Giám đốc thẩm vụ ông Lương Hữu Phước: Vì sao chỉ sau một tuần kháng nghị?
Giám đốc thẩm vụ ông Lương Hữu Phước: Vì sao chỉ sau một tuần kháng nghị?
Đình Việt
Thứ năm, ngày 11/06/2020 14:39 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã giải thích lý do vì sao phiên tòa giám đốc thẩm vụ án liên quan đến ông Lương Hữu Phước diễn ra rất nhanh, chỉ một tuần sau khi kháng nghị.
Ngày 10/6, lãnh đạo Toà án nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP.HCM cho biết, chiều ngày mai (12/6), sẽ xử giám đốc thẩm vụ án "Vi phạm quy định về điều khiển khiển giao thông đường bộ" đối với bị cáo Lương Hữu Phước (SN 1965, ngụ TP.Đồng Xoài, Bình Phước). Như vậy, phiên xử này diễn ra đúng một tuần sau khi được kháng nghị.
Chủ tọa phiên giám đốc thẩm là thẩm phán Lê Thành Văn (Chánh tòa Hình sự TAND Cấp cao tại TP.HCM). Bị cáo Lương Hữu Phước sau khi bị TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần 2 tuyên y án 3 năm tù giam đã nhảy lầu tử vong vì cho rằng mình bị oan.
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, tại sao phiên xử này lại diễn ra rất nhanh, chỉ một tuần sau khi được kháng nghị?
Về việc này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, thủ tục giám đốc thẩm nhằm xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật, khi có căn cứ cho thấy bản án đó có vi phạm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Thủ tục này được quy định cụ thể tại Chương XXV - Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Qua đó quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời gian tiến hành đưa vụ án ra xét xử.
Tòa án có thẩm quyền để xét xử giám đốc thẩm đối với những vụ án (trừ vụ án về quân sự) hiện nay gồm: TAND Cấp cao (bao gồm TAND Cấp cao tại Hà Nội, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và TAND Cấp cao tại TP.HCM) và TAND Tối cao; còn TAND cấp tỉnh không có thẩm quyền để tiến hành xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.
Theo vị luật sư, số liệu đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại báo cáo số 2188/BC-UBTP14 ngày 19/10/2019, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của tòa án năm 2019 chỉ đạt 51%. Như vậy, số lượng tòa án có thẩm quyền để giải quyết những vụ án theo trình tự giám đốc thẩm chỉ có 4 tòa trong khi số lượng đơn kháng nghị là rất nhiều.
Điều này cho thấy chất lượng quyết định, bản án của TAND cấp huyện, cấp tỉnh còn chưa được đảm bảo. Đồng thời, việc xét xử theo trình tự giám đốc thẩm hiện nay đối với các tòa án có thẩm quyền hiện nay, đang có dấu hiệu quá tải, dẫn đến việc để mở một phiên tòa xét xử theo trình tự giám đốc thẩm mất rất nhiều thời gian sau khi có đơn kháng nghị.
Về thời gian tiến hành mở phiên tòa xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 không quy định thời gian tối thiểu để mở phiên tòa mà chỉ quy định về thời hạn tối đa là 4 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án.
Theo đó việc TAND Cấp cao tại TP.HCM tiến hành mở phiên tòa chỉ sau một tuần kể từ ngày được kháng nghị là hợp lý, đúng quy định của pháp luật. Nhất là khi bị cáo trong vụ án này nhảy lầu ngay trong ngày, tại tòa, chỉ sau phiên xử, khi không đồng ý với phán quyết của tòa án.
Hậu quả của việc bị cáo tự sát này cũng là một lời cảnh tỉnh đối với công tác tư pháp Việt Nam, thể hiện chất lượng và tính công minh, hợp tình, hợp lý của ngành tòa án khi ra phán quyết chưa được đảm bảo.
Nhìn nhận theo khía cạnh tích cực của việc mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm diễn ra trong thời gian ngắn là một tín hiệu đáng mừng trong ngành tư pháp. Nếu vụ án nào được kháng nghị giám đốc thẩm cũng được tiến hành xét xử nhanh chóng như vậy sẽ bảo đảm được nguyên tắc xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội và có thể tránh được những vụ án oan sai hay bỏ lọt tội phạm không đáng có.
Ngoài ra, về quan điểm đối với vụ án, luật sư Tuấn Anh cho rằng, việc cơ quan tiến hành tố tụng chưa xác minh làm rõ về tốc độ, trách nhiệm quan sát của Lâm Tươi, là chưa đánh giá toàn diện chứng cứ, có thể ảnh hưởng đến việc xác minh sự thật của vụ án.
Dựa trên lời khai cho thấy, Lâm Tươi trong vụ án này là người điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn, không hoàn toàn tỉnh táo, không có giấy phép lái xe, lái xe thiếu quan sát. Lâm Tươi lái xe đâm trực diện rất mạnh vào xe ông Phước đang điều khiển chở ông Trần Hữu Quý.
Nếu việc điều tra làm rõ những tình tiết trên mà chứng minh được tai nạn xảy ra do lỗi hỗn hợp của cả hai bên, thì nhiều khả năng Lâm Tươi cũng phải chịu trách nhiệm.
Nếu trong bản án giám đốc thẩm sắp tới đây xác định Lâm Tươi có lỗi, các cơ quan tố tụng đã ra bản án (dẫn tới ông Phước nhảy lầu tử vong), cũng sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Sau khi sự việc xảy ra, ngày 5/6, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ký kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu bởi vì vụ án còn nhiều vẫn đề chưa được làm rõ.
Ông Quảng Đức Tuyên, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM, cho biết sau khi vụ việc ông Lương Hữu Phước gây xôn xao dư luận, lãnh đạo TAND Cấp cao tại TP nhận thấy vụ án có nhiều vấn đề chưa được làm rõ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án nên kháng nghị hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại.
Tin cùng chủ đề: Nhảy lầu sau khi tòa tuyên án ở Bình Phước
Vui lòng nhập nội dung bình luận.