Giải quyết “điểm nóng” về đất đai: Đừng bỏ quên quyền lợi người dân

Lương Kết (thực hiện) Thứ năm, ngày 17/05/2018 06:26 AM (GMT+7)
“Đất đai là tài nguyên của quốc gia, tài nguyên của toàn dân, doanh nghiệp vào đầu tư phải rất chú ý đến mặt xã hội. Nghĩa là quyền lợi người dân phải thỏa đáng, chứ không phải nhà đầu tư thấy “ngon” thì vào, còn người dân bị bỏ ra ngoài” - ông Đỗ Văn Đương-Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói.
Bình luận 0

Vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến đất đai luôn được phản ánh đến các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc cũng như các cơ quan chức năng khác. Các cơ quan chức năng cũng tập trung giải quyết, nhưng tại sao vấn đề vẫn tồn tại kéo dài, thưa ông?

- Vấn đề liên quan đến đất đai có thể nói là nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc. Khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng có liên quan đến lợi ích của người dân. Đây là vấn đề có nhiều khiếu nại, kiến nghị nhất, chiếm khoảng 70% số vụ khiếu kiện, tố cáo nói chung. Những vụ khiếu kiện đông người, phức tạp đều liên quan đến vấn đề đất đai.

img

Việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng cần được công khai minh bạch, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Có nhiều nguyên nhân, trước hết là do quá trình tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng cũng có sai sót khi áp dụng thủ tục, quy trình pháp luật, người dân cho rằng lợi ích của họ bị xâm hại, chẳng hạn như được đền bù giá đất thấp so với thực tế. Thứ hai, pháp luật đất đai của chúng ta thay đổi nhiều, như Luật Đất đai năm 1987, năm 1993, năm 2003 rồi Luật Đất đai năm 2013, bên cạnh đó là một loạt các văn bản hướng dẫn khác. Từ văn bản pháp luật như vậy, mỗi nơi lại áp dụng khác nhau dẫn tới chuyện người dân nhận đền bù sau được hưởng mức cao hơn người trước. Chính vì thế dẫn tới chuyện so bì, khiếu kiện. Theo tôi, đây là nguyên nhân cơ bản nhất.

Đối với người dân, mảnh đất là tài sản rất lớn gắn với cuộc sống của họ có thể qua nhiều thế hệ, quá trình đô thị hóa khi thu hồi đất áp dụng khung giá của Nhà nước, giá đền bù thấp, khi doanh nghiệp vào làm cơ sở hạ tầng, đường sá tốt dẫn tới chuyện cũng mảnh đất đó nhưng giá lại cao nên người dân so bì. Cần phải nói thêm vấn đề lợi ích, tiêu cực của cán bộ trong thực thi công vụ liên quan đến đất đai cũng có chứ không phải không.

Theo ông, Luật Đất đai năm 2013 đã “bịt” được những vấn đề phát sinh bức xúc trong đã tồn tại nhiều năm qua chưa?

- Theo tôi là chưa, nếu so với thực tiễn thì còn có điểm bất cập, nhất là vấn đề thu hồi đất quy định tại Điều 62. Quy định không rõ ràng dẫn tới cách vận dụng khác nhau, nhất là đối với những dự án có liên quan đến chỉnh trang đô thị. Nhìn vào thực tế thì đúng là vừa có yếu tố chỉnh trang đô thị vừa có yếu tố thương mại. Khi luật quy định không rõ, chính quyền địa phương mỗi nơi vận dụng một kiểu sẽ dẫn tới việc người dân bức xúc.

img

"Vụ việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng hơn 32ha đất ở xã Phước Kiển (Nhà Bè, TP.HCM) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai không chỉ gây mất lòng tin của người dân mà sai phạm này còn có dấu hiệu tội phạm. Cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để điều tra, cần làm nhanh tránh tình trạng kéo dài".

Ông Đỗ Văn Đương

Tới đây nếu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, theo tôi đó là một điểm cần xem xét, nghiên cứu để đưa ra quy định cho phù hợp với thực tiễn. Làm rõ các trường hợp thế nào là thu hồi đất để phát triển kinh tế vì mục đích công cộng, trường hợp nào là thu hồi đất để làm dự án thương mại.

Được biết, hiện nay Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận rất nhiều đơn thư khiếu kiện liên quan đến đất đai của người dân, cơ quan này có cách làm thế nào để giúp người dân tránh việc đơn thư lòng vòng, thưa ông?

- Chúng tôi nghiên cứu các đơn của người dân gửi đến, nếu thấy có căn cứ sẽ chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để họ xem xét lại việc giải quyết trước đây đã đúng hay chưa. Thứ hai, chúng tôi chọn việc điển hình ở địa phương để tổ chức đoàn giám sát với đầy đủ các thành phần tham gia. Qua giám sát thấy về cơ bản ở nhiều tỉnh, thành có khoảng 50-60% số vụ được đoàn giám sát đề nghị xem xét, giải quyết đã được các cơ quan chức năng đồng ý và họ đã xem xét lại.

Theo ông, đối với những vụ việc liên quan đến đất đai gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài phức tạp như vụ Thủ Thiêm (TP.HCM), cơ quan chức năng cần phải có hướng giải quyết thế nào mới có thể dứt điểm được?

- Có thể nói những vụ khiếu kiện mới liên quan đến đất đai ngày càng ít bởi vì pháp luật được hoàn thiện hơn tạo cơ sở cho các cơ quan chức năng giải quyết tốt. Đối với những vụ khiếu nại đông người, phức tạp cần tập trung giải quyết, những vụ này chủ yếu kéo dài từ nhiều năm trước, ví dụ như dự án ở TP.HCM kéo dài hàng chục năm. Việc giải quyết theo hướng liên ngành cùng vào cuộc, còn để kéo dài, từng ngành đi kiểm tra, mỗi ngành kết luận một kiểu sẽ rất khó giải quyết.

Điều cần nói là trong phát triển kinh tế - xã hội mà người dân vẫn giữ khư khư mảnh đất không có nhà đầu tư vào thì mảnh đất đó hiệu quả sinh lợi không cao, thậm chí bị bỏ hoang. Không có nhà đầu tư thì hạ tầng xập xệ, kinh tế khu vực không phát triển được. Tuy nhiên phải chú ý điều này: Đất đai là tài nguyên của quốc gia, tài nguyên của toàn dân, doanh nghiệp vào đầu tư phải rất chú ý đến mặt xã hội. Nghĩa là quyền lợi người dân phải thỏa đáng, chứ không phải nhà đầu tư thấy “ngon” thì vào còn người dân bị bỏ ra ngoài là không được. Nhà nước quy hoạch, phát triển gì thì mục tiêu cao nhất cũng là nhằm nâng cao đời sống của người dân. Phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Việc gì đã làm đúng thì phải tuyên truyền cho người dân hiểu, việc gì dân còn bức xúc, còn khiếu nại thì phải kịp thời xem xét giải quyết dứt điểm.

Xin cảm ơn ông!

img

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Nhiều người lợi dụng kẽ hở để trục lợi trong  thu hồi đất

Hiện nay, các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm tới 60 - 70% các vụ khiếu kiện. Một trong những nguyên nhân là ở hệ thống pháp luật và tư pháp. Pháp luật thiếu chặt chẽ lại được trao quyền thực thi cho một số cán bộ yếu kém phẩm chất, tham lam nên trong nhiều trường hợp đã tùy tiện quyết định từ chuyển đổi mục đích đến cấp dự án bất động sản, nhất là các dự án trên đất lúa "bờ xôi ruộng mật". Trên phương tiện thông tin đại chúng, có nhiều ý kiến cho rằng hiện đang có sự cấu kết giữa chủ dự án với một số cán bộ thoái hóa lý tưởng, thoái hóa đạo đức, tạo ra "dây" làm ăn, chia chác, ăn chơi. Những trường hợp này, khi có đơn thư khiếu nại lại cấu kết tìm cách xoa dịu dư luận. Không chỉ khu vực dân sự, việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh cũng bộc lộ nhiều tồn tại, cho thấy còn nhiều vấn đề cần quan tâm quyết liệt xử lý.

Thực tế Luật Đất đai hiện nay về cơ bản đã quy định các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung chưa bám sát chủ trương xây dựng "thị trường bất động sản", nhiều nơi, nhiều dự án vẫn còn sự can thiệp thái quá của chính quyền sở tại nhằm thu hồi đất của cá nhân, tổ chức.

Tính chất thỏa thuận, quyền tự định đoạt bị xâm hại nghiêm trọng, kể cả đất tư nhân lẫn đất của tập thể, nhà chung cư... Chiếc "khiên" quyền lực đã tạo thế che chắn cho các vi phạm lợi ích, dẫn đến tình trạng thu hồi đất trái nguyên tắc, phá dỡ nhà bất chấp điều kiện, hoàn cảnh, quyền lợi của người sở hữu nhà, tài sản trên đất, thu hồi đất với giá rẻ mạt để giao dự án "đánh màu" rồi bán giá đắt, thu lợi lớn.

Chính sách về đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sơ hở làm thất thoát vô cùng lớn tài sản, lợi ích của Nhà nước vì không tính lợi thế đất đai doanh nghiệp nhà nước. Chính sách dồn điền, đổi thửa thiếu cơ chế dẫn đến khó triển khai, việc lấy hàng ngàn hécta đất lúa màu mỡ làm công trình, làm dự án nhà ở, không tính đến giá trị nhân văn lâu dài, giá trị kinh tế của quốc gia nông nghiệp, vì lợi ích trước mắt... Do đó, đặt ra vấn đề cần phải có những quy định chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất của đất nước, cũng là để tránh đi những bức xúc, khiếu kiện đất đai kéo dài.

Lan Uyên (ghi)

img

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện tài chính):

Cần sự giám sát từ người dân và các tổ chức đoàn thể, xã hội

Theo tôi, nguyên nhân dẫn tới tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài, xuất phát từ lợi ích nhóm được hình thành giữa một số cán bộ trong bộ máy chính quyền địa phương và các doanh nghiệp muốn sử dụng đất, nhà công sản. Khi dự án được thực hiện đúng quy hoạch, việc đền bù giải phóng mặt bằng được giám sát ngay từ đầu sẽ không có chuyện dây dưa, phát sinh nhiều rắc rối. Rồi chuyện giá đất tăng theo thời gian, gây thiệt hại cho Nhà nước và người dân.

Tôi nghĩ mọi thông tin cần được công khai, minh bạch, quá trình triển khai dự án cũng cần có đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị giám sát. Thêm nữa là sự giám sát từ người dân, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, xã hội.

Hoàng Thắng (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem