Hồng sấy khô cạnh tranh bằng uy tín, chất lượng.Ảnh: V.Việt
Từ 3 người xây dựng thương hiệu hồng ăn trái Cầu Ðất
Sau mấy ngày kết thúc cơn bão số 12, tôi trở lại vùng Cầu Đất, Đà Lạt với độ cao hơn 1.500 m khi hồng ăn trái đã hơn nửa mùa thu hoạch, hạt cà phê Arabica đang dần chín đỏ trên cành. Nam thanh niên 9X Lê Văn Chung, Giám đốc HTX Trường Gia Phát thông tin về cơ sở sấy hồng của mình vừa khôi phục hoạt động trở lại sau khi bị thiệt hại hơn 25 triệu đồng. “Trong diện tích nhà kính khoảng 70 m2 phía sau căn nhà ở, hộ gia đình chúng tôi treo lên 2 tấn hồng tươi mới sấy gió chưa đến một tuần thì bão số 12 ập đến. Những cơn mưa lớn kèm với gió xoáy mạnh đã làm tốc một số mái tôn của nhà kính, từng dây hồng ăn trái treo bị thấm nước và hư hỏng gần như toàn bộ, ước thiệt hại hơn 25 triệu đồng. Gia đình chúng tôi đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, lợp lại mái nhà kính chắc chắn hơn và đi vào sản xuất trở lại…”, Chung kể.
Nếu không bị thiên tai gây hại, toàn bộ 2 tấn hồng tươi của hộ gia đình Giám đốc Lê Văn Chung sẽ chế biến thành phẩm 20 ngày sau đó khoảng 400 kg, đạt tổng doanh thu khoảng 100 triệu đồng. Để thực hành khép kín quy trình sấy khô hồng ăn trái theo công nghệ Nhật Bản, thanh niên Lê Văn Chung đăng ký tham gia học nghề tại một mô hình điểm ở xã Trạm Hành, Đà Lạt từ 4 năm trước. Đây là lớp dạy nghề do Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt tổ chức, những học viên như Chung được học lý thuyết khoảng 3 ngày. Và 20 ngày tiếp theo được hướng dẫn thực hành tuần tự quy trình chế biến hồng tươi từ rửa sạch, gọt vỏ, khử chát đến treo trong vòm nhà kính và đóng gói đưa ra thị trường. “Năm đầu tiên, nhà sấy hồng 70 m2 của hộ gia đình chúng tôi sấy khô 100 kg, năm thứ 2 trở đi chế biến từ 500 - 600 kg sản phẩm, tương ứng bằng 10 - 20% tổng sản phẩm nguyên liệu hồng tươi ở xã Trạm Hành…”, Giám đốc HTX Lê Văn Chung cho biết thêm.
Cùng thời gian đi học nghề và xây dựng nhà kính sấy hồng cùng với quy mô của hộ gia đình Lê Văn Chung còn có hộ gia đình Trương Văn Hồng và Bùi Thị Kim Liên. Sau 4 năm chế biến và tiêu thụ hồng khô công nghệ Nhật Bản, 3 hộ gia đình này được sự khuyến khích của chính quyền địa phương đã đứng ra vận động 40 hộ nông dân liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đến tháng 10/2017, HTX Trường Gia Phát chính thức thành lập với 40 hộ gia đình thành viên canh tác trên 60 ha cà phê Arabica thuộc các thôn Trạm Hành, Trường Thọ, Phát Chi (xã Trạm Hành) và Đất Làng, Trường Sơn (xã Xuân Trường). Trong đó phần lớn diện tích cà phê Arabica đều trồng xen canh cây hồng ăn trái, mật độ trung bình 20 cây hồng/ha cà phê.
Ban Quản trị HTX Trường Gia Phát được tất cả hộ gia đình thành viên tín nhiệm bầu ra 3 người chính là Lê Văn Chung, Trương Văn Hồng và Bùi Thị Kim Liên. Trong đó Lê Văn Chung trực tiếp điều hành HTX Trường Gia Phát với cương vị Giám đốc. Đồng thời 3 người này còn là thành viên của mỗi hộ gia đình đang thâm canh từ 0,7 ha đến 1,4 ha cà phê Arabica trên dưới 10 năm tuổi, đạt năng suất và chất lượng cao của vùng Cầu Đất Đà Lạt.
Ðến HTX độc quyền nhãn hiệu “Cà phê Cầu Ðất”
Cũng theo Giám đốc Lê Văn Chung, phần lớn diện tích cà phê Arabica của HTX Trường Gia Phát ở thời kỳ kinh doanh, cây không quá 15 năm tuổi, nên năng suất bình quân trong những năm qua lên đến 4 tấn nhân/ha. Kết quả này nhờ các hộ thành viên chú trọng tái canh cuốn chiếu cà phê Arabica trồng mới thay thế những cây già cỗi, năng suất thấp, tích cực thâm canh kết hợp kinh nghiệm truyền thống cả trăm năm vùng Cầu Đất với các biện pháp kỹ thuật mới thích hợp trên từng địa hình sinh thái.
Bởi vậy vào ngày 4/10/2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt” thì HTX Trường Gia Phát là 1 trong 10 đơn vị đầu tiên trong thành phố Đà Lạt đáp ứng các tiêu chí về chất lượng sản phẩm cà phê Arabica để gắn độc quyền nhãn hiệu này.
Hạch toán trên 1 ha cà phê Arabica ở HTX Trường Gia Phát sản xuất theo tiêu chuẩn gắn nhãn hiệu “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt” thu hoạch 4 tấn hạt nhân, giá thành 70.000 đồng/kg, doanh thu 280 triệu đồng. Với trồng xen 20 cây hồng ăn trái, năng suất khoảng 4 tấn trái, giá thành 10.000 đồng/kg, tổng thu 40 triệu đồng. Cộng “doanh thu kép” mỗi năm 320 triệu đồng, trừ hết chi phí vẫn còn thực lãi hơn 200 triệu đồng/ha cà phê Arabica có trồng xen cây hồng ăn trái này.
Hướng về mục tiêu ổn định sản xuất, tiêu thụ và mang về khoản thực lãi vừa nêu, ngay trong vụ cà phê và hồng ăn trái năm 2017, HTX Trường Gia Phát bắt tay tổ chức 3 đầu mối tập trung toàn bộ sản phẩm thu hoạch của hộ gia đình thành viên trước khi cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối ra thị trường.
“Với quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê Arabica và hồng ăn trái Cầu Đất gắn với tổ chức liên kết mới, từng sản phẩm của hộ gia đình thành viên HTX Trường Gia Phát bắt đầu đưa thẳng từ vườn thu hoạch đến nơi chế biến và tiêu thụ, tiết kiệm ít nhất 5% chi phí trên tổng doanh thu qua khâu trung gian cung ứng cho thị trường…”, Giám đốc HTX Lê Văn Chung nhận định.
Văn Việt (Báo Lâm Đồng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.