Đó là "gã" nông dân Phạm Minh Phương, 29 tuổi, ở thôn Đoàn Kết, xã Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội.
|
Anh Phạm Minh Phương vận hành thử máy ép gạch thuỷ lục giá 500 triệu đồng. |
"Nghiện"... phế thải
"Quê mình làm gốm hàng trăm năm tuổi, xỉ than, xỉ gốm chất thành gò. Mình thử nhào xỉ than với xi măng, đất sét làm gạch. Không ngờ gạch xỉ than vừa chắc, đẹp, giá lại rẻ hơn rất nhiều so với gạch đất, gạch vồ"-Giám đốc Phương mở đầu câu chuyện.
Phương bảo, ngày xưa phần vì gia đình khó khăn, phần vì nghịch ngợm, anh phải bỏ học khi đang học dở lớp 10. Và để phạt, gia đình đã "gò" cậu vào làm gốm. Sau 2 năm rèn luyện trong quân ngũ, năm 2003, Phương về quê tiếp tục bám nghề nặn gốm, đốt lò. Thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, rẻ, Phương "bật” ý tưởng biến những đống phế thải này thành gạch lát nền.
Những ngày đầu, thấy mỗi ngày anh đẩy hàng chục xe xỉ từ các lò gốm về, nhiều người nghĩ anh là… "hâm". Gạt sang bên những lời đàm tiếu, anh vay hơn 200 triệu đồng mua máy ép gạch và xây lò nung gạch. Nung mẻ gạch đầu tiên, Phương "mắc màn" cạnh lò canh. Niềm vui như vỡ oà khi mẻ gạch đầu tiên ra lò, viên nào viên ấy nhẵn nhụi, cứng như sành, hình dáng đẹp, màu bắt mắt. Khi đọ độ bền với gạch đất nung, gạch vồ, bằng cách "chọi" vào nhau cả hai lần gạch xỉ đều đánh bại.
Hiện tại, Phương chủ yếu sản xuất gạch lát nền hè phố và gạch giả cổ lát các khu di tích… Ưu điểm gạch xỉ rất cứng, nhẹ, mùa hè mát, mùa đông ấm và không bị đổ mồ hôi khi trời nồm. Mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 10 tấn xỉ than. Để chủ động nguồn nguyên liệu, anh vừa mới liên hệ với Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương) mua xỉ than.
Mỗi năm "nhặt" 8 tỷ đồng
"Ban đầu mình thấy ở đâu đào đường, rồi khu đô thị nào đang xây dựng, là "xông" vào chào hàng, chỉ thu nửa tiền cho họ dùng thử, nếu được mới lấy nốt tiền. Dần dần, những đơn hàng chục triệu, trăm triệu đồng ngày càng nhiều" - Phương cười vui vẻ.
Năm 2005, anh thành lập Công ty TNHH Phương Hà và thuê hơn 4.000m2 đất để làm nhà xưởng. Hiện công ty có 5 máy ép thuỷ lực hiện đại, tổng vốn 1,5 tỷ đồng và 2 ôtô tải loại 2,5 tấn để vận chuyển sản phẩm. Phương chia sẻ: "Thông thường máy chỉ sản xuất được gạch hình vuông, tứ giác, lục giác, kích cỡ 30x30, 40x40. Mình đã cải tiến máy làm gạch hình dích dắc, ca rô, hình sao… và thay đổi màu sắc đa dạng, bắt mắt hơn".
Điều mình vui nhất là đã "biến" những đống phế thải thành thứ có ích cho xã hội, giảm được phần nào ô nhiễm môi trường, tạo việc làm cho các bạn trẻ trên quê hương.
Hiện, Công ty Phương Hà có 8 mẫu gạch lát nền, giá bán từ 50.000 - 76.000 đồng/m2, "mềm" hơn các loại gạch khác khoảng 20 - 25%. Công ty tạo việc làm ổn định cho 30 lao động và 50 lao động thời vụ, với lương từ 3-4 triệu đồng/tháng. Mỗi năm công ty xuất khoảng 120.000m2 gạch (10 triệu viên), doanh thu khoảng 8 tỷ đồng. Gạch Phương Hà đã có mặt ở nhiều công trình lớn như chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám…
Năm 2006, Phương tốt nghiệp THPT. Hiện anh đang học năm thứ 2 tại chức khoa Luật kinh tế (ĐH Luật Hà Nội). Lôi trong tủ ra chiếc cúp "Tài năng trẻ làng nghề", Phương bảo: "Điều mình vui nhất là đã "biến" những đống phế thải thành thứ có ích cho xã hội, giảm được phần nào ô nhiễm môi trường, tạo được việc làm cho các bạn trẻ trên quê hương mình. Tới đây mình sẽ mở rộng cơ sở ra các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc…".
P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.