Giảm nghèo nhờ... chợ phiên

Thứ hai, ngày 04/02/2013 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với chị Pinăng Thị Hiếm, đàn chapi không chỉ đẹp như trong giấc mơ tình yêu của người Raglai mà đã trở thành hàng hóa. Cùng với gùi, nỏ, măng, rau xanh, trái cây, nhạc cụ này theo chị ra chợ phiên ở xã.
Bình luận 0

Đã biết dùng cân thay “gang tay”

Năm nay 31 tuổi nhưng chị Pinăng Thị Hiếm, người dân tộc Raglai, sống tại thôn Suối Rua, xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã có 4 con. Trước đây, chị ở nhà nuôi heo, gà và làm rẫy, mỗi khi cần tiền, chị bán heo, gà cho thương lái theo kiểu bán con (áng chừng, đo bằng gang tay) chứ không biết cách dùng cân và thường bị ép giá.

img
Chị Hiếm bán hàng ở chợ phiên.

Kể từ khi Dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường và khuyến khích phụ nữ Raglai làm chủ kinh tế” được triển khai (năm 2010) tại huyện Bác Ái, do Tổ chức Oxfam hỗ trợ, với việc tổ chức chợ phiên hàng tháng tại xã Phước Tiến, chị đã có ý thức để dành hàng và chủ động mang ra chợ bán, biết cách đàm phán với khách hàng và hạch toán thu chi. Từ đó, cứ vào ngày thứ 6 tuần thứ ba của tháng, chị đưa hàng ra chợ. Từ chỗ bán áng chừng, đến nay chị đã biết sử dụng đơn vị đo lường, biết cách sử dụng cân để bán hàng. Thay vì bán cho thương lái một con gà khoảng 1,5kg chỉ được 40.000 – 50.000 đồng như trước kia, hiện nay chị có thể bán gà tại chợ với giá 100.000 đồng/kg, như vậy giá bán 1 con gà tăng hơn gấp đôi.

Để có được sự thay đổi này, chị Hiếm đã tham gia vào các khóa tập huấn nâng cao nhận thức kinh doanh và kỹ năng bán hàng, lập kế hoạch kinh doanh và quản lý kinh doanh nhỏ từ dự án nói trên.

Chồng chị rất ủng hộ việc chị tham gia phiên chợ. Ngoài công việc làm rẫy cùng vợ, anh còn chặt tre làm các sản phẩm như đàn chapi, gùi, nỏ và lên núi bắt cua núi, hái ớt núi và lá bếp để chị mang ra chợ bán.

Nhận thấy phiên chợ hàng tháng hoạt động tốt và nhu cầu của bà con ngày càng tăng, UBND xã Phước Tiến đã bắt đầu tổ chức thêm một phiên chợ thứ hai vào ngày 5 hàng tháng. Một khu chợ chính thức đang xây dựng để bà con mua bán trao đổi hàng hóa hàng ngày trong tương lai gần.

Mới mẻ hai chữ “thị trường”

“Từ chỗ chưa biết tính toán lỗ lãi, qua tham gia các phiên chợ, người dân đã thấy được lợi ích của việc giao thương. Các phiên chợ này đã tạo nên một môi trường sinh hoạt vui vẻ, gần gũi và thiết thực”.

Chị Hiếm chỉ là 1 trong số hơn 1.000 phụ nữ dân tộc Raglai của 2 xã Phước Tiến và Phước Tân ở Bác Ái, được hưởng niềm vui vì chạm được vào đời sống kinh tế thị trường thông qua Dự án của Oxfam.

Những thay đổi tích cực như ở Phước Tiến cũng như một số xã khác trong vùng dự án là điều đáng mừng, nhưng đây mới là bước đầu. Nhiều khó khăn vẫn còn ở phía trước. Theo một nghiên cứu của Oxfam, trước khi thực hiện dự án, mức độ tham gia vào thị trường nông sản của người Raglai đang còn rất thấp. Họ hầu như không quan tâm tới việc trồng trọt và chăn nuôi những sản phẩm mà thị trường có nhu cầu cao và có thể đem lại lợi nhuận và thu nhập nhiều hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem