"Bão" Dịch tả lợn châu Phi quét qua: Gian nan đưa vaccine tiêm phòng cho đàn lợn (Bài 2)

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 19/07/2024 08:45 AM (GMT+7)
Dù nhiều lần lãnh đạo Bộ NNPTNT khẳng định, vaccine được coi là "lá chắn thép" trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tuy nhiên, đến nay, với các lý do khác nhau, nhiều hộ chăn nuôi vẫn còn e ngại khi tiêm phòng cho đàn lợn.
Bình luận 0

Vì sao người chăn nuôi còn e ngại tiêm vaccine Dịch tả lợn châu Phi?

Là một trong những hộ nuôi lợn nhiều nhất nhì xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên), anh Nguyễn Văn Quý cho biết, gia đình anh đang đứng ngồi không yên vì DTLCP đang bùng phát mạnh ở nhiều nơi. Hơn 4 năm trước, gia đình anh nuôi hơn 200 con lợn thịt và gần 10 lợn nái, nhưng DTLCP càn quét qua khiến đàn lợn của anh giảm gần một nửa. Năm ngoái, khi cơ quan chức năng thông báo thử nghiệm thành công vaccine DTLCP, người chăn nuôi đều phấn khởi vì sắp có giải pháp hiệu quả để phòng chống loại dịch bệnh đáng sợ nhất hiện nay.

“Công ty thuốc thú y về tận xã chào mời và một số hộ đã thử nghiệm trước. Tuy nhiên, lợn vẫn bị nhiễm bệnh nên gia đình cũng thận trọng chưa dám tiêm. Mấy tuần trở lại đây, trên địa bàn xảy ra lợn chết do nhiễm DTLCP nên ai cũng rất lo”, anh Quý nói.

Không chỉ anh Quý, nhiều hộ dân đang tỏ ra e ngại với vaccine DTLCP. Thậm chí, không ít trang trại nuôi lợn quy mô lớn hơn một năm qua cũng chưa dám tiêm vaccine cho đàn lợn.

Gian nan đưa vaccine Dịch tả lợn châu Phi tiêm phòng cho đàn lợn- Ảnh 1.

Ông Đinh Văn Mừng, ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cho biết, nhiều người dân vẫn e ngại khi tiêm vaccine DTLCP. Ảnh: Minh Ngọc

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long, huyện Thanh Oai (Hà Nội), cho biết, dù Phòng NNPTNT huyện liên tục khuyến cáo tiêm vaccine nhưng trên thực tế, ít hộ dân và trang trại triển khai. Theo ông, DTLCP xuất hiện 100 năm nay, ở các nước châu Âu và Trung Quốc, công nghệ sinh học và ngành chăn nuôi phát triển hơn nhiều với Việt Nam nhưng đến nay chưa có vaccine nên hầu hết các hộ dân chưa tin tưởng.

“Có hộ mua vaccine về tiêm nhưng lợn vẫn bị nhiễm dịch nên bà con không mấy mặn mà. Hợp tác xã có hàng nghìn con lợn thịt, nuôi tập trung theo quy mô lớn nên chúng tôi xác định giải pháp tốt nhất để phòng dịch là xây dựng, đầu tư chuồng trại an toàn sinh học, khử trùng và cách ly tuyệt đối với bên ngoài, không để mầm bệnh lây lan vào chuồng trại”, ông Long nói.

Còn ông Đinh Văn Mừng, đang nuôi hơn 300 lợn thịt ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình) thì băn khoăn, dù muốn tiêm vaccine cho đàn lợn nhưng hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ rủi ro cho người chăn nuôi nên vẫn còn e ngại. Ông cho hay, nhiều hộ nuôi lợn trên địa bàn xã cũng mạnh dạn tiêm vaccine.

"Vaccine - lá chắn thép cho người chăn nuôi"

Trái ngược với đa phần hộ chăn nuôi còn e ngại đối với vaccine DTLCP, thì tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội), một nhóm hộ đã "đánh liều" tiêm vaccine của Công ty AVAC Việt Nam trên đàn lợn thịt và lợn hậu bị. Điều đáng mừng, tất cả đàn lợn được tiêm vaccine đều khỏe mạnh, sinh sản tốt.

Anh Nguyễn Mạnh Đại, thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng (Mỹ Đức) nói chẳng bao giờ quên được thời điểm nửa cuối năm 2023 khi DTLCP càn quét trở lại. Trên địa bàn xã, nhiều trại đã "nổ", và cuối cùng khi nhận kết quả mẫu xét nghiệm, anh bủn rủn chân tay khi biết trang trại hàng trăm con của gia đình cùng chung số phận với các trại đã bị dịch, nguy cơ đàn lợn "ăn mất" sổ đỏ.

Không đành lòng khi nhìn đàn lợn mất nhiều công sức chăm sóc bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy, vợ chồng anh Đại quyết tâm đi tìm giải pháp. Nghe nhiều thông tin về vaccine AVAC ASF trên đài, báo và nhất là qua cán bộ kỹ thuật, anh Đại quyết định lên thăm trực tiếp trại lợn của gia đình ông Lê Viết Thể tại huyện Đan Phượng, Hà Nội để học hỏi về cách phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn.

Gian nan đưa vaccine Dịch tả lợn châu Phi tiêm phòng cho đàn lợn- Ảnh 2.

Lợn con được sinh ra khỏe mạnh từ lợn nái được tiêm vaccine AVAC ASF LIVE trong trang trại của gia đình anh Nguyễn Mạnh Đại, thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức.

Được ông Thể chia sẻ tận tình và tận mắt chứng kiến đàn lợn khỏe mạnh nhờ tiêm phòng vaccine AVAC ASF LIVE cho cả lợn thịt, lợn nái và đực giống, anh Đại liền liên hệ với nhân viên Công ty AVAC để tiêm vaccine cho đàn lợn thịt. Trước khi tiêm vaccine, anh Đại được tư vấn lấy mẫu máu lợn xét nghiệm để chắc chắn đàn lợn của gia đình chưa bị nhiễm bệnh DTLCP.

Anh Đại cam kết với nhân viên AVAC: “Em cứ tiêm cho lợn của anh. Lợn chết thì anh chịu, vì anh bị tổn thất quá nhiều lần rồi, nếu không tiêm vaccine thì dịch lại xảy ra, lợn cũng chết và nghỉ nuôi luôn”.

Sau 29 ngày tiêm vaccine AVAC ASF LIVE, anh Đại nhờ nhân viên của AVAC tiến hành lấy mẫu để kiểm tra; đồng thời, gửi mẫu đi xét nghiệm ở Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương. Anh Đại rất vui mừng khi kết quả xét nghiệm của cả hai nơi cho thấy, 94% đàn lợn thịt 70 con của gia đình anh đã sản sinh kháng thể bảo vệ chống lại DTLCP.

Cũng giống như anh Đại, anh Lượng, thôn Kim Bôi, xã Vạn Kim (huyện Mỹ Đức) cũng đã đến thăm trại lợn của ông Lê Viết Thể. Sau đó, anh quyết định tiêm vaccine cho 3 con lợn nái còn lại của gia đình. Sau tiêm vaccine một thời gian, anh Lượng cũng gửi mẫu để xét nghiệm kháng thể tại phòng thí nghiệm của AVAC và phòng thí nghiệm Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để đối chứng.

Đầu tháng 12/2023, sau khi toàn bộ đàn lợn thịt không bị nhiễm bệnh DTLCP và xuất bán đều đặn, anh Lượng quyết tâm tiêm vaccine cho đàn lợn nái. Nhận thấy vaccine phát huy hiệu quả, gia đình anh mạnh dạn vào đàn hậu bị với số lượng 20 con. Đến nay, số lợn hậu bị được tiêm vaccine vẫn phát triển bình thường, đã bắt đầu sinh sản lứa thứ 2. Hiện tại, trại của anh Lượng có 200 con lợn đã được tiêm vaccine.

Đưa bệnh DTLCP vào diện tiêm phòng bắt buộc

Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Tổng Giám đốc Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco (đơn vị cung ứng vắc xin NAVET-ASFVAC) thừa nhận, việc triển khai tiêm vaccine Dịch tả lợn châu Phi hiện rất khó khăn do người dân còn tâm lý e dè.

Theo bà Lan, nguyên nhân do chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng chưa có quy định cụ thể hỗ trợ người chăn nuôi việc tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, Nhà nước chưa đưa loại vaccine này vào chương trình, kế hoạch tiêm phòng bắt buộc giống như các vaccine tai xanh, lở mồm long móng…chi phí tiêm cao trong bối cảnh chăn nuôi khó khăn.

Tại nhiều cuộc họp, mặc dù nhiều lần lãnh đạo Bộ NNPTNT khẳng định, vaccine được coi là "lá chắn thép" trong phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, tuy nhiên, đến nay, với các lý do khác nhau, nhiều hộ chăn nuôi vẫn còn e ngại khi tiêm phòng cho đàn lợn.

Tại một cuộc họp triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn Đinh Thị Thu kiến nghị cần đưa bệnh DTLCP vào diện tiêm phòng bắt buộc.

Theo Bộ NNPTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 660 ổ dịch bệnh DTLCP tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 42.400 con, nhất là tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An…

Lãnh đạo Cục Thú y cho biết, dù vaccine DTLCP đã được triển khai tiêm gần một năm nay nhưng đến nay tỷ lệ tiêm còn thấp.

Thống kê của các doanh nghiệp cho thấy, hiện có gần 6 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi được tiêm thương mại, trong khi tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 27 triệu con. Đặc biệt, có tình trạng người dân còn e dè việc tiêm vaccine do lo ngại tính hiệu quả chưa cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem