Giám sát chặt chất lượng bữa ăn trường học

Lê Mai Thứ năm, ngày 11/10/2018 06:00 AM (GMT+7)
Hà Nội có hơn 1.685 trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, với hơn 800.000 bữa ăn được cung cấp mỗi ngày. Với số lượng lớn này, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh nguy cơ ngộ độc là hết sức quan trọng.
Bình luận 0

Sẵn sàng phản ứng...

Ngày 7.10, tại Trường Tiểu học Yên Sở, UBND huyện Hoài Đức tổ chức diễn tập điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc tại bếp ăn tập thể. Tình huống giả định là sau bữa ăn trưa, trong 310 học sinh bán trú tại Trường Tiểu học Yên Sở thì 10 em có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, nôn... Hiệu trưởng nhà trường đã báo cáo Phòng GDĐT, thông báo cho trạm trưởng Trạm y tế xã Yên Sở, đại diện ban phụ huynh. Sau khi nhận được thông báo, xe cứu thương với các trang thiết bị cần thiết đến nhà trường, phối hợp Ban Giám hiệu nhà trường thành lập phòng khám dã chiến ngay tại trường để cấp cứu, điều trị cho học sinh; đồng thời đề nghị bệnh viện cử 1 tổ cấp cứu đến hỗ trợ…

img

 Diễn tập lấy mẫu thức ăn nghi mất an toàn thực phẩm để kiểm nghiệm tại Trường Tiểu học Yên Sở.  Ảnh: L.M

Năm học 2018-2019, Sở Y tế sẽ tăng cường phối hợp với Sở GDĐT rà soát hệ thống bếp ăn tập thể tại các trường, trong đó tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất quy trình chế biến thực phẩm, nguồn thực phẩm ngay từ khâu đầu vào, góp phần phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Tại phòng khám dã chiến, các y, bác sĩ nhanh chóng khám, phân loại, cấp cứu bệnh nhân. Đối với các trường hợp bệnh nhân nặng được chuyển đến bệnh viện đa khoa huyện để tiếp tục điều trị. Đồng thời, các cán bộ y tế tiến hành các bước điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn, lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm, lấy mẫu thức ăn lưu gửi kiểm nghiệm để tìm nguyên nhân…

Buổi diễn tập đã góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các trường học, các đơn vị và các ngành có liên quan trong công tác xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, là cơ hội để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ y tế. Qua diễn tập cũng góp phần hoàn thiện tổ chức lực lượng, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, sẵn sàng khả năng huy động lực lượng, trang thiết bị, phương tiện tại chỗ để triển khai điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc theo đúng quy định.

Giám sát hàng ngày

img

Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2017-2018 toàn thành phố có 2.642 trường học, trong đó có 1.685 trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở giáo dục phục vụ gần 800.000 suất ăn bán trú.

Kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành y tế - giáo dục tại các quận, huyện năm học 2017-2018 vẫn cho thấy nhiều sai sót. Cụ thể như: Vẫn còn xảy ra một số sự cố an toàn thực phẩm quy mô nhỏ tại một trường mầm non và một trường tiểu học; Ý thức thực hành trong chế biến thực phẩm của một số nhân viên chưa cao. Nhiều trường mới chỉ kiểm tra được hợp đồng, giấy phép kinh doanh của công ty cung ứng và kiểm tra thực phẩm bằng cảm quan, khó phát hiện thực phẩm bẩn…

Theo bà Hoàng Thị Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, các trường học muốn đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn thì cần phải nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm cho người chế biến và cả giáo viên. Đồng thời cần thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời phân công cán bộ, nhân viên hằng ngày theo dõi việc tiếp nhận thực phẩm, kiểm tra thực phẩm 3 bước...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem