Giám đốc Trung tâm y tế cấp giấy xét nghiệm Covid-19 "khống" có thể bị xử lý sao?

Quang Minh Thứ năm, ngày 30/09/2021 16:46 PM (GMT+7)
Theo luật sư, tùy vào mức độ vi phạm, Giám đốc Trung tâm y tế ở TP.Thanh Hóa cấp giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính để trống thông tin người xét nghiệm có thể bị xử lý hành chính hoặc thậm chí là truy cứu hình sự.
Bình luận 0

Giám đốc Trung tâm y tế có thể bị kỷ luật

Liên quan đến phản ánh nhiều giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 để trống thông tin người xét nghiệm, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, nhất là tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nam...

Nhiều địa có ca mắc bệnh Covid-19 đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng dịch để sàng lọc cộng đồng, bóc tách F0 sớm nhất để nhanh chóng dập dịch cũng như hoạt động trở lại bình thường. Một trong những biện pháp sàng lọc cộng đồng hiệu quả chính là tiến hành test nhanh Covid-19 trong cộng đồng.

Ngoài ra, một số địa phương sử dụng kết quả này để phục vụ cho việc đi lại, làm việc. Do đó, kết quả test nhanh Covid-19 phải được thực hiện đúng người, đúng thời điểm và có giá trị thật.

"Việc lãnh đạo Trung tâm Y tế cấp giấy xác nhận không ghi ngày tháng và thông tin cá nhân người được xét nghiệm là không đúng quy định của ngành y tế. Thêm nữa, việc cấp đồng loạt nêu trên cũng chưa phù hợp, kể cả trường hợp đã phân vùng xanh, vùng đỏ", luật sư Tùng nói.

Giám đốc Trung tâm y tế cấp giấy xét nghiệm Covid-19  để trống thông tin người xét nghiệm có thể bị xử lý sao? - Ảnh 1.

Trung tâm Y tế TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã cấp giấy chứng nhận xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 cho công nhân nhưng lại để trống phần thông tin cá nhân. Ảnh Hữu Dụng

Theo luật sư Tùng, sau sự việc này, các cơ quan chức năng của TP.Thanh Hóa sẽ vào cuộc làm rõ, xem xét mức độ vi phạm đối với Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thanh Hóa.

"Do hiện tại việc ông Hùng cấp giấy xét nghiệm cho công nhân chưa gây thiệt hại gì nên chưa có cơ sở để xử lý ông Hùng về mặt hành chính hoặc xử lý hình sự. Tuy nhiên, ở góc độ là cán bộ công chức, viên chức, tùy vào mức độ vi phạm, ông Hùng có thể phải nhận hình thức kỷ luật là nhắc nhở hoặc cảnh cáo", luật sư Tùng chia sẻ. 

Người làm lây lan dịch bệnh có thể bị xử lý hình sự

Luật sư Tùng cho hay, dù rằng lực lượng y tế đã rất vất vả trong việc phòng, chống dịch bệnh nên khó tránh khỏi sai xót. Tuy nhiên, với việc nhiều giấy xét nghiệm được cấp như trên thì quả thật đáng trách.

Do đó, việc này các cơ quan chức năng của TP.Thanh Hóa cần xem xét cụ thể, tiến hành xử lý kỷ luật đối với những cá nhân vi phạm nghiêm theo quy định.

Đối với những giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 để trống thông tin người xét nghiệm hiện nay đã hết thời hạn (thời hạn đến 6/9). Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc làm rõ về việc sử dụng giấy này như thế nào, có bao nhiêu người đã sử dụng…

Trường hợp mà có căn cứ cho thấy công nhân mắc Covid-19 nhưng lại sử dụng giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính do Trung tâm y tế cấp và sau đó làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì tùy vào hậu quả công nhân này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người".

Giám đốc Trung tâm y tế cấp giấy xét nghiệm Covid-19  để trống thông tin người xét nghiệm có thể bị xử lý sao? - Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Với tội danh này, người vi phạm có thể bị phạt tù thấp nhất 1 năm, cao nhất là 12 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cũng liên quan đến nội dung này, bạn đọc Nguyễn Thanh Hưng (ở quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, việc cấp giấy xét nghiệm Covid-19 để trống tên, ngày tháng cho công nhân là hết sức nguy hiểm, có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đối với người dân có sức khỏe tốt thì không sao, tuy nhiên, đối với người dân mắc Covid-19 mà họ không hề hay biết thì hết sức phức tạp. Bởi vì, khi đó họ sử dụng giấy xét nghiệm được cấp này để đi lại, làm việc sẽ vô tình làm lây lan dịch bệnh cho người khác, khiến công tác phòng chống dịch của địa phương bị ảnh hưởng.

"Bởi vậy, tôi mong rằng cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc, xem xét thấu đáo vấn đề và xử lý nghiêm người vi phạm để tạo sự răn đe, tránh không thể để xảy ra việc làm tương tự", anh Hưng nói.

Đồng quan điểm, chị Thanh Thủy (Hưng Yên) cho hay, dù ở địa phương nào thì công tác phòng chống dịch cũng phải được thực hiện nghiêm ngặt, nhất là việc xét nghiệm Covid-19.

"Nếu các địa phương lơ là, chủ quan thì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra hệ lụy xấu, đó là làm lây lan dịch bệnh. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch" chị Thủy nói thêm.

Trước đó, ngày 30/9, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Việt Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) thừa nhận về việc trung tâm này đã cấp giấy chứng nhận xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 cho công nhân ở Khu công nghiệp Hoàng Long trong thời gian TP.Thanh Hoá thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Theo ông Lê Việt Hùng, đơn vị này chỉ cấp 43 giấy xác nhận xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 cho công nhân để trống ngày tháng và trống thông tin người xét nghiệm vì "khi ấy lượng công nhân xin giấy là quá đông nên anh em trung tâm làm có phần ẩu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem