Gian nan giữ nghề truyền thống

Chủ nhật, ngày 23/10/2011 20:25 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện nay, không ít nghề truyền thống bị mai một, vì vậy người làm nón ở làng nghề nón lá xã Phú Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) mong muốn được học thêm kỹ năng, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu để có nghề bền vững.
Bình luận 0

Lấy chồng mang nghề về làng

Ngược dòng lịch sử làm nghề, người dân ở đây vẫn nhắc tới người có công “cấy nghề”, dạy nghề cho người dân trong vùng là cụ bà Phạm Thị Nhàn. Cụ Nhàn người gốc làng Chuông, huyện Thanh Oai lấy chồng về xã Phú Châu năm 1939 và mang nghề từ quê truyền lại cho hàng xóm, sau đó nhân rộng ra toàn xã và nhiều xã lân cận vùng ven đê sông Hồng thuộc huyện Ba Vì.

img
Người dân Phú Châu mong được đào tạo thêm để có nghề bền vững.

Cũng chính vì có nguồn gốc từ làng Chuông nên nón lá Phú Châu về hình dáng và kích thước giống nón lá làng Chuông. Muốn có một chiếc nón, người thợ cần phải trải qua 7 bước cơ bản. Từ tẽ lá, là lá, làm vanh, quay nón, khâu, cạp vành và tra nhôi.

Nhưng làm được chiếc nón đẹp yêu cầu người thợ phải biết cách chọn lá thật trắng, tẽ lá không được để rách, lá được là thật phẳng, không để ngả màu; tre, nứa làm vanh được vót thật tròn, đều, khi may tránh làm đứt cước; khi quay nón người thợ phải khéo léo để không làm hở chúp, lá được xếp tránh bị cộm. Điều quan trọng nữa là mũi khâu yêu cầu phải ngắn, lỗ nhỏ thì chiếc nón sẽ tròn, khít, mịn từ mép lá đến đường kim mũi chỉ. Để làm được, người thợ làm nón lá phải thật tỉ mỉ, kiên trì.

Bà Nguyễn Thị Anh (thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu) - một trong những người thợ làm nón đẹp nhất làng cho biết: “Dân ở đây 6 tuổi đã biết cầm kim, thậm chí biết cầm kim may nón trước khi cầm bút học chữ. Một người khi mới làm chỉ may được 1 cái 1 ngày, đến lúc thạo việc có thể làm được 3 chiếc nón đẹp một ngày”.

Tiền tỷ từ nón lá

Theo giá bán hiện nay, một chiếc nón bán được từ 20.000 - 50.000 đồng, sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu, người làm nón thu được số tiền lãi từ 10.000 - 35.000 đồng. Một người may đẹp và nhanh có thể thu nhập từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày. Tính ra, người may bình thường ít nhất thu nhập một tháng cũng được trên dưới 1 triệu đồng, còn thợ vững tay một tháng thu nhập tới gần 3 triệu đồng. Một năm xã Phú Châu có tổng thu nhập từ nghề nón lá trên 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nghề làm nón lá xã Phú Châu vẫn phát triển theo hình thức tự phát, có người chọn cách khâu nón rồi ra chợ làng bán cho tư thương, có gia đình thì chỉ sơ chế lá để phục vụ người trong xã hoặc bán đi các tỉnh lân cận như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… còn đa phần thanh niên học xong phổ thông đều chọn nghề khác để kiếm sống. Người làm nón trong xã bây giờ đa phần là người già, phụ nữ và trẻ em. Vì thế, làng nón lá mất dần sức sống để phát triển nghề…

Xã Phú Châu, huyện Ba Vì có hơn 10.000 nhân khẩu thì có tới gần 3.000 người tham gia làm nón lá thường xuyên.

Hơn nữa, Ba Vì là vùng đất du lịch với rất nhiều điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng, bà con trong xã luôn mong muốn tìm ra cách để nón lá Phú Châu không chỉ được bày bán ở các chợ mà còn có thể đến được với khách du lịch và trở thành mặt hàng có thương hiệu.

Chia sẻ điều này, ông Dương Văn Hòa- Chủ tịch UBND xã Phú Châu cho biết: “Địa phương cũng mong muốn nón lá xã Phú Châu có thương hiệu riêng, để bà con yên tâm sản xuất, không phải lo giá cả bấp bênh lên xuống theo phiên chợ, tùy thuộc vào thương lái”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hoà, để làm các thủ tục đăng ký thương hiệu, ở xã chưa có ai đứng ra đảm nhận. Ngoài ra, bà con cũng cần được đào tạo thêm về kỹ năng làm nghề, khởi sự kinh doanh. “Rất mong có sự quan tâm của các cấp, các ngành giúp đỡ địa phương để nón lá Phú Châu có thể vươn xa đến được các khu du lịch, giúp bà con có thu nhập ổn định”- ông Hoà nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem