Giảm bớt lòng tham

Thứ ba, ngày 22/01/2013 15:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sắp đến tết là giá cả leo thang. Người lao động nghèo khổ đi làm xa về quê ăn tết phải chịu khổ nạn vì tàu xe, còn toàn dân đang chịu khổ vì giá hàng hóa...
Bình luận 0

Tình trạng lên giá vô tội vạ này không phải mới xảy ra, nhưng xem ra việc quản lý giá hàng hóa đang là sự bất lực. Câu trả lời ngắn nhất cho mọi hành vi tăng giá là “tết” (chấm hết). Ai cũng cho mình cái quyền trả lời như vậy nên rốt cuộc mọi người đều chặt chém lẫn nhau.

Và năm nay, việc tăng giá làm cho dân càng khốn khổ. Đồng lương của đa số người dân chưa đủ sống, lương công nhân còn tồi tệ hơn. Năm nay do kinh tế suy thoái nên doanh nghiệp hạn chế tiền thưởng, nếu có thì không đáng kể. Những con số tiền thưởng vài chục triệu đồng chỉ là số ít, còn vài trăm triệu đồng thì không có được mấy người. Với thực tế đó, có thể hiểu rằng, người dân phải rất chắt bóp trong việc chi tiêu.

Vậy thì các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, thực phẩm phục vụ cho dịp tết nên tính toán kỹ lưỡng, đừng vì cái lợi nhỏ mà có thể gánh hậu quả lớn. Nếu như giá hàng hóa tăng liên tục, người tiêu dùng không có khả năng tiêu thụ thì chính nhà sản xuất là nạn nhân của “chính sách tăng giá” của mình. Hậu quả là hàng không bán được, tồn kho, chôn vốn, chưa kể có nhiều loại mứt bánh chỉ còn cách đưa đi hủy. Bánh trung thu phải bán đại hạ giá những năm qua là một ví dụ.

Trong giai đoạn kinh tế rất khó khăn, thì cần phải có sự chia sẻ trong cộng đồng xã hội để mọi người cùng vượt qua. Các nhà sản xuất, kinh doanh dịch vụ “hạ áp” lòng tham lợi nhuận một chút thì người tiêu dùng có cơ hội hơn để mua một món hàng. Dân có thực phẩm, hàng hóa để sử dụng, doanh nghiệp bán được hàng, chưa kể các dịch vụ ăn theo như vận tải, phân phối, siêu thị, đại lý… Hàng hóa, thực phảm không tiêu thụ được thì ai cũng “chết”.

Có vẻ như chúng ta chưa quen với suy nghĩ, nhận thức và hành động theo cách chia sẻ, mà tìm cách thủ lợi theo kiểu chụp giật, mạnh ai nấy sống, nên cuối cùng cả xã hội chịu thiệt hại, đặc biệt là đối với người dân nghèo.

Không ít doanh nghiệp bỏ tiền đóng góp cho xã hội, hỗ trợ cho người nghèo ở nông thôn, miền núi, vùng xa. Nhiều doanh nhân góp tiền xây trường học, bệnh viện, điển hình như Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng vừa mới khánh thành với mục đích điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Những doanh nghiệp chưa đủ sức làm điều đó, thì ít nhất cũng chia sẻ bằng cách đừng lợi dụng các cơ hội để đầu cơ hay tăng giá, thu lợi cao trên sự nhọc nhằn của đa số dân nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem