"Bão" Dịch tả lợn châu Phi quét qua: Nhiều địa phương không còn con lợn nào (Bài 1)

Hải Đăng Thứ năm, ngày 18/07/2024 08:43 AM (GMT+7)
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện gần 690 ổ Dịch tả lợn châu Phi, tăng gần 3 lần so với năm ngoái, trải rộng trên 45 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An… Nhiều trang trại, nông hộ tiếp tục bị xóa sổ, nhiều xã "trắng" lợn.
Bình luận 0

LTS.Sau thời gian yên ắng, từ đầu năm đến nay, Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, trong đó có một số điểm nóng như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh,... Ngay sau khi dịch xảy ra, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương tăng cường các biện pháp chống dịch, đẩy mạnh tiêm phòng vaccine Dịch tả lợn châu Phi; đồng thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các công điện, chỉ thị yêu cầu các địa phương vào cuộc khống chế dịch bệnh nguy hiểm này.

Thực tế, vaccine Dịch tả lợn châu Phi do các doanh nghiệp thú y trong nước đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, kiểm nghiệm qua nhiều vòng rất chặt chẽ trước khi công bố lưu hành; quá trình thử nghiệm diện hẹp, diện rộng ở nhiều địa phương cho kết quả khả quan, khả năng bảo hộ của vaccine cao. Vấn đề còn lại là làm thế nào để người dân sử dụng vaccine Dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, an toàn cho đàn lợn.

Nhân dịp này, Dân Việt thực hiện loạt bài nhằm ghi nhận thực tế diễn biến Dịch tả lợn châu Phi ở các địa phương, đồng thời ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của người dân, địa phương, doanh nghiệp trong quá trình sử dụng vaccine Dịch tả lợn châu Phi để bảo vệ đàn lợn an toàn trước "bão" dịch.

"Bão" Dịch tả lợn châu Phi quét qua: Nhiều địa phương không còn con lợn nào- Ảnh 1.

Cán bộ thú y tỉnh Bắc Kạn kiểm đếm lợn chết vì dịch bệnh trước khi đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Ngọc Tú.

Dịch tả châu Phi lây lan nhanh do đâu?

Sáng 16/7, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Xuân Việt - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có khoảng 98/108 xã bị dịch tả lợn châu Phi với số lợn phải tiêu hủy lên đến khoảng gần 16.000 con. 

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng DTLCP lây lan nhanh, diễn biến phức tạp tàn phá ngành chăn nuôi lợn của Bắc Kạn là do tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát vẫn còn phổ biến, người chăn nuôi chưa quan tâm nhiều đến biện pháp chăn nuôi an toàn, chăn nuôi sinh học.

"Nhiều hộ còn chăn nuôi kiểu thả rông để vật nuôi tiếp xúc với môi trường không đảm bảo. Khi gặp thời tiết bất lợi có nguy cơ nhiễm bệnh dịch cao hơn", ông Việt khẳng định.

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn cũng thừa nhận công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi tại các xã, huyện, thị trấn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. "Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai kế hoạch tiêm phòng dịch cho đàn lợn từ đầu năm nhưng các huyện không triển khai. Khi xảy ra dịch, lực lượng phòng, chống dịch lại mỏng, có nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên trách nên dịch lây lan nhanh, khó kiểm soát", ông Việt nói.

Ông Đinh Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mục (huyện Chợ Mới) cho biết, so với đợt dịch trước các tuyến đường liên huyện, tỉnh đều có chốt kiểm soát rất nghiêm ngặt nên việc phòng, chống dịch nhanh và hiệu quả hơn. Tuy vậy, đợt dịch này chủ yếu xã chỉ tuyên truyền và hướng dẫn người dân tiêu độc khử trùng chuồng trại, các ổ dịch và không bán, bỏ vật nuôi chết dịch ra môi trường.

"Dù chúng tôi rất tích cực tuyên truyền nhưng việc kiểm soát dịch vẫn rất khó khăn. Đến giờ, về cơ bản trong xã không còn con lợn nào. Xã làm tờ trình lên huyện xin cấp hóa chất, vôi bột để khử trùng, vệ sinh chuồng trại, đồng thời khuyến cáo người dân khi nào hết dịch mới tiếp tục tái nuôi để đảm bảo không bị thiệt hại về tài sản", ông Huấn khẳng định.

"Bão" Dịch tả lợn châu Phi quét qua: Nhiều địa phương không còn con lợn nào- Ảnh 2.

Theo ông Việt, do lực lượng thú y cơ sở còn mỏng, thiếu nên việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại các xã, huyện trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.

Không đủ lực lượng thú y cơ sở để phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của DTLCP tại Bắc Kạn, Bộ NNPTNT nhận định địa phương chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định. Tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn làm dịch bệnh lây lan diện rộng.

Ngoài ra, hầu hết người chăn nuôi ở Bắc Kạn chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học. Mặc dù đã có vaccine dịch tả lợn Châu Phi, các địa phương xung quanh, cũng như một số hộ chăn nuôi của tỉnh Bắc Kạn đã sử dụng, cho kết quả rất tốt, bảo vệ được đàn lợn, nhưng trên 99% đàn lợn thịt không được tiêm phòng.

Theo đó, Bộ NNPTNT đề nghị tỉnh Bắc Kạn công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh để nâng mức phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh Bắc Kạn mới chỉ công bố dịch theo từng xã, chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh.

Phản hồi về vấn đề này, ông Việt khẳng định: Vấn đề mấu chốt nhất là không có đủ lực lượng để thực hiện toàn diện về công tác phòng chống dịch như đợt dịch trước và địa bàn các xã, huyện trên địa bàn cũng rộng, nhiều tuyến đường, lối mở nên việc kiểm soát, kiểm dịch rất khó khăn.

Bên cạnh đó, khi công bố dịch, nguồn kinh phí cấp cho công tác phòng chống dịch rất lớn, nếu làm quy mô sẽ khó. Hơn nữa, số lượng lợn bị dịch không quá lớn đa phần tại các trại, nông hộ, các trang trại, công ty chăn nuôi chăn nuôi an toàn sinh học không bị dịch. Nếu tỉnh công bố dịch thiều điểm này, việc chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển kinh tế của địa phương.

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục có chiều hướng gia tăng mạnh, chỉ trong vòng 1 tháng qua, cả nước đã có thêm hơn 10.000 con lợn bị tiêu hủy, nâng tổng số lợn phải tiêu hủy do tả lợn châu Phi từ đầu năm đến nay (15/7) của cả nước lên là hơn 46.000 con, cao gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguy cơ cao dịch bệnh lây lan diện rộng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng vào cuối năm. Ngày 14/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.

Kể từ đầu năm, gần 690 ổ dịch bùng phát, tăng gần 3 lần so với năm ngoái, trải rộng trên 45 tỉnh, thành phố. Các tỉnh xảy ra dịch bệnh nặng nhất gồm: Lạng Sơn với số lợn chết và tiêu huỷ gần 16.000 con, tỉnh Bắc Kạn tiêu hủy gần 13.000 con, tiếp đến là Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An. Đáng lo ngại là đến ngày 15/7, cả nước vẫn còn hơn 340 ổ dịch tại 24 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Đây chính là nguồn có thể khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan trong những ngày tới.

Ghi nhận tại "điểm nóng" DTLCP Lạng Sơn, chúng tôi cũng nhận thấy, công tác phòng chống dịch tại địa phương này cũng gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. 

Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, do sự thiếu quyết liệt trong công tác chống dịch tại một số địa phương cấp huyện và cấp xã. Nhận thức không đầy đủ và không chính xác về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, cùng với việc giám sát và hướng dẫn không đúng quy định từ chính quyền cơ sở, đã góp phần vào tình trạng này. Hơn nữa, các hộ chăn nuôi lợn chưa chủ động áp dụng các biện pháp vệ sinh thú y cần thiết, và việc tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn bệnh còn nhiều bất cập.

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Nam Hùng cho rằng: Hiện nay việc tiêm phòng vaccine là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 0,01% so với tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem