lực du lịch có chất lượng cao được cấp chứng chỉ đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ. Ảnh: Thanh Tùng.

Chia sẻ tiếng nói của cơ sở đào tạo du lịch, Thạc sĩ Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng: "Để tạo ra nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, các  cơ sở đào tạo cần bám sát cập nhật chủ trương, đường lối để linh hoạt thực hiện các giải pháp đảm bảo vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa chủ động thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với giai đoạn phục hồi và phát triển của ngành. 

Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục sẽ tăng cường xúc tiến hợp tác với các tập đoàn lớn, doanh nghiệp du lịch và khách sạn tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ và hợp đồng hợp tác về tạo việc làm sau tốt nghiệp. 

Công tác đào sẽ được thực hiện theo nguyên tắc phù hợp với cơ cấu ngành nghề và số lượng nhân lực theo nhu cầu xã hội. Từ đó cung cấp kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp và địa phương. Qua đó tạo ra nguồn nhân lực du lịch linh hoạt, mềm dẻo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch trong tương lai.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem