Báo cáo từ Bộ LĐTBXH cho thấy, tuy công cuộc giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tích ấn tượng, nhưng giảm nghèo thời gian vừa qua vẫn đứng trước những thách thức lớn.
“Vấn đề quan trọng nhất ở nông thôn mới không phải là xây dựng cơ sở hạ tầng mà căn bản nhất phải là nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn. Vì vậy, nếu địa phương áp dụng tiêu chí khoán hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới là không được” – ông Ngô Trường Thi – Cục phó Cục Bảo trợ xã hội, Chánh văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nêu ý kiến tại “Diễn đàn giảm nghèo – Tầm nhìn tương lai” do Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổ chức Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Sứ quán Cộng hòa AiLen tổ chức chiều ngày 16.10.
Báo cáo từ Bộ LĐTBXH cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước đã giảm từ 58% (1993) xuống còn dưới 10% theo chuẩn nghèo quốc gia. Tuy công cuộc giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tích ấn tượng, nhưng giảm nghèo thời gian vừa qua vẫn đứng trước những thách thức lớn.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thừa nhận thực tế: “Nhiều nơi trong cả nước tỷ lệ nghèo còn trên 50%, cá biệt có những nơi tỷ lệ nghèo chiếm 60- 70%. Tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS chiếm trên 47% tổng số hộ nghèo cả nước, thu nhập bình quân của họ chỉ bằng 1/6 so với thu nhập bình quân của cả nước”. Chính vì vậy, bà Chuyền cũng cho rằng thời gian tới để việc giảm nghèo bền vững, Bộ cũng có đề xuất với Chính phủ sắp xếp lại chương trình hỗ trợ, tránh sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ mở rộng đối tượng hỗ trợ sang nhóm cận nghèo. Xóa bỏ chế độ hỗ trợ cho không, thực hiện hỗ trợ phải gắn với điều kiện”.
Nhận định về tình hình nghèo đang có xu hướng gia tăng trong nhóm lao động di cư ra đô thị, ông Ngô Trường Thi thừa nhận: “Đúng là hiện nay nhóm đối tượng này đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Đa phần đều rất khó tiếp cận với chính sách y tế, giáo dục nhà ở. Thời gian tới nếu ta có một bộ dữ liệu lưu trữ lao động, thực hiện cấp mã số thẻ cho lao động thì việc hỗ trợ, giảm nghèo cho nhóm đối tượng này sẽ đơn giản hơn”.
Đề cập tới vấn đề báo chí nêu, tại một số địa phương có tình trạng khoán chỉ tiêu giảm nghèo, ông Thi khẳng định: “Thông tư 21 quy định rất rõ việc xác định đối tượng nghèo, vì thế các địa phương tuyệt đối không được áp chỉ tiêu khoán hộ nghèo. Ngay khi Bộ LĐTBXH phát hiện có một số địa phương tiến hành giao chỉ tiêu trong việc giảm nghèo, Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra giám sát, chấn chỉnh việc thực hiện”.
Minh Nguyệt (Minh Nguyệt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.