Giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ: Lộ loạt "chi tiết nóng" tại dự thảo Thông tư của NHNN
Giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ: Lộ loạt "chi tiết nóng" tại dự thảo thông tư của NHNN
PVKT
Chủ nhật, ngày 23/04/2023 08:28 AM (GMT+7)
Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước chiều qua (22/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, thúc đẩy việc ban hành ngay thông tư quan trọng liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ: Thủ tướng "thúc", doanh nghiệp mong
Theo đó, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện dự thảo theo hướng cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp, đồng thời thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và đẩy mạnh phân cấp để tăng cường trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ - đây cũng là mong mỏi của cộng đồng các doanh nghiệp khi tình trạng "cạn" tiền diễn ra tại không ít doanh nghiệp thời gian qua. Nếu sớm được giãn, hoãn các khoản nợ, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội cầm cự trong giai đoạn khó và phục hồi khi kinh tế "ấm lên".
Mới nhất, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành (dự thảo) Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Giãn nợ, giữ nguyên nhóm đến hết năm, chỉ được cơ cấu nếu có khả năng trả nợ
Tại cuộc họp báo về tình hình quý I/2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng của quý I/2023 mới chỉ đạt 2,06%. Mức tăng trưởng này đã giảm hơn một nửa so với cùng kỳ và là con số thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Điều này xuất phát từ tình hình khó khăn tại nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ chính sách giãn, hoãn nợ hỗ trợ đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đang gặp khó khăn. Khi Chính phủ có Nghị quyết về chính sách này, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời ban hành thông tư hướng dẫn.
Ông Tú cũng cho hay, đối tượng nào, ngành nghề nào được giãn, hoãn nợ trong năm nay sẽ được Ngân hàng Nhà nước tính toán kỹ nhằm hỗ trợ đúng cho doanh nghiệp gặp khó khăn. Hơn nữa, điều này còn đảm bảo độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn này.
Do đó, tại dự thảo thông tư vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng đầy đủ 7 điều kiện.
Thứ nhất, khoản nợ phát sinh trước ngày thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.
Thứ ba, được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng.
Thứ tư, khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ khi được cơ cấu lại.
Thứ năm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
Thứ 6, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khách hàng, không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Thứ bảy, việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo thông tư này được thực hiện từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.
Về giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ, dự thảo thông tư quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại thông tư này như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại thông tư này.
Như vậy, theo quy định tại dự thảo thông tư này, ngân hàng sẽ giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm nay.
Chặn trục lợi chính sách
Ngân hàng Nhà nước đánh giá tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và khả năng trả nợ của nhiều khách hàng.
Do đó, việc triển khai chính sách tháo gỡ khó khăn về dòng tiền thông qua cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tương tự như đã triển khai trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 là giải pháp tình thế cần thiết.
Thông qua chính sách này, doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng đúng thời hạn đã thỏa thuận, có thể được kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu.
Do không bị chuyển nợ xấu, khách hàng có điều kiện để tiếp cận nguồn vốn tín dụng, duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhờ đó, khách hàng có cơ hội trả nợ ngân hàng, tạo công ăn việc làm cũng như tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, do nguồn lực thực hiện cơ cấu nợ là nguồn của chính các ngân hàng thương mại nên dự thảo Thông tư quy định, các ngân hàng đưa ra quyết định cơ cấu nợ dựa trên năng lực tài chính của mình, đồng thời đáp ứng trích lập dự phòng rủi ro 100% với các khoản nợ được cơ cấu.
Đồng thời, nhằm đảm bảo chính sách cơ cấu nợ được thực hiện đúng đối tượng, dự thảo thông tư quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm về quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư này đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi.
Các tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư này để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể 3 nội dung.
Thứ nhất, tiêu chí xác định khoản nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư này;
Thứ hai, trình tự, thủ tục, phân công, phân cấp, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm bảo đảm nguyên tắc cá nhân, bộ phận quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ không là cá nhân, bộ phận phê duyệt cấp tín dụng, trừ trường hợp việc cấp tín dụng do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc/Giám đốc, ngân hàng mẹ (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua.
Trường hợp việc xét duyệt cấp tín dụng và xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực hiện thông qua cơ chế hội đồng thì Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cấp tín dụng và ít nhất hai phần ba (2/3) thành viên Hội đồng xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải là thành viên của Hội đồng xét duyệt tín dụng;
Thứ ba, tần suất rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định pháp luật; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Các quy định trên đây phải đảm bảo rõ ràng, thống nhất, không đặt thêm nhiều điều kiện, thủ tục phức tạp gây khó khăn khi triển khai chính sách hỗ trợ này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.