|
Nhiều diện tích tràm ở khu bảo tồn đã bị chặt để trồng chuối. |
Yếu kém chuyên môn
Mùa khô năm 2008, Ban giám đốc Khu bảo tồn chủ trương bơm nước, làm ngập hầu hết những khu rừng dày để… chống cháy.
Một cán bộ Sở NN&PTNT Hậu Giang am hiểu chuyên ngành bảo vệ thực vật và có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành lâm nghiệp đã góp ý, can ngăn nhưng Giám đốc Nguyễn Hoàng Thọ thẳng thừng bác bỏ: “Tôi làm Lâm trường đã mấy chục năm… Không cần ai dạy!”.
Vậy là chủ trương trên vẫn được triển khai. Trong khi đó, một sinh viên năm thứ nhất ngành trồng trọt hay bất cứ nông dân nào sống trong khu vực này cũng dư sức hiểu: Tràm là loại cây sống trong đất ngập nước ngọt, có chu kỳ sinh trưởng đặc biệt. Vào mùa khô, cây rụng lá và tranh thủ đất khô để thay rễ mới. Điều này giúp cây tràm mạnh khỏe, xanh tốt vào mùa nước nổi và khi mưa lũ về, cây có được bộ rễ khỏe để chống chọi với gió bão và hô hấp.
Theo một cán bộ kiểm lâm, có lẽ chính chủ trương bơm nước vào chân rừng đã khiến tràm không ra được rễ mới, tỉ lệ ngã đổ cao… Hơn 2 năm qua, nhiều cánh rừng trở nên xơ xác, kém phát triển thấy rõ!
Không chỉ vậy, theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, ngày 26 và 27-4 vừa qua, Ban giám đốc Khu bảo tồn đã ký văn bản cử 1 đoàn cán bộ sang Khu II làm nhiệm vụ “đốt thực bì”(?) giữa lúc các tỉnh, thành trong cả nước đang “nóng” lên vì nạn cháy rừng.
Hậu quả, ngọn lửa đốt thực bì “chủ quan duy ý chí” của Ban giám đốc Khu bảo tồn này đã dẫn đến tình trạng cháy lan không thể kiểm soát. Hơn 200 người dân và cả lực lượng của Nông trường Sóc Trăng (khu vực giáp ranh) đã ứng cứu, hỗ trợ chữa cháy, chống cháy lan… nhưng đến trưa ngày 28-4, ngọn lửa vẫn chưa thể dập tắt hoàn toàn. Theo ước tính ban đầu, thiệt hại đã lên đến gần 20ha rừng.
Vi phạm pháp luật
Một người dân địa phương tham gia hỗ trợ chữa cháy rừng bức xúc: “Không hiểu nổi mấy ông Khu bảo tồn này làm cái mà mùa khô, nắng gắt, nước cạn kiệt... lại đi đốt rừng. Làm vậy có khác gì phá rừng?”.
Trong khi ông Nguyễn Hoàng Thọ đang giữ chức Giám đốc Khu bảo tồn, với hầu hết diện tích là rừng tràm, thì người con lớn của ông là Nguyễn Thanh Vũ nhiều năm qua mở Công ty TNHH Thanh Vũ, cách Khu bảo tồn chỉ hơn 10km, thực chất chuyên kinh doanh mua bán cừ tràm xây dựng.
Nguyễn Thanh Vũ đã có lần “dính líu” đến phi vụ bắt tay với nhà thầu, vào tận rừng được bảo vệ nghiêm ngặt để đốn cây từ chủ trương “tỉa thưa” của UBND tỉnh Hậu Giang (năm 2007). Ngoài ra, ông Thọ còn có một người con ruột là Nguyễn Thanh Trí và con rể, đang mở 3 cơ sở kinh doanh than đen - loại than gỗ được hầm (nung) từ nguyên liệu là cây tràm (!).
Về phần mình, ông Thọ vẫn công khai sống chung với hai người vợ và hai bà đều có nhiều con. Vợ chính thức tên H, có cùng ông 5 người con đang sống ở ấp Phú Tân, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang). Vợ sau (ngoài giá thú) tên L, có cùng ông 3 người con, hiện sinh sống ở đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.
Một lãnh đạo Huyện ủy Phụng Hiệp cho biết: “Chúng tôi đã đi xác minh và báo cáo việc này với Tỉnh ủy, UBND tỉnh từ năm 2008. Những điều này là vi phạm pháp luật, nhưng thẩm quyền chúng tôi chỉ tới đó!”.
Nhóm phóng viên điều tra
Vui lòng nhập nội dung bình luận.